Sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung: Cần đưa vào danh mục bảo hiểm y tế

Trang Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ung thư vú (UTV) và ung thư cổ tử cung (UTCTC) là 2 bệnh phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, đặc biệt chị em trong độ tuổi sinh sản. Dù có thể sàng lọc hoặc dự phòng bằng tiêm vắc-xin nhưng do chi phí khám còn cao, trong khi không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT), nên UTV, UTCTC vẫn đang là gánh nặng cho nhiều gia đình và cả xã hội.

Sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung: Cần đưa vào danh mục bảo hiểm y tế - ảnh 1
Chẩn đoán hình ảnh là một trong những kỹ thuật giúp phát hiện sớm nguy cơ UTV ở 
phụ nữ Ảnh: Int

Nhiều người khó tiếp cận vì chi phí khám sàng lọc cao
Theo thống kê, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mắc UTV, UTCTT khá cao. Trung bình, mỗi năm thế giới có hơn 5.100 phụ nữ mắc và 2.500 người chết do UTCTC, trong đó, tỷ lệ mắc các tổn thương tiền UTCTC thường ở độ tuổi 30-45. Đối với UTV, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, Việt Nam ghi nhận 21.500 ca mắc mới và 9.000 ca tử vong vì căn bệnh này; phần lớn bệnh nhân mắc được ghi nhận từ 40 tuổi, tức là sớm hơn 10 năm so với các nước trên thế giới.

Đáng nói, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc, tiêm vắc-xin để phát hiện sớm UTV, UTCTC. Hầu như các trường hợp đến bệnh viện kiểm tra đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, đồng thời chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam đã triển khai nhiều chiến dịch, đề án thí điểm nhằm tăng cường nhận thức, triển khai sàng lọc phát hiện sớm UTV, UTCTC. Đơn cử với bệnh UTCTC, từ 2010 đến nay, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai các chương trình sàng lọc và xử lý trường hợp bất thường, với tỷ lệ sàng lọc hàng năm đạt khoảng 28%. Tuy nhiên, việc sàng lọc đa phần mang tính thụ động khi người dân đi khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe định kỳ, chưa triển khai được chương trình sàng lọc chủ động.

Nguyên nhân chính theo các chuyên gia một phần do ý thức người dân, phần khác do năng lực sàng lọc của các tuyến còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện tại, quỹ bảo hiểm hiện mới chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con..., chưa thanh toán cho chi phí khám sàng lọc ung thư, khám sức khỏe định kỳ, một số dịch vụ phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có khám sàng lọc UTCTC, UTV. Trong khi nhiều dịch vụ giá cả khá đắt đỏ (chẳng hạn vắc-xin UTCTC từ 1,5 tới 2 triệu đồng/mũi tiêm), không phải gia đình nào cũng tiếp cận được, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng miền núi.

Bước tiến giúp giảm gánh nặng cho người dân
Hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng). Tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2017. Với BHYT, phụ nữ mới được chi trả một số danh mục khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, thai sản và nuôi con, cụ thể như: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, thủ thuật… trong điều trị ung thư. 

Nhằm tăng độ phủ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo TS. Đặng Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, lần sửa đổi Luật này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, trong đó có: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi có chọn lọc; đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ, đặc biệt sẽ đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số chương trình khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng như bệnh tiểu đường, một số ung thư như UTV, UTCTC.

Tới đây, BHYT cũng sẽ có thêm các gói dịch vụ theo nhu cầu, đa dạng quyền lợi, mục tiêu là giảm chi tiêu cho y tế từ tiền túi người dân xuống dưới 35% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Chẳng hạn trong sàng lọc UTCTC, đối với các kỹ thuật sàng lọc đắt tiền như xét nghiệm tế bào và virus HPV, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ đồng chi trả BHYT; nghiên cứu chính sách ưu tiên đối với nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra sáng 15/10, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhân dân và có nhiều ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghị quyết 104/NQ-CP cũng đã bổ sung vào chương trình tiêm chủng mở rộng, thực hiện tiêm vắc-xin phòng UTCTC miễn phí cho chị em phụ nữ, thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ.

Liên quan đến việc vấn đề y tế dự phòng cho phụ nữ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Bộ Y tế, BHXH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ như UTV, UTCTC. Đây sẽ là bước tiến quan trọng giúp thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.