Khổ vì mẹ chồng giữ tay hòm chìa khóa

Chia sẻ

Chị bảo đang có ý định ly hôn vì không thể sống dưới sự "kìm kẹp" về kinh tế của mẹ chồng. Là người làm ra tiền nhưng bao nhiêu năm qua, chị không được độc lập về kinh tế, bởi mẹ chồng là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình.

Nỗi niềm làm dâu con một

Sau nhiều lần đặt lịch tư vấn, chị đến gặp chuyên gia với sự buồn bã hiện rõ trên gương mặt. Chị bảo vì tâm lý không ổn nên tinh thần chẳng lúc nào thoải mái, luôn cảm thấy u uất trong lòng.

- Sau nhiều trăn trở, tôi đang có ý định ly hôn. Bao nhiêu năm qua, tôi cứ nghĩ sống vì tương lai sau này nên cố gắng, nhưng hình như tôi đã sai lầm - chị bắt đầu câu chuyện của mình.

17 năm trước, chị về làm dâu trong một gia đình sinh con một. Bấy giờ trong mắt người thân của chị, anh có nhiều ưu điểm hơn các đối tượng đến tìm hiểu chị. Ở vị trí con một, gia đình nhìn bên ngoài thấy có "của ăn của để", ai cũng bảo chị gả vào đó như chuột sa chĩnh gạo, chẳng phải lo nhà cửa, mua sắm gì nữa. Nhìn cảnh bạn bè lấy chồng xong phải đi thuê nhà ở, sống chật chội vất vả, chị thấy mình may mắn khi đến với anh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy nên, chị đã từ chối rất nhiều lời tỏ tình của những chàng trai khác, thậm chí là từ bỏ cả tình yêu đầu sâu nặng để chấp nhận lời cầu hôn của chồng chị. Cứ thế, chị đã vui vẻ bước vào cuộc hôn nhân có sự tính toán về vật chất để đảm bảo cho cuộc sống lâu bền. Thế nhưng, ngay ngày đầu làm dâu, chị được mẹ chồng quán triệt nếp sống trong gia đình, nhất là vấn đề kinh tế.

- Lâu nay, mẹ là người giữ tay hòm chìa khóa kinh tế trong gia đình. Vợ chồng con sống chung nên vẫn theo nếp xưa nay trong nhà. Hàng tháng, vợ chồng con đưa lương cho mẹ giữ, cần chi tiêu gì thì mẹ đưa cho - mẹ chồng nói với chị.

Chị bảo đó là "cú sốc" đầu tiên trong ngày đầu làm dâu. Bố mẹ chị nuôi nấng chị học hành, ra trường đi làm gần 5 năm nhưng chưa bao giờ hỏi đến lương của con gái. Họ vẫn để cho chị giữ lương để chi tiêu, thậm chí hàng tháng chị có ý thức đưa cho mẹ một khoản để phụ thêm tiền sinh hoạt chung, nhưng bố mẹ chị cũng không nỡ lấy, bảo cứ giữ tiết kiệm để lo cho cuộc sống sau này. Vậy mà ngay ngày đầu tiên làm dâu, mẹ chồng đã muốn quản hết lương tháng chị nhận về.

Chưa hết, tiền mừng cưới, trang sức hồi môn vợ chồng chị được người thân tặng khi kết hôn, mẹ chồng cũng đòi quản nốt. May hôm đó, chị nhanh trí bảo đã trích ra để lo cho việc chụp ảnh cưới và một số chi dùng khác cho đám cưới nên bà không hỏi tiếp. Thế nhưng, bà quán triệt lại rằng khoản lương hai vợ chồng hàng tháng thì nhất định phải nộp đủ.

Vì mới làm dâu không muốn làm mất ấn tượng và ảnh hưởng đến tình cảm mẹ chồng - con dâu nên chị thuận theo ý bà. Chị nói với chồng sẽ nộp cho mẹ khoản lương cơ bản, còn tiền làm thêm, tiền thưởng thì vợ chồng giữ để lo hiếu hỉ cá nhân. Thế nhưng, anh bảo vợ thì có thể im lặng giữ lại phần tiền đó, còn tất cả lương thưởng của anh thì phải đưa hết cho mẹ. Vì lâu nay mẹ quản lương anh nên biết rõ con trai có chừng nào tiền, giờ bớt lại không được. Chị chẳng thuyết phục được chồng nên chỉ còn cách chấp nhận. Cuộc hôn nhân của anh chị có sự khởi đầu bằng những vết gợn ấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khốn khổ vì mất quyền giữ kinh tế

Dù đoán trước được sự bất cập khi sống chung với bố mẹ chồng, nhưng chị không ngờ nó lại khốn khổ đến vậy.

- Việc mất quyền kinh tế khiến cuộc sống của tôi chật vật, thậm chí là bí bách mà không biết làm thế nào để thoát ra. Và rồi, những mâu thuẫn từ vấn đề mẹ chồng quản kinh tế của chúng tôi nảy sinh và ngày càng gay gắt - chị kể.

Mẹ chồng chị rất sát sao trong việc quản thu nhập của các con. Bà hỏi cặn kẽ ngày vợ chồng chị nhận lương và sẽ thu đủ không thiếu một xu. Khi con cái chưa có, những chi tiêu riêng không nhiều nên việc chị hỏi xin tiền mẹ chồng cũng không đáng kể. Do đó, tình cảm mẹ chồng, con dâu còn bình thường. Vì chị vẫn co kéo được trong khoản tiền làm thêm, tiền thưởng giấu “quỹ đen”. Nhưng từ khi hai đứa con lần lượt ra đời, những khoản chi cho con mỗi ngày một nhiều lên, đặc biệt những lần con đau ốm đi viện cần chi tiêu nhiều, chị bảo mẹ chồng đưa tiền để trang trải thì bà tỏ thái độ khó chịu; Hoặc bà có đưa nhưng theo kiểu "nhỏ giọt" khiến chị gặp khó khăn trong giải quyết công việc. Những ngày tháng sau đó, bà bắt đầu ca thán con dâu không biết chi tiêu tiết kiệm, rằng bà giữ tiền nhưng không có nghĩa là két tiền không đáy, lấy bao nhiêu cũng được. Chị đưa ra đề nghị mẹ chồng không giữ tiền của vợ chồng chị nữa, hãy để họ tự cân đối chi tiêu. Bà lập tức phản đối và kiên quyết mình vẫn là người giữ tay hòm chìa khóa, con dâu chỉ có thể làm việc đó sau khi bà mất đi. Do đó, mỗi lần hỏi tiền mẹ chồng để lo bỉm sữa, quần áo cho các con là giữa bà với chị lại thêm một lần mâu thuẫn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dần dần, chị thấy mệt mỏi với "đoạn trường" đưa lương cho mẹ chồng rồi lại phải tủi nhục khi hỏi xin lại chính tiền mình làm ra. Không thể tiếp tục chịu đựng cảnh ấy, chị giao lại cho anh trách nhiệm lấy tiền từ mẹ để lo cho các con. Và từ ngày đó, chị rơi vào cảnh cãi vã nhau với chồng, cộng thêm thái độ của mẹ chồng không bằng lòng khi con dâu "xúi giục" chồng đòi tiền từ mẹ càng khiến cuộc sống của chị thêm phần khốn đốn.

- Cuộc sống thật sự mệt mỏi, tôi nói với chồng không thể tiếp tục sống cảnh này được nữa. Anh không có giải pháp gì, chỉ bảo tôi cố gắng thêm một thời gian nữa vì bố mẹ có sống cả đời với mình được đâu. Điều đó có nghĩa là đến bao giờ mẹ chồng mất đi thì vợ chồng tôi mới có quyền tự do về kinh tế - chị nói trong sự bất lực.

Những dồn nén tích tụ ấy khiến chị hình thành ý nghĩ ly hôn để thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Thế nhưng, nghĩ đến hai đứa con nhỏ, chị lại chần chừ không dám quyết. Giờ chị không biết nên dừng lại cuộc hôn nhân của mình ở thời điểm nào.

Đúng là cuộc sống của chị đang bế tắc thế nhưng không có nghĩa là không có lối thoát. Trong vấn để này cần có sự kiên quyết từ bản thân chị và chồng để "đấu tranh" cho quyền tự do kinh tế của mình. Rõ ràng, chị có thu nhập, hoàn toàn tự chủ được cuộc sống của mình. Vậy tại sao lại phải chịu sự áp đặt của mẹ chồng trong nhiều năm nay khiến cho bản thân bị rơi vào cảnh bị bạo hành kinh tế? Chuyên viên tư vấn khuyên chị hãy bàn với chồng một lần nữa trong việc thuyết phục mẹ chồng để họ được tự chủ kinh tế. Nếu còn sống chung, hàng tháng vợ chồng có trách nhiệm đóng một khoản sinh hoạt phí cho gia đình, còn lại phải giữ để chi tiêu cho đời sống riêng. Nếu chồng không chịu, chị hãy chia trách nhiệm kinh tế trong gia đình cho anh gánh. Anh có thể đưa lương cho mẹ giữ nhưng hàng tháng có trách nhiệm lấy tiền từ mẹ để lo tiền học cho các con, sách vở, quần áo. Khoản lương của mình, chị hãy kiên quyết với mẹ chồng để cho mình giữ lại còn lo hiếu hỉ, tiền tiết kiệm khi ốm đau và tiền sinh hoạt của con cái. Nếu họ chấp nhận như thế thì sẽ sống chung cùng với ông bà, còn không vợ chồng chị nên xin ra ngoài sống riêng.

Trong cuộc sống, dưới sự áp bức nào cũng cần có sự đấu tranh thì mới bảo vệ được quyền lợi của mình. Thậm chí là chấp nhận sự mất mát ban đầu để có được quyền tự do, tự chủ về lâu dài. Là người đàn ông, chồng chị không thể nhu nhược trước mẹ mãi, nhất là khi anh đang ở vai trò làm cha, làm chồng, phải gánh vác trách nhiệm với vợ con. Là con dâu, chị có thể nhẫn nhịn mẹ chồng trong cuộc sống hàng ngày để tình cảm hòa thuận, nhưng nên có giới hạn, không nên để mọi thứ vượt quá để rồi dồn nén lại khiến bản thân bị thiệt thòi nhiều, gây ảnh hưởng đến con cái, lẫn hạnh phúc hôn nhân.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.