Giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế:

Phải hoàn thiện hành lang pháp lý

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra tại không ít bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương. Thực tế này dẫn tới nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền túi để mua các vật dụng, thuốc có trong danh mục bảo hiểm y tế từ bông, gạc, kim luồn, thuốc biệt dược... phục vụ việc điều trị. Trong khi đó, một số bệnh viện phải chuyển sang dùng các loại thuốc đắt hơn, hoặc hiệu quả điều trị lâu hơn cho bệnh nhân.

Phải hoàn thiện hành lang pháp lý - ảnh 1
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người bệnh Ảnh: T.H

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
Cách đây không lâu, thông tin về việc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt (RHM) Trung ương có nguy cơ phải đóng cửa 2 tuần do thiếu thuốc tê cho bệnh nhân điều trị nha khoa khiến dư luận không khỏi xôn xao. Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo bệnh viện đã phải lên tiếng giải thích và cho hay: Thuốc tê được nhắc tới ở trên là loại chuyên dụng dành cho nha khoa, trong đó chứa Lidocaine 2% (loại bao bì đỏ sử dụng cho tất cả bệnh nhân), bao bì xanh lá dùng cho trẻ em và người cao huyết áp và Adrenaline 4% vỏ xanh dương cũng dùng cho tất cả bệnh nhân. Từ 2 tháng nay, thị trường đã khan hiếm loại thuốc tê vỏ đỏ, bệnh viện đã yêu cầu nhà cung cấp duy trì nguồn hàng nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng, số lượng thuốc tê vỏ đỏ về ít hơn và hiện sắp hết. 

Khắc phục tạm thời tình trạng trên, Bệnh viện RHM Trung ương đã chuyển sang dùng xen kẽ loại vỏ xanh - dù giá đắt hơn gấp rưỡi, ảnh hưởng tới cán cân thu - chi của bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Cục Quản lý Dược tìm nguồn cung ứng loại thuốc tê vỏ đỏ chuyên dụng cho Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội và hệ thống điều trị nha khoa nói chung. 

Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng có công văn gửi các nhà cung cấp thuốc tìm nguồn cung thuốc giải độc cho Bệnh viện Bạch Mai, bởi bệnh viện thiếu nhiều thuốc trong danh mục thuốc giải độc. Theo ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Đây đều là các thuốc hiếm, như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum (tương tự vụ ngộ độc patê chay nhiều người bị liệt và có người tử vong năm 2021), giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân...”. Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế, nhưng thời gian điều trị khá dài.

Thực tế, không chỉ riêng Bạch Mai, RHM Trung ương, còn rất nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng đang trong tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ rõ: Một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt… Đặc biệt, thể chế pháp luật không rõ ràng, quy định pháp lý chưa cụ thể, chặt chẽ được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Cấp bách hoàn thiện quy định pháp lý để khắc phục
Cho rằng hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng do các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ, Giáo sư (GS) Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhận định: “Đây là điều đáng quan ngại vì sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm”.

Vì thế, theo GS Nguyễn Anh Trí, một trong những giải pháp cần làm hiện nay là ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… Trên cơ sở đó, cán bộ y tế mới có một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để triển khai công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. 

Về giải pháp lâu dài, GS Trí cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có, kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong ngành y yên tâm làm việc. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi cả một quá trình vì rất nhiều vấn đề liên quan đến khung pháp lý cần phải bổ sung, hoàn thiện.

Đồng tình với quan điểm cần hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phân tích thêm: “Muốn khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế trước tiên phải có đánh giá về việc thiếu thuốc, thiếu thuốc ở Trung ương, ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế… mức độ thiếu như thế nào, thiếu ở những dòng thuốc nào? Khi có đánh giá cụ thể như thế này, cần phải xem nguyên nhân ở từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng, miền khác nhau, mô hình bệnh tật khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải có đánh giá này càng sớm, càng tốt”.

Liên quan các quy định pháp lý, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp như thế nào để triển khai thực hiện. 

Về mặt thể chế, TS Nguyễn Huy Quang cho rằng: Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, liên quan giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư mà vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...