Cần chế tài bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn

Chia sẻ

Những ngày vừa qua, dư luận liên tục dậy sóng, bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ việc cháu bé N.T.V.A (8 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) bị mẹ kế bạo hành đến tử vong. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng cần phải có cơ chế bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn, và xử lý nghiêm khắc thủ phạm bạo hành.

Tạm giữ người bố để điều tra về tội đồng phạm

Theo cơ quan điều tra, sau khi bố mẹ ly hôn, cháu A sống cùng bố đẻ là Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) và “mẹ kế” Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) tại 1 căn hộ ở quận Bình Thạnh. Trong thời gian sống chung, Trang thường xuyên đánh cháu A. Chiều 22/12, cháu A tiếp tục bị “mẹ kế” đánh khi học bài, dẫn đến tử vong. Ngày 28/12, cơ quan cảnh sát điều tra, công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Nguyễn Quỳnh Trang về tội “Hành hạ người khác”.

Tại cơ quan điều tra, Trang thừa nhận, với lý do “dạy dỗ”, đối tượng đã đặt mua roi mây để đánh cháu V.A. Khi roi gãy, Trang tiếp tục dùng gậy gỗ đánh cháu. Trên cơ thể bé V.A khi mất có nhiều vết thương cũ, vết khâu tại các bộ phận cơ thể trọng yếu như đầu, nách; gãy khung xương sườn 2, 3, 4 bên phải, tụ máu nhẹ tại ổ gãy; tụ máu dưới da trán đỉnh phải, não phù nhẹ. Trước áp lực dư luận, đêm 30/12, Công an quận Bình Thạnh tiếp tục ra lệnh bắt giữ khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái do có hành vi đồng phạm với “vợ hờ” trong việc bạo hành cháu V.A đến tử vong.

Nhiều người dân đã thắp nến xót thương cho cháu bé V.A tử vong do mẹ kế bạo hành ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí MinhNhiều người dân đã thắp nến xót thương cho cháu bé V.A tử vong do mẹ kế bạo hành ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Int)

Liên quan đến vụ việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ: Công an, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị: Số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, số 08/CT-TTg ngày 4/2/2020 đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em.

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao chỉ đạo TAND, Viện KSND các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em…

Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) và vợ hờ là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai)Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) và vợ hờ là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) (Ảnh: Int)

Trẻ bị bạo hành: Người lớn, xin đừng im lặng!

Trước những vụ việc trẻ tử vong do cha dượng, mẹ kế bạo hành, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đau lòng nói: Trong những gia đình không hạnh phúc, nguy cơ trẻ bị bạo hành xâm hại, gây tổn thương đến sức khoẻ của các cháu diễn ra cao hơn các gia đình khác. Do đó, bố mẹ, người thân và hàng xóm, chính quyền địa phương cần có sự giám sát đặc biệt để quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện ra bất cứ sự việc nào có dấu hiệu đánh đập trẻ em, cần có sự can thiệp kịp thời, hỗ trợ, trình báo cơ quan chức năng. “Pháp luật đã có quy định cụ thể trong việc tố giác tội phạm. Người nào phát hiện phạm tội quả tang nhưng không tố cáo, hoặc thấy người khác trong điều kiện nguy hiểm tính mạng nhưng không có động thái cứu giúp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt tù lên đến 2 năm” - luật sư Cường cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng bày tỏ: Luật Trẻ em 2016 quy định bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, đánh đập, bỏ rơi, bắt cóc, đánh tráo, mua bán, bóc lột sức lao động…) đều phải tố giác đến các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em. Nghị định 56/2017 của Chính phủ cũng quy định rất rõ các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trước những thông tin phạm tội của người dân đến cơ quan công an các cấp, UBND cấp xã, phường, thị trấn… nơi xảy ra vụ việc.

Hình ảnh cháu H.B, trú tại Hà Đông bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hạiHình ảnh cháu H.B, trú tại Hà Đông bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại (Ảnh: Int)

Bên cạnh đó, người dân còn có Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, luôn luôn hoạt động 24/7 để tiếp nhận thông tin thông báo, tố cáo, tố giác tội phạm về trẻ em từ phía người dân. Đồng thời, việc tố cáo, tố giác hành vi phạm tội là hoàn toàn không tiết lộ thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác cho nên người dân đừng lo sợ bị phát hiện, ảnh hưởng thậm chí trả thù. Phía công an, cơ quan chức năng và Tổng đài 111 cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin của người tố giác.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ, câu chuyện tố cáo kẻ hành hạ trẻ em như một nỗi buồn và bất lực của chính những người đang làm công tác bảo vệ trẻ em. Trong khi đường dây nóng 111 mở 24/7 thì nhiều người lớn đã bỏ qua, không lên tiếng khi chứng kiến lũ trẻ bị hành hạ. Lý do là bởi họ vẫn coi chuyện một đứa trẻ bị bố mẹ quát mắng, đánh đập là… bình thường không có gì để ầm ĩ cả. “Chúng ta cần truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân biết được những địa chỉ tiếp nhận tin báo trong bảo vệ trẻ em và kịp thời xử lý, tăng cường các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục để không phải nói câu giá như…” - ông Nam nhấn mạnh.

Về mặt luật pháp, Điều 79, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình, không phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. Bất cứ hành vi đánh đập, bạo hành nào cũng đều vi phạm pháp luật.

Các hành vi bạo hành trẻ cũng được quy định tại Điều 8, Nghị định 71/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ; Luật Trẻ em năm 2016 như xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy dỗ trẻ, làm trẻ tổn thương, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần… Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi, người bạo hành có thể bị khởi tố hình sự nếu vết thương thực thể vượt quá 11%.

Liên tiếp diễn ra nhiều vụ việc trẻ bị mẹ kế, cha dượng bạo hành

- Cuối tháng 4/2021, công an TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Hoài Nam (29 tuổi, trú tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) để điều tra về tội Hành hạ người khác. Nam đã có hành vi đánh đập cháu bé 5 tuổi là con riêng của vợ.

- Cuối tháng 2/2021, cháu N.H.B (sinh năm 2009, trú tại Hà Đông, Hà Nội) đã bị mẹ đẻ là Hoàng Thị Thu Huyền đánh đập, hành hạ và “bố dượng” là Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990, trú cùng địa chỉ) xâm hại 9 lần… - Tháng 3/2020, cháu N.N.M.M (3 tuổi) bị mẹ đẻ Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991) và “bố dượng” Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, đều trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) trừng phạt thân thể bằng nhiều hình thức khác nhau như ngồi xổm trong chậu nhựa nhỏ nhiều giờ liền, đánh đập vào tay, chân, đầu đến thương tích và tử vong.

- Đầu năm 2019, khi chung sống với bố đẻ và mẹ kế, cháu Trần Ngọc L (14 tuổi, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị mẹ kế đánh đập dẫn đến thương tích ở vùng đầu và mặt. Mặc dù các đối tượng bạo hành trẻ em đã được pháp luật trừng trị thích đáng với đúng tội danh truy tố, nhưng những tổn thương về tinh thần và sức khỏe của các cháu sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành.

HỒNG NHUNG - QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.