Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và thuộc một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ở một số người. Bởi, một số hóa chất trong thuốc lá có thể dẫn đến sự phát triển tế bào không kiểm soát được trong cơ thể.

Theo BS CKII II Đỗ Thanh Huy Hoàng, - Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê về thuốc lá và ung thư vú, bổ sung từ một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên trang nghiên cứu Ung thư Vú bao gồm: Phụ nữ hút thuốc tại một thời điểm nào đó trong đời có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 14% so với người chưa bao giờ hút thuốc. Phụ nữ bắt đầu hút thuốc trước 17 tuổi có nguy cơ tăng 24%, trong khi người bắt đầu hút thuốc 17-19 tuổi có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng 15%.

Người hút thuốc trên 10 năm có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú lên 21% và trên 30 năm có nguy cơ 22%. Phụ nữ đã bỏ hút thuốc vẫn có nguy cơ mắc ung thư vú, như tăng 28% với người bỏ thuốc dưới 10 năm. Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao nhất nếu bắt đầu hút thuốc ở tuổi 20, khoảng 56%.

Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Thậm chí, hút thuốc lá thụ động - xảy ra khi bạn không trực tiếp hút thuốc nhưng ở gần người hút thuốc, cũng có thể gây ung thư. Một nghiên cứu năm 2018 cho biết, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi và ung thư vú ở phụ nữ. Một nghiên cứu bệnh chứng năm 2015 ở Trung Quốc cũng cho biết, mối liên hệ rõ ràng giữa hút thuốc thụ động và tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.

Thực tế, các bác sĩ từ lâu đã nghi ngờ mối liên hệ giữa hút thuốc và nguy cơ ung thư vú nhưng kết quả nghiên cứu chưa thống nhất. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối liên hệ tiềm ẩn giữa hút thuốc thụ động và nguy cơ ung thư vú.
Chưa kể, hút thuốc có thể làm tăng các biến chứng trong việc điều trị ung thư vú. Các phương pháp điều trị ung thư vú, bao gồm: Phẫu thuật, điều trị bức xạ (xạ trị); liệu pháp sinh học hoặc liệu pháp dùng thuốc nhắm trúng đích; liệu pháp hormone; hóa trị.

Đánh giá năm 2020 cho thấy, hút thuốc trong quá trình xạ trị có thể gây ra các biến chứng, gồm: Đáp ứng điều trị kém hơn; tỷ lệ sống sau 2 năm kém hơn; tái phát ung thư; có thể gia tăng biến cố tim mạch như đau tim, đột quỵ hoặc suy tim sung huyết. Nghiên cứu liên quan tới thuốc lá và ung thư vú đề cập, người hút thuốc vẫn có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn như: khó lành vết thương sau phẫu thuật và sau khi tái tạo vú, ngay cả khi không được xạ trị.

Các Nghiên cứu cho thấy hút thuốc liên quan đến nguy cơ gia tăng ung thư vú ở một số phụ nữ, đặc biệt người bắt đầu hút thuốc ở tuổi vị thành niên, hút ít nhất 2 gói/ngày hoặc hút thuốc trước khi mang thai đủ tháng đầu tiên. Nicotine là thành phần gây nghiện trong thuốc lá. Thực tế, chất này không gây ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2021 gợi ý rằng nicotin có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú di căn đến phổi.

Khói cần sa cũng có chứa các thành phần tương tự như thuốc lá nên hút cần sa có thể là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư phổi. Tuy nhiên,phân tích tổng hợp năm 2019 không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc hút cần sa và sự phát triển ung thư vú. Hiện không có đủ bằng chứng liên quan đến việc hút cần sa với bệnh ung thư khác nên cần có nghiên cứu quy mô lớn hơn.

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa mối liên hệ tiềm ẩn giữa thuốc lá và ung thư vú, người không hút thuốc nên tránh bắt đầu và người hút thuốc hãy thử một số cách bỏ thuốc lá hay tham gia các chương trình cai thuốc lá. Hầu hết, mọi người sẽ bỏ thuốc lá bằng cách kết hợp thuốc và thay đổi hành vi. 

Một số cách giúp bỏ thuốc lá, gồm: Trao đổi với bác sĩ về một số loại thuốc giúp cai thuốc lá; đặt ngày bỏ thuốc lá; tập thể dục hoặc đi bộ; thử châm cứu; tập thiền chánh niệm; tránh các tác nhân gây hút thuốc; thử sử dụng một số ứng dụng bỏ thuốc lá; tìm người bạn cũng muốn bỏ thuốc lá cùng đồng hành.

Ngoài ra, phụ nữ từ năm 40 tuổi nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) tầm soát hàng năm. Riêngphụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hãy tầm soát sớm hơn (trước 40 tuổi). Việc này không giúp chị em ngừa ung thư nhưng bác sĩ có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và lên liệu trình điều trị kịp thời.

Đồng thời, chị em hãy duy trì lối sống lành mạnh để ngừa ung thư vú và bảo vệ sức khỏe tổng thể của bản thân bằng cách: tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, giữ cân nặng ổn định, hạn chế sử dụng sản phẩm chứa chất kích thích (rượu, bia, đặc biệt không hút thuốc lá), xây dựng thực đơn ăn uống cân bằng và điều độ.

Giảm tiếp xúc với khói thuốc thụ động: hãy tránh hoặc kiêng tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở môi trường xung quanh. Bởi, khói thuốc chứa nhiều hóa chất độc hại và bao gồm cả loại có thể gây ung thư.

Tin cùng chuyên mục

BV Hữu Nghị: Mang âm nhạc, niềm vui và yêu thương tới người bệnh

BV Hữu Nghị: Mang âm nhạc, niềm vui và yêu thương tới người bệnh

(PNTĐ) - Trong không khí ấm áp, tràn đầy cảm xúc, sự thăng hoa, những lời ca, tiếng hát của các ca sĩ, nghệ sĩ qua chương trình thiện nguyện "Mang âm nhạc đến bệnh viện" tại Bệnh viện Hữu Nghị vào chiều 21/11, như liều thuốc chữa lành, sợi dây gắn kết yêu thương giữa bệnh nhân, bác sĩ.
Tăng cường phổ biến thông tin về bệnh Tan máu bẩm sinh

Tăng cường phổ biến thông tin về bệnh Tan máu bẩm sinh

(PNTĐ) - Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia (hay còn gọi bệnh Thalassemia) là một bệnh di truyền – bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.
Cảnh báo suy hô hấp do mắc sởi

Cảnh báo suy hô hấp do mắc sởi

(PNTĐ) - Bệnh nhân nam, N. V. T,  56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.