Gia tăng trẻ gặp gặp tai nạn thương tích trong dịp hè

Chia sẻ

PNTĐ-Theo các bác sĩ ở BV Nhi T.Ư, mỗi dịp nghỉ hè, số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích gia tăng đột biến, chủ yếu là tai nạn do sinh hoạt trong gia đình.

 
Gia tăng trẻ gặp gặp tai nạn thương tích trong dịp hè - ảnh 1
Xử trí cấp cứu cho trẻ bị tai nạn thương tích
 
Những tai nạn đau lòng và đáng tiếc!
 
Đến BV Nhi T.Ư, vào những ngày cuối tháng sáu này, nhiều trẻ em đủ mọi lứa tuổi bị quấn băng trắng ở tay chân, bụng, ngực... Theo các bác sĩ ở BV Nhi T.Ư, vào dịp nghỉ hè, số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích gia tăng đột biến, bởi vì trẻ nghỉ học ở nhà không có người trông coi. Loại hình tai nạn đa dạng, nhưng nhiều nhất là tai nạn do sinh hoạt trong gia đình như gãy chân tay, bị vật nhọn đâm, uống nhầm axit…
 
Mới đây, BV đã xử trí, cấp cứu cho bệnh nhân nhi Nguyễn Trung H (17 tháng tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) khi đang ngủ với mẹ, bị ngã khỏi giường, đầu đập mạnh vào chiếc đinh vít hoen gỉ dưới sàn nhà. Theo BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu chống độc - BV Nhi T.Ư, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp sọ não, trên phim thấy có hình ảnh dị vật cản quang đâm xuyên xương sọ vùng thái dương gây máu tụ ngoài màng cứng. Các BS phẫu thuật thần kinh đã mổ gắp ra chiếc đinh vít đã hoen gỉ dài 5 mm; Hay như cháu Đỗ Văn Th (6 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch với chiếc tuốc-nơ-vít (loại dài 40 cm) đâm vào vùng cổ. Sau khi chụp X-quang, các BS xác định đầu tuốc-nơ-vít đi sát động mạch cảnh qua các đốt sống vào tới tuỷ cổ. Gia đình cho biết, khi thấy bố sửa xe máy, Th cầm chiếc tuốc-nơ-vít nghịch và chạy, không may bị ngã nên tuốc-nơ-vít đã đâm vào cổ, dẫn đến tai nạn đáng tiếc trên.
 
Cháu Dương Quang P (7 tuổi, Quảng Ninh) đã uống nhầm axit pha loãng để đổ bình ắc quy, đựng trong chai nước vì tưởng là nước lọc. Các BS quyết định phẫu thuật cắt 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi này nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau; Cháu Phạm Phương T (3 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa vì đã uống một lượng lớn dầu hỏa vào bụng và có dấu hiệu viêm phổi.
 
Theo các bác sĩ ở BV Nhi T.Ư, các hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ... Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của cha mẹ để các dung dịch này vào các chai nước suối, nước ngọt, trà xanh… ở những nơi dễ thấy như gầm bàn, tủ, kệ, chạn bát...

Xử trí tai nạn thương tích đúng cách và kịp thời
 
Theo các BS, nhiều loại tai nạn thương tích nếu không gây tử vong thì cũng để lại hậu quả nặng nề cho trẻ như thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ. Việc phát hiện, sơ cứu đúng cách, kịp thời là vô cùng quan trọng để giảm thiểu mức độ tổn thương cho trẻ.
 
Đối với trẻ uống nhầm hóa chất như xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ... thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất... PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo, khi gặp tình trạng trẻ uống nhầm hóa chất người lớn cần tìm hiểu xem trẻ uống nhầm loại hóa chất nào, liều lượng bao nhiêu, bởi vì, từng loại thuốc, hóa chất sẽ gây nên biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau. Ví dụ, nếu trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ thì gây nôn ngay, nhưng nếu là hóa chất như xăng, dầu, thuốc tẩy rửa thì không được gây nôn, vì khi đó, hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trường hợp trẻ hôn mê, co giật thì không nên gây nôn mà cần nhanh chóng đưa trẻ tới BV ngay để được các BS cấp cứu, giải độc; mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà trẻ uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
 
Đối với trẻ bị chấn thương sọ não do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp cấp cứu trong BV) như ngã cầu thang, giường, vật nặng va đập trúng đầu, tai nạn giao thông..., chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu và sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não. Đối với với các vết thương do vật nhọn đâm xuyên vào cơ thể, cha mẹ đừng vội vàng rút vật thể ra, dễ gây tổn thương não và mạch máu…
 
Để hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp nghỉ hè, các bác sĩ luôn đưa ra lời khuyên là gia đình nên hết sức thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày. Không nên tái sử dụng và đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn có thể xảy ra, nên dán chú thích rõ ràng, đặt chai lọ xa tầm tay trẻ em… Giám sát thường xuyên các hoạt động của trẻ, đặc biệt không để trẻ leo trèo cầu thang, giường ngủ (nên có thanh chắn để hạn chế trẻ rơi ngã). Ngoài ra, nên lưu ý loại bỏ các vật dụng cứng và sắc nhọn nằm trên sàn nhà vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho trẻ.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.