Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Vì sao cả người dân và bệnh viện chưa mặn mà?
PNTĐ-Phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích nhưng không ít bệnh nhân và bệnh viện vẫn chưa thực sự mặn mà.
Ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã đem lại hiệu quả nhất định. Đơn cử như tại bệnh viện Tim Hà Nội. Với việc có thể thanh toán viện phí bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng (Master card/Visa card), thẻ ATM của các ngân hàng trong nước… bệnh nhân không còn phải mang theo người quá nhiều tiền mặt khi đi khám chữa bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các rủi ro như: làm rơi mất, bị trộm cắp, mắc các bệnh phơi nhiễm từ tiền mặt…
Tương tự, khi đến khám tại Khoa 1C (bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), người bệnh sẽ được mở một thẻ bảo lãnh viện phí và nộp số tiền tối đa vào thẻ là 5 triệu đồng. Thay vì phải đi lại nhiều lần tới quầy thu ngân nộp tiền thanh toán mỗi khi bác sĩ chỉ định làm bổ sung xét nghiệm lâm sàng hoặc có chi phí phát sinh khác, người bệnh có thể chi trả ngay tại phòng khám với số tiền sẵn có trong thẻ. Khám xong, người bệnh dễ dàng rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng ở trong/ ngoài bệnh viện hoặc tại các máy ATM trên toàn quốc. Bệnh nhân cũng có thể để tiền lại trong thẻ để dùng cho lần tái khám tiếp theo…
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, cách làm này không chỉ giúp người bệnh giảm thiểu thời gian xếp hàng chờ đợi thanh toán, còn giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu, tiết kiệm chi phí, nhân lực, quản trị hiệu quả. Chưa kể, thẻ bảo lãnh viện phí hiện tích hợp thêm tính năng lưu trữ thông tin người bệnh, từ đó kết nối tự động thông tin người bệnh với phiếu khám trong hệ thống quản lý phòng khám của bệnh viện. Do đó, mọi thanh toán trên máy sẽ chính xác tuyệt đối, không gây phiền hà cho y, bác sĩ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện người dân chưa mặn mà với phương thức thanh toán qua thẻ điện tử, ứng dụng mobile. Tại các bệnh viện đã triển khai phương thức trên, rất ít cơ sở đạt tỷ lệ trên 35% người bệnh thanh toán qua thẻ; và chủ yếu chỉ áp dụng được với hình thức khám dịch vụ.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian tới, ngành y tế đẩy mạnh triển khai phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt |
Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, phần lớn người bệnh vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt khi đi khám chữa bệnh. Bản chất việc thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi người dân phải có tài khoản cá nhân. Nhưng số liệu của ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử. Chưa kể, các bệnh nhân mãn tính, thường xuyên đi khám hầu hết là bệnh nhân lớn tuổi, ở khu vực xa trung tâm, chưa được tiếp cận, sử dụng thẻ ngân hàng cao nên khó khăn trong việc tư vấn, thay đổi thói quen thanh toán tiền qua thẻ. Còn ở cơ sở y tế thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi… hiện cũng chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để triển khai tới người dân.
Với các bệnh viện, dù hiểu được ý nghĩa, lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng nhiều cơ sở chưa thật sự thiết tha triển khai phương thức này do còn gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn: việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) vẫn có nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao trong khi bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí; các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử… chưa kết nối liên thông với nhau, dẫn tới việc các bệnh viện phải sử dụng đồng thời nhiều loại máy quẹt thẻ khác nhau trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Dẫu vậy, “Khó khăn này chỉ là tạm thời. Nếu các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở chăm sóc sức khỏe quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để tạo ra cơ chế thanh toán thông minh, liên thông… thì trong thời gian không xa, tôi tin tưởng rằng việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế sẽ triển khai thành công, theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt, xã hội văn minh, hiện đại” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường đẩy mạnh vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chủ động triển khai nhiều hình thức thành toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử...
Thảo Hương