Kỳ 2: Tù binh phi công Mỹ ở “Hỏa Lò” và những bí mật cần “giải mã”

Chia sẻ

PNTĐ-Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng chục năm liên tục, Nhà tù Hỏa Lò được coi là một trong những địa chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt và bí mật nhất ở Hà Nội...

 
Để thay đổi không khí cho các tù binh đã phải ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ chức cho các tù binh đi tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Thủ đô Hà Nội như: hồ Hoàn Kiếm, công viên Lê Nin, Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), bệnh viện Bạch Mai... Để bảo đảm an toàn cho những “vị khách đặc biệt” này, ta đã cho phép các tù binh ăn mặc như khách du lịch: cũng com-lê, ca-vát, giày đen... và đi theo hướng dẫn viên.
 
Tuy nhiên, cũng có lần nhân dân đã phát hiện ra tù binh Mỹ. Mọi người xì xào: Chuyên gia, khách nước ngoài gì mà mắt cứ nhìn lơ láo, thiếu tự nhiên, đúng là “giặc lái Mỹ” rồi”! Vậy là tất cả cùng kéo lại chỉ trỏ, bàn tán, buộc ban tổ chức phải đưa tất cả lên xe, huỷ bỏ chuyến tham quan dã ngoại...
 
Có một chuyện rất thú vị, đó là việc tù binh Mỹ tại Hỏa Lò còn được ta trưng dụng để tham gia... đóng phim. “Diễn viên” đầu tiên trong trại Hỏa Lò được nhận vinh dự này là Trung tá Robinson Risner, một Phi công khét tiếng, “người hùng” của quân đội Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, với 109 vụ và 3.000 giờ bay thành công (một tài liệu nói rằng anh ta đã bắn rơi tới 8 chiếc máy bay của đối phương).
 
Nhưng khi sang chiến trường Việt Nam, mới tới phi vụ thứ 5, Risner đã bị lực lượng phòng không ta bắn cháy, anh ta cố lái máy bay ra biển nhảy dù và được cứu hộ thoát chết. Báo chí Mỹ hồi đó đã tuyên truyền rùm beng cả tháng trời về sự việc này. Nhưng lần thứ hai, ngày 16/9/1965, Risner lái chiếc “Thần sấm” F-105D đã bị bắn hạ tại Thanh Hóa. Vào Hỏa Lò, tính ngông nghênh của Risner đã bị khuất phục. Anh ta ngoan ngoãn nhận tội và đã khai rất nhiều... Vì họ tên đọc theo tiếng Anh thường dài và khó phát âm, để dễ gọi tên, bộ đội ta đã đặt cho Risner một cái tên Việt Nam gọi ngắn gọn là “Giai” (cũng như tù binh Phi công John McCain được gọi là “Cài”). Anh em phục vụ trong trại tù binh Hoả Lò ngày đó ai cũng nhớ “Giai”, vì anh ta ăn rất khoẻ. “Giai” đã làm đơn xin lãnh đạo trại tù binh được ăn… 2 suất ăn và đã được chấp nhận.
 
Khi đoàn làm phim của Cộng hòa Dân chủ Đức sang Việt Nam quay bộ phim tài liệu “Phi công trong bộ quần áo ngủ”, cần một người vào vai nhà báo quốc tế, Giai đã vui vẻ nhận lời và anh ta nhập vai rất đạt. Với khổ người cao to, mặc bộ đồ dạ tím, chẳng ai nghĩ ông nhà báo phương Tây đó lại chính là viên Trung tá tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò đóng.
 
Được biết, sau ngày được trao trả về nước, Robinson Risner (tức Giai) còn tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và được phong hàm sĩ quan cấp Tướng.
 
Với bộ phim truyện “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” của điện ảnh Việt Nam thì chuyện đóng phim của tù binh Mỹ còn thú vị hơn: Trong phim ta có sử dụng hai sĩ quan Thiếu tá tù binh đóng vai Đại tá và Trung tá cố vấn Mỹ của Chính quyền Sài Gòn (cũ). Phim có nhiều cảnh hai cố vấn Mỹ phải xuất hiện, hoạt động với những không cảnh thời gian và địa điểm khác nhau... và hai tù binh vào vai cũng rất đạt, như diễn viên chuyên nghiệp vậy.
 
Nhưng có một sơ suất mà ít ai ngờ... đó là sau khi xem phim, cả hai diễn viên đặc biệt này đều gật gù, rồi một người nói rất hài hước: “Chỉ có điều hơi tiếc là các ông đã cho tôi làm một Đại tá Mỹ... nghèo nhất thế giới! Bởi suốt từ đầu đến cuối phim tôi chỉ có mỗi bộ quần áo mặc trên người, không hề được thay đổi trang phục”!

Nữ tù binh duy nhất tại Hỏa Lò
 
Đó là một chi tiết thú vị, dường như còn rất ít người biết. Khoảng giữa năm 1971, trại Hỏa Lò được lệnh tiếp nhận 2 tù binh người phương Tây, một nam và một nữ. Họ bị bắt và đưa từ chiến trường miền Nam ra Bắc. Nghe kể, chuyến đi rất gian khổ, đoàn có 4 người, gồm 3 nữ và một nam, nhưng 2 nữ đã chết dọc đường. Phải mất gần một năm đi bộ xuyên rừng, lội suối, vòng qua đất Lào, họ mới ra được tới Hà Nội.
 
Kỳ 2: Tù binh phi công Mỹ ở “Hỏa Lò” và những bí mật cần “giải mã” - ảnh 1
 
Kỳ 2: Tù binh phi công Mỹ ở “Hỏa Lò” và những bí mật cần “giải mã” - ảnh 2
Nữ tù binh duy nhất ở Hỏa Lò - Monika
 
Người nữ tù binh có tên là Monika Schwinn, nguyên là nhân viên quân y trong quân đội Mỹ, gốc Đức. Cô ta có khuôn mặt trái xoan, tóc đen, mắt xanh, da rất trắng, dáng người mảnh mai, xinh đẹp và thông minh. Monika biết cả tiếng Anh và tiếng Đức. Vì là nữ tù binh duy nhất, nên ban chỉ huy trại đã bố trí cho cô ta một phòng riêng rộng khoảng 10 mét vuông, có kê một chiếc giường hộp (loại vẫn dùng cho sĩ quan cấp tá của quân đội ta), với đủ chăn màn, một phích nước ấm chén và một chiếc bàn nhỏ, thậm chí còn có cả một... lọ hoa!
 
Lúc đầu, Monika Schwinn không chịu nhận chiếc phòng đó, cô ta cứ nằng nặc đòi được ở chung phòng với người nam tù binh đã đi cùng chuyến từ miền Nam ra Bắc. Hình như giữa họ đã nảy sinh tình cảm nam nữ, quá mức bình thường. Tất nhiên là Ban chỉ huy trại không chấp nhận. Không thể biến phòng giam thành... buồng hạnh phúc cho họ được!
 
Nhưng anh em quản giáo giải thích thế nào Monika cũng không nghe, lại còn tỏ thái độ bướng bỉnh, khóc lóc và không chịu ăn uống gì. Lý do, Monika Schwinn đưa ra là căn phòng ấy... xấu và trống trải quá. Vả lại, đêm ngủ một mình cô rất sợ… ma.
 
Thấy vậy, trại trưởng Trần Trọng Duyệt cho gọi Monika lên phòng mình. Ông hỏi thăm sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của người nữ tù binh và động viên cô chấp hành kỷ luật trại, cải tạo tốt để khi có điều kiện sẽ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Rồi với thái độ vừa cương quyết, vừa mềm mỏng, ông nói:
 
- Tôi là trại trưởng, nhưng phòng làm việc của tôi cũng không lớn hơn căn phòng mà chúng tôi đã bố trí cho cô. Thậm chí, còn không có lọ hoa... Vậy cô còn muốn gì nữa đây?
 
Tới lúc đó, Monika mới “ngoan ngoãn” nhận phòng.
 
Những ngày sống ở trại Hỏa Lò, người nữ tù binh duy nhất trại này đã được anh em quản giáo quan tâm chăm sóc tới mức... “hơi bị nuông chiều”. Họ sắm cho cô ta đủ cả gương, lược và những đồ dùng cá nhân thiết yếu của phụ nữ. Một chiến sĩ trẻ đã được giao nhiệm vụ đi mua sắm “phụ tùng” cho Monika. Vì không quen với loại hàng hóa “phức tạp và tế nhị” này, lại đang là thời bao cấp khó khăn, nên anh đã phải vất vả đi lùng khắp Hà Nội. Thêm nữa, còn phải giữ bí mật, vì không thể nói mình mua đồ lót cho nữ tù binh, nên nhiều phen ngượng chín mặt vì bị hiểu nhầm…
 
Thậm chí, có lần Monika còn được Trại trưởng trực tiếp đưa đi làm đầu tại một tiệm uốn tóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi đi mua quần áo ở Hàng Đào... Sau chuyến đi nhiệt tình vì “người đẹp” ấy, ông Duyệt và Ban chỉ huy trại đã bị cấp trên nhắc nhở và phê bình vì đã “thiếu tinh thần cảnh giác”.
 
Mấy tháng sau, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã nhận được một lá thư do Monika Schwinn viết cả 2 mặt giấy, với kiểu chữ nắn nót, một bên bằng tiếng Đức và một bên bằng tiếng Anh, có cùng nội dung, tạm dịch như sau:
Kính gửi ông chỉ huy,
 
Từ tháng 12 năm 1971, tôi đã xin phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo, vì vậy tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng: sự đối xử như vậy, dù là hành động nhỏ, nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
 
Còn đối với những đề nghị trước đây, tôi tin rằng hoặc đã không tới tay ông, hoặc chưa được ông quan tâm thỏa đáng. Nhưng tôi hết lòng hy vọng lần này thì ông sẽ không lãng quên việc tôi xin phép nuôi con mèo này.
 
Một khi tôi được phóng thích, tôi xin phép được mang theo con mèo về nước. Là một tù binh, tất nhiên giờ đây tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng tôi xin hứa sẽ bồi thường tất cả chi phí tăng thêm, vì tôi được phép nuôi con mèo này. Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp.
 
Hy vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi.
 
Xin gửi tới ông chào trân trọng!
 
Ký tên: Monika Schwinn.
 
Sau đó, việc nuôi mèo trong phòng giam của Monika đã được Ban chỉ huy trại tù binh chấp nhận. Cô ta vui lắm, luôn tỏ ra dịu dàng và tử tế với mọi người, bởi được chăm sóc con vật mà mình yêu thích. Chỉ khổ cho Trưởng trại tù binh Trần Trọng Duyệt vốn đẹp trai, lịch lãm đã bị anh em trêu chọc vì lời đề nghị “đa nghĩa” và rất dễ bị hiểu nhầm của cô nữ tù binh xinh đẹp: Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp.
 
Rất tiếc là, Đại tá Trần Trọng Duyệt không có tấm ảnh nào chụp kỷ niệm với người nữ tù binh duy nhất ở trại Hỏa Lò kể trên. Ông cũng không nhớ là khi được trao trả về nước, cô ấy có mang theo con mèo như đã đề nghị trong thư hay không? Nhưng nghe nói sau khi trở về Đức, cô đã viết sách kể về thời gian ở Việt Nam.
 
Sau hơn 30 năm, Đại tá Trần Trọng Duyệt vẫn giữ được bản gốc bức thư “Xin nuôi một con mèo” của Monika Schwinn. Nó được viết bằng thứ chữ nhỏ li ti, đẹp và đều tăm tắp như kiểu chữ vi tính. Ngay bên dưới là bản tạm dịch viết tay của một cán bộ quản giáo. Sau khi đã nghỉ hưu, một lần về Hà Nội thăm lại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò, cựu Trại trưởng Trần Trọng Duyệt đã tặng lại bức thư độc đáo nêu trên cho Ban Quản lý khu di tích. Vì thế, bức thư của Monika đang được lưu giữ tại Phòng trưng bày hiện vật tù binh Phi công Mỹ. Người viết bài này cho rằng đó là một trong những bức thư hay nhất thế giới về tù binh trong chiến tranh.
 
Tin tức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đã được trại công khai phổ biến cho tất cả các tù binh Mỹ.
 
Một không khí chờ đợi và háo hức lạ thường bởi tất cả bọn họ đều mong đợi đến ngày được trao trả về nước. Những ngày đó, tù binh được phép tự do ra sân chơi thể thao và thậm chí họ còn tham gia làm bếp và tự nấu ăn theo sở thích.
 
Kỳ sau đăng tiếp

Đặng Vương Hưng

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.