Ngồn ngộn những xót xa trong “Làng ma 10 năm sau”

Chia sẻ

PNTĐ-“Làng ma 10 năm sau” là sự tiếp nối số phận những nhân vật của “Ma làng”, số phận của làng ma, nhưng 10 năm sau, những con người của “Ma làng” đã khác lắm…

 
Khi đồng tiền thao túng những khát vọng nông thôn
 
Câu chuyện của bộ phim truyền hình “Làng ma 10 năm sau” bắt đầu từ sự trở về của “ma con” Ất (con trai ông Tòng- một chủ tịch xã tiêu cực, độc tài thời bao cấp) sau 10 năm phiêu dạt. Ất thấy họ Phạm hoành tráng ngày xưa của mình giờ đã lép vế, Ất muốn khôi phục lại dòng họ bằng cách lên hẳn huyện làm ăn, tạo mối quan hệ để buôn quan, kinh doanh đất đai, dự án, dụ dỗ người này, xui khiến người kia… Từ đó, bắt đầu cho tất cả những rắc rối, những thay trắng đổi đen của làng Bâm Dương.
 
Ngồn ngộn những xót xa trong “Làng ma 10 năm sau” - ảnh 1
Dỏ (Trung Hiếu) và Ló (Kim Oanh) trong một cảnh quay
“Làng ma 10 năm sau”
 
Những việc làm của “ma con” giống như giọt nước tràn ly thổi bùng lên khát vọng làm giàu của đa số người làng Bâm Dương vốn đã âm ỉ từ lâu. Họ rơi vào vòng xoáy tình, tiền khi các nhà đầu tư vào làng để thực hiện các dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, sân golf với những khoản đền bù kếch xù. Tại đây, chính quyền, người dân bị phân hóa thành hai chiến tuyến: một bên ủng hộ dự án, một bên đấu tranh để bảo vệ đất đai, xây dựng doanh nghiệp sản xuất tại chỗ…
 
Vì tôn trọng phim “Ma làng”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn chọn bối cảnh quay “Ma làng” trước đây ở Liên Sơn (Hòa Bình) và ông thật bất ngờ khi trở lại sau nhiều năm, vùng quê này giống như một trường quay dựng sẵn cho “Làng ma 10 năm sau”. Không chỉ thế, đời sống ở vùng quê này cũng na ná như “Làng ma 10 năm sau”, cũng chìm trong những khát vọng làm giàu của người nông dân cực khổ, cũng đầy những dự án, những ngôi nhà sinh thái, thậm chí là cả những ngôi nhà hàng chục tỉ đồng người thành phố về xây rồi… để không.
 
Phim vẫn có những con đường cũ, những ngôi nhà cũ, vẫn cái quán của cô Bẹo cũ, nhưng ngay sau quán cô Bẹo, người ta xây ngôi nhà mấy tầng nguy nga, thể hiện đúng tinh thần sự thay đổi của thời cuộc và cả sự thay đổi của cô Bẹo.
 
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, những ngày quay phim là những ngày ông chứng kiến nhiều nỗi xót xa ở nông thôn do bị đồng tiền chế ngự. Thi thoảng ông hay đi về nông thôn, mỗi ngày lại thấy đau lòng hơn bởi những vần xoay, những thay đổi do cơn lốc khát vọng làm giàu mà không có đường hướng đúng đắn và lâu dài. Vấn đề là làm sao để giúp người dân làm giàu một cách bình tĩnh. Chính những điều đó đã thúc đẩy ông thực hiện “Làng ma 10 năm sau”. Ông muốn đóng góp một quan điểm, một thái độ về các vấn đề nông thôn, sự phát triển nông thôn, chuyện quy hoạch đất đai thông qua số phận của một ngôi làng để mong tìm kiếm lại những bình yên nông thôn.

Dỏ và Ló sẽ vẫn đáng yêu
 
Tất cả các diễn viên đã đóng “Ma làng” đều sẽ lại hội tụ về “Làng ma 10 năm sau”, duy chỉ thiếu vắng cố diễn viên Hồng Sơn. Hồng Sơn đã rất thành công với vai ông Dỏ trong “Ma làng”. Sự thiếu vắng Hồng Sơn cũng là lý do khiến bộ phim đến nay mới đi vào sản xuất, đạo diễn cũng rất chật vật để tìm một diễn viên thay thế. Sau nhiều lựa chọn gương mặt có vẻ khắc khổ kiểu của Hồng Sơn như Quốc Khánh, Quốc Trị… thì NSƯT Trung Hiếu đã được chọn vào vai Dỏ 10 năm sau. Trung Hiếu trẻ hơn Hồng Sơn, gương mặt cũng không có nét khổ hạnh, nhưng cảnh quay đầu tiên, Trung Hiếu đã làm cả đoàn phim hài lòng. Cái vẻ của Dỏ 10 năm sau vui vẻ, hớn hở hơn vì là “cổ đông” trong một Công ty chuyên về sản xuất nông sản, thủ công nghiệp, tức là tìm được con đường làm giàu.
 
Tuy vậy cả Dỏ và cô Ló (nay được vào cửa hàng nông nghiệp bán giống cây trồng) vẫn bị cuốn vào cơn lốc của đất đai, tiền bạc với những dự án khiến họ thiếu bình tĩnh. Và vì rất nhiều lý do mà họ phải phản bội lại niềm tin của những người sát cánh với mình. Tuy nhiên, cuối cùng họ ân hận khi nhìn thấy những bi kịch do chính mình gây ra. Dù có thay trắng đổi đen, nhưng “Làng ma 10 năm sau” vẫn tin rằng những người như Dỏ, Ló vẫn sẽ được khán giả yêu mến, bởi bản chất họ là những người tốt.
 
Khi được mời đóng “Làng ma 10 năm sau”, diễn viên Kim Oanh (rất thành công với vai cô Ló ở Ma làng) đã hỏi: Ló có phải vai chính trong phim như trước không? Hỏi như vậy là lẽ thường vì diễn viên có tên tuổi, bao giờ chẳng muốn đóng vai chính. Câu trả lời Kim Oanh nhận được là: “Không”. Tuy nhiên, Kim Oanh vẫn nhận vai bởi cô tin vào thông điệp của phim, “sân chơi” của làng Bâm Dương giờ đã nhường cho lớp trẻ, những thế hệ của con em Ló. Cuộc đời là những sự tiếp nối, lớp trẻ có thể đem về những khát vọng thành phố, gây nên sự hỗn loạn ở làng quê, nhưng cuối cùng những người “phụ” như cô Ló sẽ góp phần điều chỉnh lại mớ hỗn độn đó.
 
Tuy không muốn chịu sức ép thành công từ “Ma làng”, nhưng rõ ràng “Làng ma 10 năm sau” cũng đang đứng trước áp lực để không thua “Ma làng”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tin rằng, hiện thực ngồn ngộn những xót xa của “Làng ma 10 năm sau” làm nên sức nóng cho bộ phim để người xem chờ đợi. Vì vậy, dù bộ phim chưa hoàn thành phần hậu kỳ, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã nhận được đặt hàng làm một phim truyền hình thời sự nông thôn tiếp theo. Ông chỉ sợ không đủ thời gian thực hiện vì tuổi đã cao, còn những xót xa, những trải nghiệm về đời sống nông thôn trong cuộc chuyển đổi rúng động từng tấc đất hiện nay thì còn nhiều chuyện để làm phim lắm…
 
Mạc Vy

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.