Dịp Tết, cẩn trọng nguy cơ dịch chồng dịch

PHƯƠNG THẢO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời điểm cận Tết cũng là lúc nhu cầu giao thương, du lịch giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước gia tăng. Đồng thời cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây chính là tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp, nguy cơ dịch chồng dịch, đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em…

Dịp Tết, cẩn trọng nguy cơ dịch chồng dịch - ảnh 1
Người dân nên chủ động tiêm chủng để phòng ngừa cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp.
Ảnh: Int

Gia tăng các bệnh lý đường hô hấp
Thông tin tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Qua số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta thấy dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp. Theo WHO, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19 trong tháng 12/2023, số nhập viện cũng tăng 42% so với tháng 11/2023. Điều đó cho thấy dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường.

Trong khi đó, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, gần đây nhất là biến thể Omicron JN.1 đang gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Theo công cụ theo dõi từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chủng chiếm khoảng 60% số trường hợp dương tính vào đầu tháng 1. Omicron JN.1, có khả năng "né tránh miễn dịch" và được WHO đánh giá là "biến thể cần theo dõi".

Đáng nói không riêng Covid-19, với tình hình thời tiết phức tạp những ngày gần Tết, đặc biệt miền Bắc đang trong mùa đông xuân, gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân khiến bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh về đường hô hấp lây lan, gia tăng nhanh chóng. 

Đại diện phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng), cho biết số bệnh nhân mắc cúm tăng nhưng không bất thường bởi đây là thời điểm giao mùa. Thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm. Kết quả giám sát cho thấy các chủng virus cúm hiện lưu hành ở Việt Nam vẫn là virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B... 

Đáng nói, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có ghi nhận trường hợp người bệnh nhiễm 2 bệnh cùng lúc như Covid-19 và cúm A. Điều này rất nguy hiểm bởi khi vi khuẩn và virus tương tác, cộng sinh sẽ gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, tình trạng bệnh nhân thường nặng, khó điều trị. Nhiễm cúm đồng thời với Covid-19 khiến niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, thuận lợi cho vi khuẩn phế cầu trú ở vùng hầu họng xâm nhập, gây bệnh ở phổi và ngược lại.

Chưa kể, trên những người có bệnh nền, việc đồng nhiễm nhiều tác nhân sẽ tăng nguy cơ trở nặng, điều trị khó khăn, kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ hô hấp như: Xẹp, áp xe, phù phổi; suy hô hấp. 

Chủ động phòng dịch để đón Tết an toàn
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 và biến chủng mới Omicon JN.1, TS.BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thêm: Theo đánh giá của WHO, hiện chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của biến thể tăng lên, dù số mắc có dấu hiệu tăng lên. 

TS Hoàng Minh Đức cũng nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. 

Trong khi đó, công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh còn hạn chế; thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống; miễn dịch giảm theo thời gian. Việc mua sắm, đấu thầu... còn khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, sinh phẩm trong một số thời điểm; một số quy định về tài chính chưa có hướng dẫn hoặc chưa cụ thể. 

Bởi vậy, một mặt chúng ta không lo lắng, không lo sợ nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắcxin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân, và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc-xin và ý thức người dân.

Bên cạnh tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, phế cầu, ho gà… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, tránh dịch chồng dịch.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.