Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm
(PNTĐ) - Vừa qua, vụ sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gây chấn động dư luận. Vụ việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách "tự công bố sản phẩm" và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Bộ Y tế đã lên tiếng, khẳng định những bước đi quan trọng nhằm siết chặt quy định và xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo thông cáo báo chí được Bộ Y tế phát đi ngày 15/4/2025, Bộ này khẳng định công tác phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng luôn được thực hiện nghiêm túc. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương để xử lý các vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm giả và thực phẩm chứa chất cấm.
Mặc dù vậy, vụ việc sữa giả đã chỉ rõ một lo ngại trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện hành, đó là sự dễ dàng trong việc công bố sản phẩm thực phẩm mà lơi lỏng kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Theo quy định tại Điều 7, Khoản 2, Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm thực phẩm mà không cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước, trừ các sản phẩm thuộc nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Trong đó, nhóm phải đăng ký công bố trước khi lưu thông trên thị trường được quy định tại Điều 40, Nghị định 15/2018/NĐ-CP bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng y học (dùng cho mục đích hỗ trợ điều trị bệnh lý, phục hồi chức năng cơ thể hoặc bổ sung dinh dưỡng đặc biệt cho các đối tượng có nhu cầu y tế đặc biệt); Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Ngoài các nhóm trên, các thực phẩm còn lại có thể tự công bố sản phẩm mà không cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Như vậy, hầu hết sữa và các sản phẩm từ sữa (nếu không thuộc nhóm sản phẩm đặc biệt nêu trên) thì có thể được doanh nghiệp tự công bố mà không cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước trước khi lưu thông trên thị trường.
Thực tế, Nghị định 15/2018/NĐ-CP là một chính sách nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng này đã vô tình tạo ra một kẽ hở lớn, khi một số doanh nghiệp lợi dụng việc tự công bố để đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí là giả mạo. Và vụ việc sữa giả là một minh chứng rất cụ thể.
Đối với vụ việc sản xuất, buôn bán sữa bột giả có quy mô lớn mới đây, hoạt động chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án và đang tiến hành điều tra.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp về chuyên môn để các cơ quan công an có đủ căn cứ pháp lý xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm. Thông qua các biện pháp này, Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm trong việc công bố và sản xuất thực phẩm an toàn.
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương cần chủ động rà soát công tác quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, cũng như xử lý các hành vi vi phạm liên quan.
Những vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc sản xuất và lưu thông thực phẩm giả, sẽ được xử lý một cách nghiêm khắc, với mức phạt cao hơn theo các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hình sự nhằm tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có công cụ mạnh mẽ hơn để xử lý nghiêm các đối tượng cố tình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm giả.
Với những hành động quyết liệt này, Bộ Y tế mong muốn tạo ra một môi trường an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời cũng nâng cao ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Hành động này cũng thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa bột dành cho trẻ em, thực phẩm dinh dưỡng.