Gia tăng bệnh nhân nhập viện vì nồm ẩm

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những ngày qua, tại nhiều bệnh viện ở khu vực miền Bắc, lượng bệnh nhân nhập viện do gặp phải vấn đề sức khỏe liên quan tới thời tiết nồm ẩm có sự gia tăng đáng kể. Trong đó, hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi và trẻ em.

Gia tăng bệnh nhân nhập viện vì nồm ẩm - ảnh 1
Bệnh nhân nhập viện điều trị tại BV Hữu Nghị Ảnh: T.H

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày 
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, thống kê cho thấy trung bình khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày. Ngoài những bệnh mạn tính, cấp tính, trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay, bệnh nhân đến khám, điều trị 3 bệnh chính, đặc trưng theo mùa, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và về da. Tình trạng này diễn ra tương tự ở nhiều BV như: Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Thanh Nhàn, Đức Giang… với lượng bệnh nhân tăng trung bình 15-30% so với ngày thường, đa phần liên quan bệnh lý hô hấp.

Ngoài trẻ nhỏ còn có đông người lớn, nhất là người già - đối tượng có sức đề kháng kém cũng gặp phải vấn đề không tốt về sức khỏe. Đang điều trị viêm phổi tại BV Thanh Nhàn, chị Mai Hương Giang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Từ trước Tết Nguyên đán, chị đã bị ho dai dẳng nhưng chỉ tự điều trị tại nhà, không đi khám. Tuy nhiên, khi Hà Nội chuyển sang thời tiết nồm ẩm, bệnh viêm xoang chuyển biến nặng, kèm ho, sốt, chị buộc phải vào viện điều trị thì phát hiện mình bị viêm 1/3 phổi. Sau khi được yêu cầu nhập viện và truyền kháng sinh liên tục, đến ngày thứ tư, chị mới bớt ho và dễ thở.

PGS. TS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) cho biết, thêm: Trung bình mỗi ngày khoa A9 tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên tới 280-300 bệnh nhân (ngày 7/2). Trong đó, tỷ lệ nặng chiếm tới 40% nên việc đánh giá các bệnh nhân khá căng thẳng. 

Tại BV Lão khoa Trung ương, tính riêng sau Tết, số người cao tuổi đến khám và điều trị tăng 30%. Riêng bệnh nhân cấp cứu tại khoa Cấp cứu và đột quỵ tăng 150%. Hầu hết trường hợp mắc bệnh lý cấp cứu của người cao tuổi như tim mạch, hô hấp, thần kinh. Trong đó, bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết lạnh, nồm ẩm, người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mắc nhiều bệnh nền.

Tương tự BV Lão khoa Trung ương, so với dịp Tết Nguyên đán, những ngày thời tiết chuyển nồm ẩm, lượng bệnh nhân nhập viện tại khoa Cấp cứu BV Hữu Nghị đông hơn hẳn. BSCKII Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Hữu Nghị) lý giải: Nguyên nhân là bởi độ ẩm trong những ngày qua thường xuyên đạt 80-90%, gần như ở mức bão hòa, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt người già và trẻ em.

Mức nhiệt đó là môi trường thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển mạnh. Đây có thể là tác nhân, dị nguyên gây nên các bệnh hô hấp, dị ứng như mề đay, ho, hen, tăng nặng ở người có bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn... Bên cạnh đó, độ ẩm cao khiến một số vi khuẩn trong thức ăn tăng sinh rất nhanh, nguy cơ dẫn tới ngộ độc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Ngoài ra, những bệnh như virus rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da cũng là những loại bệnh dễ lây lan và xuất hiện nhiều vào thời điểm này. Nồm ẩm cũng làm tăng tình trạng đau cơ xương khớp ở người già.

Tăng đề kháng để bảo vệ sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe mùa nồm ẩm với đối tượng trẻ nhỏ, nhất là trẻ có cơ địa dị ứng, hen phế quản, BSCKII Nguyễn Đặng Khiêm lưu ý rằng: Do tác động của không khí lạnh ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến nhóm trẻ này dễ lên cơn hen bùng phát. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu. Khi trẻ ăn phải những thực phẩm này sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Vì vậy, các gia đình cần giữ vệ sinh chân tay, nhà ở sạch sẽ, bảo quản thực phẩm an toàn, đúng cách.

Bên cạnh đó, trời nồm khiến trẻ em, thậm chí cả người lớn có thể gặp phải tình trạng ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Lúc này cha mẹ cần để ý mặc đồ thoáng mát, kịp thời lau mồ hôi cho trẻ. Tránh tình trạng ủ ấm quá, trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi.

BS Khiêm cũng khuyến cáo những người có bệnh lý đường hô hấp cần có biện pháp phòng ngừa chủ động như tiêm phòng cúm, phế cầu để tránh bùng phát đợt cấp của những bệnh này. Đồng thời tăng sức đề kháng bằng cách đảm bảo đủ dinh dưỡng, cung cấp đủ vi chất, uống nhiều nước hoa quả. Một điều cần lưu ý là thời tiết nồm ẩm dễ làm tinh thần của người già trầm xuống, nhu cầu ăn uống không cao nên phải chủ động bổ sung dinh dưỡng như ăn đủ bữa, đủ chất, bổ sung thực phẩm chức năng theo sự tham vấn của bác sĩ, tránh bổ sung vô tội vạ mà không hiệu quả.

“Nồm ẩm còn khiến sàn nhà hay trơn trượt, nếu không cẩn thận rất dễ té ngã, nguy cơ cao gây chấn thương, đặc biệt nguy hiểm với người già nếu bị ngã gãy xương đùi, chấn thương cột sống. Do đó, các gia đình cần đảm bảo trong nhà khô ráo, có biện pháp đi lại an toàn, chắc chắn. Ngoài ra cũng nên tích cực theo dõi thông tin diễn biến thời tiết để có giải pháp giúp cơ thể thích nghi, ứng phó được trước mọi biến đổi bất thường” - BS Khiêm tư vấn.

Liên quan tới bệnh da liễu nói chung trong mùa nồm ẩm, các chuyên gia da liễu khuyên mọi người cần lưu ý một số vấn đề: Quan tâm làm sạch da mặt sau khi ra đường, tránh để bụi tích tụ trên da; giữ sạch khăn rửa mặt, thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên để mặt không bị mụn và nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không mặc quần áo còn đang ẩm. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà. Ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.