Hà Nội Xây dựng hệ thống y tế thông minh:

Chuyển đổi số trước hết từ nhận thức của người đứng đầu

Bài vả ảnh: YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mục tiêu xây dựng nền y tế thông minh của Hà Nội đã có những kết quả bước đầu và đem lại hiệu quả tích cực rõ ràng. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo y học đã giúp hàng ngàn cán bộ y tế có cơ hội học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, hàng trăm bệnh nhân được hội chẩn với chuyên gia hàng đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, mà không phải chuyển tuyến lên trung ương.

Chuyển đổi số trước hết từ nhận thức của người đứng đầu - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế về các mô hình xây dựng bệnh viện thông minh, y tế thông minh.

Từ những thành tựu bước đầu
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, Đề án 06 đặt ra 6 nhiệm vụ về xây dựng y tế thông minh gồm: Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (kiosk tự phục vụ) và thí điểm hồ sơ sức khỏe (HSSK), sổ sức khỏe điện tử. Với những nhiệm vụ ấy, Thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra. 

Tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc-xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin; liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế. 

Về việc triển khai HSSK điện tử, sổ sức khỏe điện tử, Thành phố đã khởi tạo HSSK điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ bảo hiểm y tế.  

Thành phố cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế. Đến nay, thành phố đã đồng bộ được gần 3,3 triệu HSSK của người dân lên cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID.

Ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, 5 bệnh viện của ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn.

Triển khai khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (kiosk tự phục vụ), ngành y tế Hà Nội thí điểm 5 kiosk tự phục vụ tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện đa khoa Xanh pôn và 1 kiosk tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa; đồng thời tiếp tục triển khai thí điểm kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì và Bệnh viện Hòe Nhai. 
Cần đầu tư hạ tầng thông tin và chiến lược phát triển dài hạn
Bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, một thực tế hiện nay còn tồn tại là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế phải đương đầu với không ít thách thức. Công tác đảm bảo an ninh mạng chưa được chú trọng. Chưa kể, dữ liệu phân tán, chưa tập trung, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám chữa bệnh. Chưa xây dựng được các hệ thống thông tin, nền tảng dữ liệu tập trung; triển khai bệnh án điện tử còn chậm.

Theo thống kê của Hội Tin học Việt Nam, tuy Hà Nội là 1 trong 2 thành phố lớn nhất cả nước với số cơ sở khám chữa bệnh và số người thăm khám hàng đầu, nhưng số đơn thuốc của Hà nội gửi liên thông về hệ thống hiện đứng thứ 29 trên toàn quốc. Số đơn thuốc kết nối về hệ thống đơn thuốc quốc gia chỉ đạt 1% trong tổng số đơn thuốc của hệ thống.

Số lượng cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội thường xuyên thực hiện kê đơn điện tử liên thông lên hệ thống của Bộ Y tế mới chỉ có 186 cơ sở, trên tổng số khoảng 6.472 cơ sở khám chữa bệnh (công lập 707 cơ sở, tư nhân 5.765); đạt tỷ lệ gần 0,03 % cơ sở liên thông. Tổng đơn thuốc gửi về trong 5 tháng đầu năm 2024 là 675.599 đơn thuốc (cả công và tư), trong khi đó 5 tháng đầu năm 2022 số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố đạt 3,2 triệu lượt khám (chỉ trong công lập). Tỷ lệ số đơn thuốc thực gửi về hệ thống theo quy định rất thấp: 2% số đơn thực.

Hiện toàn TP Hà Nội mới chỉ có 1.580 cơ sở khám chữa bệnh khai báo và được cấp mã liên thông trên tổng 6.472 cơ sở. Trong đó có 935 cơ sở tư nhân, số còn lại là 645 cơ sở khám chữa bệnh công lập, từ trạm y tế xã, phường tới bệnh viện các hạng. Toàn Thành phố hiện có 4.110 người kê đơn thuốc đã khai báo và được cấp mã định danh kết nối liên thông trên hệ thống; nhưng mới có 628 đơn thuốc được gửi báo cáo đã bán về hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Để có thể xây dựng một nền y tế thông minh đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng: Cần tập trung phát triển các hệ thống thông tin chuyên ngành, phần mềm quản trị tập trung. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng dữ liệu tập trung tiến tới kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, như: Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, TeleHeath, Tele-ICU. Xây dựng Hệ thống điều hành thông tin mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện như: Xe cứu thương thông minh, Tele-ICU; triển khai giấy chuyển tuyến điện tử trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng mà trước hết bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.

Bởi vậy, ngành y tế cần tập trung nghiên cứu 3 vấn đề gồm: Quy hoạch ngành và chiến lược của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng quy chế và quy trình, đặc biệt là quy trình phối hợp liên thông trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện một cách quy chuẩn, bài bản việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Từ đó tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.

“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành, hỗ trợ và thúc đẩy cùng phát triển. Đơn cử như số hóa phim chụp góp phần lớn trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đây chính là chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhất”- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số

Cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số

(PNTĐ) - Người dân phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhiều năm nay đã quen với hình ảnh bà Vũ Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, kiêm Cộng tác viên dân số phường đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách dân số.