“Ám ảnh” nhà vệ sinh bệnh viện

Chia sẻ

PNTĐ-Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh năm 2018 do Bộ Y tế công bố mới đây, chất lượng nhà vệ sinh (NVS) vẫn là vấn đề người bệnh kêu ca, phàn nàn nhiều nhất.

  
Khảo sát được thực hiện trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018. Kết quả cho thấy, so với năm 2017, chỉ số hài lòng về chất lượng NVS năm 2018 đã tăng từ 3,58 lên 3,72 điểm, nhưng vẫn ở nhóm cuối trong bảng chỉ số.
 
Phát biểu tại hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: Còn hơn 20% bệnh nhân không hài lòng về chất lượng NVS bệnh viện. 18% nhà vệ sinh bệnh viện còn ở mức 1-2 (nước bẩn, có mùi hôi, không có xà phòng rửa tay, nền nhà ướt)…
 
Quan sát của phóng viên báo PNTĐ tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố (bệnh viện Bạch Mai, K cơ sở 1, Phụ sản Trung ương, bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội)…), tình trạng NVS bệnh viện thiếu giấy, thiếu nước rửa tay vẫn xảy ra; có nơi rác thải vương vãi khắp sàn nhà, bốc mùi hôi hám.
 
Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Y tế cũng đã kiểm tra đột xuất 20 bệnh viện tuyến trung ương, địa phương. “Ngày 4/6, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đến bệnh viện Mắt trung ương. Dù bệnh viện đã xây dựng 16 nhà vệ sinh đẹp và hiện đại, nhưng người bệnh vẫn phản ảnh, nhà vệ sinh còn có mùi hôi” - PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết.
 
Theo ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, việc chất lượng NVS tại nhiều bệnh viện công chưa được cải thiện xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Do số NVS quá tải so với lượng bệnh nhân theo thiết kế ban đầu; chất lượng sản phẩm vệ sinh giảm dần theo thời gian; bị hư hỏng do người sử dụng chưa có ý thức hoặc cố tình phá hoại; không có người dọn vệ sinh hoặc dọn không sạch, không chuyên nghiệp…
 
Đơn cử tại bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp đón 3.000 - 4.000 lượt bệnh nhân tới khám, chưa kể lượng người nhà chăm bệnh nhân, người tới thăm, người đưa đi khám… khiến NVS bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. 
 
Muốn nâng cao chất lượng NVS, ông Hiệp cho rằng, bệnh viện cũng nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh công cộng bên ngoài bệnh viện, tới bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Với lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội - ngoại trú hàng ngàn lượt mỗi ngày, NVS hoạt động hết công suất, nhân lực dọn dẹp tại bệnh viện có hạn, nếu ý thức mỗi người không được đề cao khó lòng xây dựng NVS theo đúng chuẩn. 
 
Là một trong những bệnh viện tiên phong, mạnh dạn xây dựng NVS đạt tiêu chuẩn, hiện đại, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện E cho biết: Xác định việc cải tạo, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, trong đó có NVS là tiêu chí quan trọng trong quá trình hoạt động của bệnh viện. Năm 2016, bệnh viện đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để xây mới hệ thống NVS công cộng hiện đại, đạt tiêu chuẩn gồm 5 buồng tắm nóng lạnh, 4 buồng vệ sinh (nam, nữ), hệ thống bồn rửa tay, vòi nước cảm ứng, máy làm khô tay...
 
“Ám ảnh” nhà vệ sinh bệnh viện - ảnh 1
Chưa nhiều bệnh viện có NVS “đạt chuẩn” như tại bệnh viện E

 
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chỉnh trang, cải tạo hệ thống NVS công cộng của khu nhà khoa Khám bệnh, khoa Tai Mũi Họng, phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Tài chính kế toán. Bởi vậy, dù lượng người tới khám mỗi ngày trên dưới 8.000 lượt, tuy nhiên, NVS trong bệnh viện vẫn luôn đảm bảo vệ sinh.
 
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Lê Hưng - Giám đốc bệnh viện đa khoa Đống Đa chia sẻ: Để cải thiện, đảm bảo chất lượng NVS, bệnh vện đã thuê hẳn đội ngũ nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp để dọn dẹp, đảm bảo NVS luôn sạch sẽ. Ngoài ra, bệnh viện còn tường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nhân viên y tế về khử khuẩn, phân loại chất thải sinh hoạt và y tế ngay từ nguồn. 
 
Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tùy theo điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh, giám đốc bệnh viện cần phân công rõ người, đơn vị chịu trách nhiệm, có cơ chế giám sát sát sao để đảm bảo cải thiện chất lượng NVS. Tới đây, trong quá trình kiểm tra, chấm điểm bệnh viện, Bộ Y tế sẽ coi tiêu chí NVS là tiêu chí đặc biệt quan trọng, nếu NVS xếp loại thấp thì chất lượng bệnh viện cũng loại kém. 
 
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.