Đại học và “học đại” - Kỳ 1: Chưa đỗ ông nghè đã… bị đuổi học

Chia sẻ

PNTĐ-“Học ĐH như đi chơi” là tư tưởng đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ, đến khi cầm trên tay quyết định buộc thôi học thì hối cũng đã muộn.

 
Đèn sách vất vả suốt 12 năm trời, căng thẳng với cuộc thi hàng trăm người “chọi” một… Nhưng, khi đỗ ĐH rồi vẫn có nhiều sinh viên (SV) trong số đó phải về tay trắng trước khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp. Nguyên nhân của hiện tượng trên là gì? Do SV lười học, do chương trình giảng dạy ở bậc ĐH chưa đủ sức thu hút SV, hay do các tiêu cực mua bằng bán điểm vẫn tồn tại đây đó khiến các bạn trẻ bất bình, chán nản… Báo PNTĐ sẽ đề cập đến những vấn đề trên trong loạt bài về thực trạng Đại học và “học đại” ở Việt Nam nhân dịp đầu năm học mới.
 
Một năm, 300 SV bị đuổi học
 
Cuối năm 2010, trường ĐH Mỏ-Địa chất khiến dư luận xôn xao khi có tới 856/2.500 SV năm đầu nằm trong diện bị buộc thôi học do không đáp ứng được các điều kiện điểm số theo Quy chế 43 về đào tạo tín chỉ ở ĐH, CĐ. Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng Đào tạo cho biết, dù đôi lúc cũng gặp phải áp lực của xã hội nhưng đến nay, trường vẫn tiếp tục duy trì phương thức “sàng lọc” SV hàng năm. Trung bình, sau năm học thứ nhất, trường loại khoảng 7-8% SV, sau năm thứ 2 loại thêm khoảng 2-3% SV nữa. Như vậy, với mỗi khóa cứ sau 2 năm có khoảng 300 em bị buộc thôi học. Đối với những SV được bước vào các năm tiếp theo, nếu không đạt điểm tích lũy 2.0, tương đương mức điểm từ 5,5 đến 6,9 cũng không được tốt nghiệp. Sau 8 năm “học treo” mà không cải thiện kết quả học tập, các em vĩnh viễn bị “xóa tên” khỏi trường.
 
Đại học và “học đại” - Kỳ 1: Chưa đỗ ông nghè đã… bị đuổi học - ảnh 1
Lễ trao bằng tốt nghiệp tại ĐH Bách Khoa năm 2013
 
Tương tự, tại trường ĐH Bách Khoa, theo ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng Đào tạo, gần như học kỳ nào cũng có SV bị buộc thôi học, nhẹ hơn là đình chỉ học tập một học kỳ. Trung bình một khóa có khoảng vài trăm sinh viên “ngã ngựa”. Tỷ lệ SV đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm của trường vì thế luôn thấp hơn nhiều các trường khác khi chỉ dừng lại ở con số 80-85%.
 
Ông Phạm Lê Hòa, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết để tránh tình trạng “cho ra lò” sản phẩm kém chất lượng, trường chủ trương SV nào không có thái độ học tốt, kết quả học kém thì loại luôn thay vì dung túng để các em dật dờ tới năm cuối. Đó là lý do vì sao, mỗi năm, có khoảng 10% SV/ 1 khóa của trường không đủ điều kiện tốt nghiệp, tương đương với 100 SV.

Đi học như đi chơi
 
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đầu mỗi năm học, rất nhiều trường ĐH đã tổ chức gặp gỡ với tân SV ngay sau khi nhập trường để giải thích cho các em hiểu về môi trường học ĐH, cơ hội và cả nguy cơ sẽ bị đình chỉ, đuổi học… nếu chểnh mảng. Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT áp dụng từ ngày 10/2/2013 cũng nêu rất rõ, sau 2 lần cảnh báo liên tiếp, SV có kết quả học tập kém sẽ bị đuổi học vĩnh viễn. Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhiều hiệu trưởng, dù đã được “đánh thức” nhiều lần thì  vẫn có khá đông SV “không chịu tỉnh”.
 
Khi đặt bút ra quyết định đuổi học SV, ông Thắng luôn dằn lòng, đắn đo, “xót xa”, nhất là có cả những SV của trường từng đạt tới 24, 25 điểm trong kỳ thi đầu vào ĐH. Tuy nhiên, sau khi học thì điểm tích lũy quá thấp. “Nghe tin con bị đuổi học, nhiều gia đình mới cậy cục xin trường tha. Có người thì không tin có việc con mình bị đuổi học ở bậc ĐH. Tuy nhiên, quy chế là quy chế. Trường chỉ có thể tạo điều kiện bằng cách cho các em xuống học hệ cao đẳng, rồi sau đó lại học dần lên ĐH theo đường liên thông”.
 
Ông Hoàng Minh Sơn kể, ông thực sự lo lắng khi trong số hàng trăm SV bị đuổi học mỗi năm của trường Bách Khoa, có tới 70-80% là do mải chơi điện tử hay sa vào các tệ nạn xã hội như cá độ bóng đá, rượu chè… “Có em mê mải chơi tới nỗi mất hết ý thức, rồi nợ nần, không thiết học nữa”. Số lớn khác có tâm lý, học phổ thông quá vất vả, bị gia đình và nhà trường kiểm soát ngặt nghèo, lên ĐH bỗng như được “thoát ly” nên tha hồ xả hơi. “Để có thể trúng tuyển vào những trường ĐH hàng đầu như Bách Khoa, đa phần các SV đều có học lực khá, giỏi ở bậc phổ thông. Tỷ lệ SV yếu kém đỗ vào trường nhờ may mắn gần như không có. Tiếc thay, các em chiến thắng rất nhiều “đối thủ” khác nhưng lại không thắng được chính bản thân mình”.
 
Hiện nay, rất nhiều trường ĐH đã chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ. Theo một hiệu trưởng, tỷ lệ SV bị đuổi học ở trường ông vì “tín chỉ” có phần tăng hơn so với thời học “niên chế”, “thầy đọc-trò chép”. So với cách đánh giá cũ, yêu cầu mức 2,0 trong tín chỉ khó hơn nhiều việc đạt điểm trung bình học tập chung 5,0 của niên chế. Học tín chỉ cũng đòi hỏi SV phải thay đổi cách học tập bằng việc tự học nhiều hơn. Cứ với một tín chỉ trên lớp, trung bình SV sẽ phải đánh đổi bằng 2 tín chỉ tự học tại gia.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Thắng, hiện chỉ có khoảng 20-30% SV ĐH có ý thức tự giác, tự học học tốt. Đa phần là học hành… làng nhàng. Còn 20-30% còn lại thì học tập chểnh mảng, học mà như chơi. “Thiếu thái độ học tốt lại thêm nhiều cám dỗ chi phối đã đẩy một số SV sút kém”.
 
 Trong đề tài nghiên cứu khoa học của mình, một nhóm SV K46 trường ĐH Ngoại thương đã làm khảo sát 207 SV ở 28 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy có khoảng 44,2% SV đi học đầy đủ, 10,5 % SV thỉnh thoảng mới tới lớp, 45,3% thường xuyên tới lớp. Tuy nhiên, đi học thường xuyên không có nghĩa là thái độ học tập tốt. Nhóm SV này thừa nhận: SV thường đi học muộn, khi vào học, nhiều SV ở cuối lớp thường làm việc riêng ngủ gật, hoặc nói chuyện. Chỉ một số ít SV đọc giáo trình trước khi lên lớp. Bài tập về nhà chỉ được làm khi có sự kiểm tra. Phổ biến là SV học quá nhàn, và chỉ bận rộn khoảng vài tuần trước khi thi.
 
Trung Thu
 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.