Phẫu thuật ung thư vú và những điều cần biết
(PNTĐ) - Phẫu thuật ung thư vú là phương pháp điều trị chính dành cho ung thư vú giai đoạn sớm, bao gồm phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u và một phần mô vú xung quanh khối u) và phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú (đoạn nhũ).
Ngoài ra, còn có một số phẫu thuật được áp dụng để điều trị ung thư vú như sinh thiết hạch gác cửa, phẫu thuật tái tạo (tạo lại tuyến vú sau khi cắt bỏ) hoặc sinh thiết những nơi nghi ngờ di căn (hạch nách, hạch trên đòn, mô mềm…).
Tại sao cần phẫu thuật ung thư vú?
Cần phẫu thuật ung thư vú vì: Phẫu thuật giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh ung thư đang tiến triển (đoạn nhũ làm sạch). Phẫu thuật nhằm kiểm tra ung thư đã lan đến các bộ phận khác chưa, chẳng hạn như hạch nách. Phẫu thuật để loại bỏ tất cả khối u ung thư ra khỏi cơ thể.
Đối tượng được chỉ định phẫu thuật ung thư vú?
Ung thư biểu mô ống xâm lấn: Đây là loại ung thư vú phổ biến nhất. Bệnh còn có tên gọi khác là ung thư biểu mô ống dẫn sữa xâm lấn. Ung thư bắt đầu từ ống dẫn sữa và lan đến các mô xung quanh. Bệnh di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ bạch huyết và đường máu.

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn: Là loại phổ biến thứ hai sau ung thư biểu mô ống xâm lấn. Nó bắt đầu trong các thùy hoặc tiểu thùy, rồi di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Phần bên ngoài của bầu vú dày lên. Ung thư này thường dương tính với thụ thể estrogen và progesterone nên có thể điều trị thành công bằng liệu pháp hormone.
Ung thư vú bộ ba âm tính: Là ung thư vú có thụ thể estrogen, progesterone và HER2 âm tính. Vì vậy, bệnh không thể được điều trị bằng liệu pháp hormone hoặc các liệu pháp nhắm đến HER2. Dù loại này tiến triển nhanh nhưng vẫn có thể điều trị bằng các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch.
Ung thư vú dạng viêm: Ung thư này hiếm gặp nhưng là loại ung thư vú xâm lấn. Đây là một tình trạng ung thư vú tiến triển nhanh. Các dấu hiệu bao gồm sưng, đỏ, da vú lõm hoặc nhăn, núm vú thụt vào trong. Tình trạng này xảy ra nhanh chóng trong nhiều tuần hoặc tháng. Ngoài ra, bệnh còn dẫn đến tắc mạch bạch huyết ở vùng da vú, xuất hiện trên diện rộng như một mảng hơn như là khối u.
Bệnh Paget vú: Bệnh thay đổi màu da núm vú giống bệnh chàm (eczema). Biểu hiện bệnh gồm ngứa, đóng vảy, rỉ dịch núm vú. Nếu có các triệu chứng này, người bệnh có 90% nguy cơ tiềm ẩn ung thư vú. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt thường gặp ở phụ nữ 50 tuổi.
Được chẩn đoán nguy cơ ung thư vú cao: Phụ nữ mang một số đột biến gen trong DNA dẫn tới 85% khả năng mắc ung thư vú gồm BRCA1, BRCA2, p53 và PTEN. Trường hợp này, phương pháp ngừa ung thư là phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng giúp giảm khoảng 90% nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ nhỏ mắc ung thư vú vì còn sót lại một ít tế bào tuyến vú sau phẫu thuật.
Các phương pháp mổ ung thư vú hiện nay
Hai phương pháp phẫu thuật ung thư vú chính được sử dụng để điều trị là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú và cắt bỏ khối u kèm một phần mô vú lành xung quanh khối u. Một số phẫu thuật khác có thể bao gồm nạo hạch nách, sinh thiết hạch gác cửa và phẫu thuật tái tạo vú.
Trước đây, đây là phẫu thuật phổ biến nhất với bệnh ung thư vú. Bởi vì, phẫu thuật cắt bỏ vú có thể được áp dụng để điều trị cả ung thư vú giai đoạn trễ và giai đoạn sớm. Ngoài ra, một số người có nguy cơ cao sẽ mắc ung thư vú trong tương lai cũng chọn phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng như một biện pháp phòng ngừa.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u được gọi là phẫu thuật bảo tồn vú. Nó chỉ loại bỏ một phần mô vú xung quanh khối u của người bệnh. Đây là một lựa chọn thay thế để điều trị ung thư vú giai đoạn sớm. Khi khối u tương đối nhỏ và chưa lan rộng, người bệnh chỉ phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngoài ra, phẫu thuật này cũng loại bỏ một phần rìa của mô xung quanh, đảm bảo không còn tế bào ung thư trong vú của người bệnh.
Lợi ích của phẫu thuật cắt bỏ khối u là cho phép giữ lại phần lớn thể tích vú. Nhưng để ngăn ung thư trở lại, cần phải xạ trị sau mổ. Thay vào đó, nếu người bệnh không muốn xạ trị sau mổ có thể lựa chọn giải pháp cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Tuy nhiên, một số trường hợp, cho dù cắt bỏ toàn bộ tuyến vú cũng cần phải xạ trị sau mổ.
Các phương pháp tái tạo vú
Tái tạo bằng túi độn: túi ngực thay thế cho phần mô tuyến vú đã bị cắt bỏ để khôi phục hình dạng và thể tích của nó. Túi độn ngực bao gồm một vỏ silicon chứa đầy nước muối hoặc gel silicon. Bác sĩ đặt nó lên trên hoặc dưới cơ ngực và che phủ bằng da – da vú ban đầu hoặc da ghép từ một bộ phận khác trên cơ thể của người bệnh.
Tái tạo bằng mô tự thân: phương pháp lấy mô từ một bộ phận khác trên cơ thể người bệnh rồi tái tạo lại vú. Da, mỡ và có thể cơ được lấy từ những vùng như bụng, lưng hoặc mông vì chúng mềm mại và cho cảm nhận giống với mô vú. Đôi khi các bác sĩ kết hợp tái tạo bằng mô tự thân và túi ngực để có kết quả thẩm mỹ tốt hơn.
Tái tạo núm vú: thông thường, núm vú được giữ lại trong quá trình cắt bỏ tuyến vú hoặc cắt bỏ khối u. Với trường hợp không thể giữ lại núm vú, bác sĩ sẽ tái tạo núm vú sau khi tái tạo tuyến vú để vú tái tạo có hình dạng đẹp hơn. Điều này có thể được thực hiện trong một cuộc phẫu thuật tiếp theo sau khi tái tạo vú.