SOS : Bạo hành, xâm hại con riêng khi cha mẹ tái hôn

Chia sẻ

Trẻ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục trong những tổ ấm tái hôn bởi bố dượng, mẹ kế và cả bố mẹ đẻ của mình gióng lên “báo động đỏ” khi liên tục xảy ra các vụ việc trẻ bị bạo hành đến tử vong.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ trong những tổ ấm tái hôn, để những người bố, người mẹ đi bước nữa sau ly hôn có những kỹ năng để bảo vệ con mình? Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình Đinh Đoàn về vấn đề này.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh ĐoànChuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Ảnh: T.Hà)

Vụ bé gái 8 tuổi sống với bố đẻ và mẹ kế bị bạo hành dẫn đến tử vong diễn ra ở TP Hồ Chí Minh vừa qua gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề trẻ bị bạo hành, xâm hại khi bố mẹ tái hôn. Bởi trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ trẻ sống với bố dượng, mẹ kế bị bạo hành tử vong, hoặc để lại thương tật nặng, thậm chí xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Theo ông nguyên nhân của tình trạng đau lòng này là do dâu?

Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đã diễn ra từ lâu, và vụ việc vừa qua tại TP HCM không phải là cá biệt. Nhiều vụ việc đã được xử lý bằng pháp luật, nhưng chắc chắn những vụ việc không được tố giác, không được phát hiện, không được xử lý triệt để còn nhiều hơn so với những gì chúng ta biết.

Để tìm nguyên nhân trẻ em bị bạo lực, xâm hại khi sống với bố dượng, mẹ kế sau khi bố mẹ ly hôn không khó. Trước tiên, bố mẹ các em đã không cố gắng để giữ mái ấm an toàn cho con mình, đã ích kỷ hay vội vàng khi cầm bút ký vào đơn ly hôn.

Đôi khi có những vụ ly hôn vì những lý do chưa thật sự thuyết phục. Hết tình yêu ư? Không hợp nhau ư? Không thấy thỏa mãn như mình mong muốn ư? Tất cả cần xem xét lại. Ai làm cho tình yêu hết? Không hợp sao không điều chỉnh cho hợp, hoặc chấp nhận sự khác biệt nhất định, thực tế làm gì có đôi vợ chồng nào hoàn toàn hợp nhau?

Nguyên nhân thứ hai, lỗi tại những người xung quanh trẻ. Bố mẹ đẻ không có cách theo dõi, giám sát cuộc sống sinh hoạt của con mình, tin tưởng hay nhu nhược khi phát hiện vợ mới, chồng mới hay người tình của mình ngược đãi con riêng của mình. Những ông nội, bà ngoại không đủ nhạy cảm để nhận ra cháu mình bị bạo hành trong những lần tiếp xúc với trẻ. Những người lớn biết trẻ bị bạo hành thì không tố cáo hay can thiệp kịp thời. Cuối cùng là vấn đề xử lý bằng pháp luật còn chưa triệt để.

Thực tế cho thấy khi hôn nhân đổ vỡ, những người bố, người mẹ tiếp tục đi tìm hạnh phúc mới. Tuy nhiên, việc đảm bảo hạnh phúc cho đứa trẻ trong những tổ ấm tái hôn ấy không phải bậc bố mẹ nào cũng làm được? Theo ông, do họ thiếu kỹ năng sống hay do tâm lý, định kiến “cha dượng, mẹ kế” nên tình thương đối với con riêng bạn đời vẫn… thiếu…?

Chia một ngôi nhà, một số tài sản, một khoản tiền không khó bằng việc “chia con”. Tiếc rằng người ta có thể tranh cãi nhau để có thêm cái tủ lạnh, thêm một vài trăm triệu, nhưng lại không phải ai cũng nặng lòng lo lắng rồi đây con mình sẽ sống ra sao với bố dượng, mẹ kế. Cũng có những đôi tranh giành nuôi con, nhưng lại vì để “hành hạ” bên kia là chính, chứ không xuất phát từ động cơ muốn tốt nhất cho con. Cái bố mẹ thiếu không hẳn là kỹ năng sống, định kiến xã hội, mà họ thiếu tình yêu thương với con cái.

Bố dượng, mẹ kế - kẻ gây bạo lực với trẻ không đủ tu dưỡng, không đủ nhân ái, bao dung, tử tế để sống chung với con riêng của chồng, của vợ mình. Họ ích kỷ, không có lòng vị tha, kiên nhẫn trong ứng xử với trẻ, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiềm chế cảm xúc khi sống chung với trẻ.

Đặc biệt, cũng vẫn có người còn quan niệm “con riêng của vợ của chồng là người khác máu, tanh lòng”. Những ông bố dượng, mẹ kế thì chưa được học cách “làm bố, làm mẹ” những đứa trẻ mình không sinh ra. Họ chỉ khao khát muốn chung sống, kết hôn với bố hay mẹ của các em, nhưng không đủ tình yêu thương để chung vai gánh vác trách nhiệm nuôi. Một mặt, định kiến “dì ghẻ con chồng” vẫn tồn tại đâu đó. Đừng quên, nhiều trẻ em bị bạo hành bởi chính bố mẹ đẻ của mình, chứ đừng nghĩ chỉ sống chung với bố dượng, mẹ kế mới đáng kêu cứu, báo động.

Những vụ việc trẻ bị xâm hại, bạo hành đau lòng này cũng đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ trẻ khi bố mẹ ly hôn và đi bước nữa? Có không ít bậc bố, mẹ sau ly hôn không sống cùng con bị đối phương ngăn cản, hoặc cấm đến gần con để thăm nom. Do đó, họ gần như không thể tiếp cận để bảo vệ con mình. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Hiện nay những thủ tục ly hôn tương đối dễ dàng, sau hai lần hòa giải không thành công và nhận thấy cuộc sống chung của hai người không mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên thì tòa xử lý cho ly hôn. Giá mà đôi vợ chồng có một vài buổi ngồi cùng nhau, với các cán bộ của cơ quan pháp luật, mời thêm nhà tư vấn tâm lý trẻ em, đại diện tổ chức bảo vệ quyền trẻ em và… mời chính những đứa con đến dự cùng. Tại những buổi gặp này, mọi người lắng nghe nguyện vọng của trẻ, sự phân tích của nhà chuyên môn, lắng nghe mong muốn của hai vợ chồng… rồi mới kết luận trẻ sẽ sống cùng ai sau ly hôn.

Đặc biệt, tòa án hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật khác phải có cơ chế giám sát sau ly hôn, nếu bên nào không thực hiện quyền, nghĩa vụ được ghi trong luật định (quyền thăm con, quyền chuyển quyền nuôi con, nghĩa vụ đóng góp, chu cấp tài chính nuôi con…) sẽ bị xử lý.

Ở các nước, khi bố mẹ bạo hành con cái, hình thức xử lý, răn đe của pháp luật là tước quyền nuôi dưỡng, phạt tù... Trẻ sẽ được chuyển đến sống ở môi trường an toàn hơn. Còn ở Việt Nam, theo ông, pháp luật và chế tài của chúng ta đã đủ mạnh chưa? Còn bất cập và hạn chế nào không?

Chúng ta không thiếu luật, không thiếu chế tài xử phạt, mà thiếu “ý chí hành động”, tức là có muốn làm hay không. Việc phát hiện, tiếp cận trẻ bị bạo lực, việc tố cáo thủ phạm ngược đãi trẻ… cũng còn hạn chế. Người lớn không lên tiếng, trẻ em thấp cổ bé họng, không biết kêu ai, vậy làm sao mà xử lý trẻ phạm pháp. Quan trọng bây giờ là làm sao để mọi người cùng lên tiếng, cùng chung tay khi phát hiện trẻ bị bạo lực, xâm hại. Hiện nay, nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, ngược đãi, khi khi được phát hiện đã quá muộn. Trẻ bị tàn phế, bị tử vong hay mang thương tích trọn đời thì việc xử phạt thủ phạm nặng đến đâu chăng nữa cũng ít có giá trị.

Việc tước quyền nuôi dưỡng hay phạt tù bố mẹ ngược đãi trẻ cũng có thể thực hiện được ở Việt Nam; còn việc đưa trẻ đến một nơi sống an toàn hơn còn là điều cân nhắc. Ở Việt Nam vẫn còn tâm lý “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì”, trẻ có thiếu bố, thiếu mẹ thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc về ông bà nội, ngoại, cô dì, chú bác. Việc đưa trẻ bị bạo lực vào sống ở một nơi an toàn mang tính xã hội như “nhà tạm lánh” hay “trại trẻ”… cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.