Kỳ 2: “Điểm tựa” của học sinh nghèo

Chia sẻ

PNTĐ-Dù đồng lương hạn hẹp, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, đỡ đầu cho học trò nghèo được tiếp tục tới trường.

 
 Nhờ tấm lòng của thầy cô không ít bạn trẻ đã có được tương lai tươi sáng.
 
“Con về làm con của cô nhé”
 
Nam sinh Nguyễn Hải Long (SN 1997), quê huyện Từ Sơn, Bắc Ninh sẽ không bao giờ quên được quãng thời gian 6 năm (từ lớp 1 đến lớp 6), em được yêu thương, che chở trong nhà cô giáo. Hồi đó, khi nghe một đồng nghiệp kể về trường hợp Long có bố mẹ li hôn, mẹ sức khỏe yếu nên không có người chăm sóc, cô giáo Nguyễn Thị Sang, giáo viên trường tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm đã đến tận nhà Long thăm hỏi, động viên. Trở về nhà, cô Sang thương mãi cháu bé ngây thơ nhưng sớm bị thiệt thòi, lại lo Long không được đến trường nên đã trở lại gặp mẹ Long, xin đưa em về nhà mình nuôi nấng như con.
 
“Cô giáo Sang có 2 con trai, con lớn đã lập gia đình riêng. Nhà đông người, lương giáo viên "ba cọc ba đồng", nay vợ chồng cô còn phải chia sẻ để nuôi thêm em”, Long xúc động nhớ lại. Cô Sang sắp xếp cho Long ở trên tầng hai gian nhà chính. Còn vợ chồng cô ở căn phòng xây phía sau. Cô đăng ký cho Long đi học tại trường tiểu học và sau này là THCS Yên Thường. Buổi tối, cô dành thời gian dạy Long viết chữ, học bài. 5 năm tiểu học, Long đều là HS giỏi. Sinh nhật Long, cô Sang đứng ra tổ chức, mời bạn bè của Long đến chơi. Tết đến, có năm Long vẫn ở với gia đình cô giáo. “Khi mình làm sai, cô mắng nhưng là lời mắng của một người mẹ với con, không phải vì cô ghét bỏ em” - Long nhớ lại. Suốt thời gian được gia đình cô giáo cưu mang, chưa bao giờ Long mặc cảm hay thấy mình khác biệt.
 
Kỳ 2: “Điểm tựa” của học sinh nghèo - ảnh 1
Cô giáo Nguyễn Thị Sang miệt mài với trẻ em thiệt thòi
ở lớp học Tình thương
 
Đến năm lớp 7, gia đình đã khấm khá hơn, Long mới xin phép trở về nhà sống với mẹ ruột. Hiện, Long đã học hết cấp 2 tại trường THCS Hoàn Kiếm và đang đi học nghề nấu ăn. “Cô Sang vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình của trò. Cô còn khuyên sau khi hoàn thành chứng chỉ nghề, phải tiếp tục trở lại trường để học hết THPT. Em luôn nhớ ơn cô Sang rất nhiều” - Long xúc động.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Sang nhớ lại: “Lúc đầu, gia đình cũng lăn tăn khi tôi muốn nhận nuôi Long, bởi chúng tôi đã có đủ con, cháu, nhà cửa cũng không được khang trang. Nay việc đứng ra nuôi một đứa trẻ không máu mủ ruột già chắn chắn không tránh khỏi khó khăn, bất tiện”. Nhưng, cuối cùng, hiểu ý nghĩa nhân văn trong việc làm của vợ, mẹ mình, các thành viên đều đồng ý. Mọi người còn thống nhất khi Long dọn đến, không ai được tỏ thái độ kỳ thị, xa lánh. Nhà có rau ăn rau, có cháo thì tất cả cùng ăn cháo.
 
Cô giáo Sang sinh năm 1954, không chỉ được ngành GD-ĐT tuyên dương vì thành tích đỡ đầu học sinh, mà còn bởi tấm lòng của cô dành cho các học sinh nghèo khác. Từ năm 1990 đến 1997, cô đã tình nguyện mở một lớp học tình thương trên địa bàn xã, dành cho trẻ mồ côi, trẻ thiểu năng trí tuệ, trẻ tàn tật… Ngày đó, từ một ngôi nhà bỏ không ở sau đình Trùng Quán, cô Sang đã đề xuất với chính quyền xã cho tận dụng để mở lớp học Tình thương vì cô thương các em bị thiệt thòi, nếu không được học hành thì tương lai sau này càng mờ mịt hơn.
 
Năm 2008, sau hơn 30 năm đứng lớp, cô Sang về hưu nên có điều kiện toàn tâm toàn ý lo cho lớp học Tình thương. Lớp học mở liên tục suốt tuần, một mình cô vừa dạy trò, đến trưa thì vào bếp nấu cơm, rồi cho trò ăn, khi trò nghỉ cô lại lụi cụi rửa bát, dọn dẹp, chiều đứng lớp tiếp. Mỗi trẻ một bệnh tật, trình độ nên cô dạy theo chương trình tự soạn riêng cho từng trò. Vất vả thế nhưng cô không nhận thù lao, còn xin thêm tiền tài trợ cho lớp. Nhà HS có gạo thì ủng hộ lớp gạo, thiếu bao nhiêu, cô tự bỏ tiền túi ra bù. Đã thành bà nội, nhưng vì cả ngày bận bịu ở lớp học nên cô không còn thời gian trông cháu giúp con trai. Cô dùng toàn bộ lương hưu giáo viên, thuê người thay mình trông cháu. Một lần nữa, gia đình lại ủng hộ việc làm thiện nguyện của cô. Người bạn đời của cô giáo Sang, không những không phàn nàn mà còn đỡ đần cô làm việc nhà.
 
Cô Sang mừng nhất là hiện có nhiều HS sau khi hoàn thành việc học tại lớp học Tình thương đã trưởng thành, có công việc ổn định, lập gia đình, sống hạnh phúc. 50% học sinh hiện nay ở lớp Tình thương của cô lại là con của các trò năm xưa, vì tin vào lòng thiện của cô giáo cũ mà nay họ lại nhờ cô dạy dỗ con mình.

Thầy giáo cứu trò khỏi bạo bệnh
 
“Với mẹ con tôi, thầy giáo Ngô Mạnh Cường là người thầy tốt nhất trên đời. Thầy rất yêu học trò, chỉ cần nghe tin trò gặp khó là thầy chủ động tìm tới, giúp đỡ hết khả năng chứ không đợi trò tìm thầy. Thầy không chỉ dạy chữ, mà còn truyền cho các con tôi bài học về tình người. Gia đình tôi lúc nào ơn sâu nghĩa nặng với thầy” - chị Vũ Thị Thành, thôn Vĩnh Thương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đã xúc động nói về thầy giáo Ngô Mạnh Cường, giáo viên Toán - Vật lý trường THCS Sơn Công như thế.
 
Thầy Cường (SN 1957) đã từng nhiều năm dạy học ở huyện miền núi Kim Bôi, Hòa Bình trước khi về lại quê nhà ở huyện Ứng Hòa. Vì thế, thầy rất thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn mà học trò nghèo phải đối mặt trên con đường tới trường học lấy con chữ. Cũng thật lạ, những năm qua, rất nhiều cháu nhỏ con nhà khó, mắc bệnh hiểm nghèo đều lần lượt trở thành học trò của thầy Cường và lại lần lượt được thầy Cường giúp đỡ.
 
Kỳ 2: “Điểm tựa” của học sinh nghèo - ảnh 2
Thầy Ngô Mạnh Cường với học sinh
 
Nguyễn Thị Hòa học lớp 7, bố mất khi đang đánh cá ngoài biển. Hai mẹ con Hòa đưa nhau về quê Ứng Hòa sinh sống không lâu thì mẹ Hòa lại đột ngột qua đời. Thầy Cường còn nhớ, một ngày năm 2004, Hòa xin phép thầy về sớm để cúng tuần cho mẹ. Thương hoàn cảnh của em, thầy đã vận động người quen tài trợ học phí và thầy cũng tự bỏ tiền mua sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cho học sinh Hòa suốt 5 năm, cho tới khi em tốt nghiệp THPT. Ngày đó, hoàn cảnh của thầy Công không khá giả. Thầy có 3 con, vừa nuôi các con, thầy vừa cố gắng dành dụm để chia sẻ cho Hòa vì không muốn em phải nghỉ học.
 
Năm 2013, HS lớp 8 Nguyễn Thị Thơ bị bệnh tim, bỗng dưng ngất lịm trong giờ dạy của thầy. Bố Thơ đã mất, mẹ bị tâm thần bỏ 3 anh em Thơ sống côi cút. Thầy Công, thông qua các mối quan hệ quen biết, lại viết thư kêu gọi mọi người góp tiền để HS Thơ được mổ tim thành công.
 
Cùng năm ấy, HS Nguyễn Thị Hồng Vân mồ côi bố, mẹ thần kinh không bình thường, sức khỏe của em cũng ngày một yếu do em mắc bệnh tim từ năm lên 7 tuổi mà không có tiền chữa trị. Thầy Công đã lặn lội xin cho Vân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Hồ sơ hoàn cảnh khó khăn của Vân cũng một tay thầy khai, sau đó thầy đạp xe lên xã xin xác nhận. Tiền bảo hiểm chỉ đủ 75% chi phí ca mổ, 25% còn lại, thầy Công lại viết bài kêu gọi từ các nhà tài trợ. Qua từng con chữ chan chứa yêu thương, thầy bày tỏ tâm nguyện mọi người hãy cùng chung tay cứu lấy cô học trò ngoan hiền của mình.
 
Không chỉ giúp trò, thầy Công còn giúp cả con học trò. Như trường hợp cháu Phạm Minh Duy, 12 tuổi, bị trọng bệnh nhưng không có tiền vào viện. Mẹ của Duy là học trò cũ của thầy, nghe tiếng thầy chuyên giúp trò đã tìm tới cầu cứu. Lập tức, thầy lại gõ cửa các nơi, viết bài đăng trên báo, facebook về trường hợp của Duy và cuối cùng kêu gọi được gần 200 triệu đồng để Duy phẫu thuật.
 
Trong số các trường hợp, thầy Công nhớ và thương nhất cậu bé Mai Chí Thực, con của chị Vũ Thị Thành bị bệnh u mầm thận. Năm 2014, sau khi biết tin Thực, cậu học trò đã học thầy những năm cấp 2, dù hai lần phẫu thuật mà bệnh tình không thuyên giảm, thầy Công tự tìm tới nhà Thực thăm hỏi. Nhìn căn nhà lụp xụp, chị Thành gầy mòn vì vất vả làm thuê kiếm sống và lo tiền chữa bệnh cho con, thầy rất xót xa. Thầy càng thương hơn khi biết Thực, lúc đó đã là học sinh lớp 12, rất ham học, luôn đứng đầu lớp và vẫn ấp ủ ước mơ được vào ĐH. Thầy Công đã viết thư kêu cứu cho trò trên facebook cá nhân và nhờ nhiều người quen biết cùng chia sẻ trường hợp của Thực tới cộng đồng.
 
Nhờ đó, Thực đã được nhận hơn 200 triệu đồng, đủ để phẫu thuật lần 3 và kéo dài sự sống thêm 2 năm. Dẫu rằng con trai cuối cùng đã không thể chiến thắng được bạo bệnh, nhưng chị Thành vẫn mãi nhớ ơn thầy Công. “Hai em của cháu Thực sau này đều là học sinh của thầy Công. Giờ cháu Thực mất rồi, nhưng thầy vẫn qua lại thăm hỏi, động viên các em cháu phải cố gắng. Tôi biết thầy giúp gia đình mình vậy đã nhiều rồi nên khi gặp khó khăn, tôi không dám nhờ cậy thầy nữa. Vậy mà thầy vẫn biết và luôn sẵn sàng chia sẻ” - chị Thành nghẹn ngào.
 
Còn nhiều trường hợp nữa vẫn đang tiếp tục được thầy giáo Ngô Mạnh Cường giúp đỡ. Như trường hợp hai trò nhỏ lớp 5 và lớp 2 mồ côi mẹ, bố thần kinh đang sống cùng ông bà già yếu được thầy viết bài, chụp ảnh kêu gọi giúp đỡ. Năm 2015, hai ông bà đã có thể xây được căn nhà khang trang từ số tiền 300 triệu đồng mà cộng đồng ủng hộ. Thầy còn vận động tài trợ học phí, sách vở cho hai cháu.
 
Hay như trường hợp HS lớp 6 Ngô Thị Lan Anh, bố mất vì bệnh tim, chị gái bị thần kinh, bản thân Lan Anh bị viêm cầu thận, cũng được thầy viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ tiền thuốc, viện phí và xây dựng mới cho mẹ con em ngôi nhà trị giá 115 triệu đồng. Hiện nay sức khỏe của cháu Lan Anh đang dần hồi phục. “Mỗi lần nhìn thấy các học trò nghèo khỏe mạnh trở lại, gia đình bớt khó khăn, không còn phải lo cảnh chạy dột khi trời mưa, tôi thấy lòng hạnh phúc vô cùng và chỉ muốn tiếp tục hành trình thiện nguyện” - thầy Công tâm sự.
 
Tính đến nay tổng số tiền thầy Cường kêu gọi được từ các nguồn bảo trợ khác nhau để cứu các học trò đã lên đến khoảng 800 triệu đồng. Nhiều cô cậu học trò, nhờ đôi tay ấm của thầy dìu dắt, lại tiếp tục được tới trường.
 
Kỳ 3: “Cháy” hết mình vì học trò

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…