Bỏ biên chế giáo viên: “Bước đi” sai hướng?

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều giáo viên vẫn bày tỏ quan điểm chưa nhất trí với dự kiến chủ trương xóa bỏ biên chế giáo viên.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô số 23 ra 7/6/2017 đăng bài: “Biên chế trong ngành giáo dục: Tồn tại hay không tồn tại?”. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: trước mắt Bộ này sẽ thí điểm xóa bỏ biên chế ở một số trường đại học và THPT có điều kiện, chưa thực hiện ở cấp THCS, Tiểu học, Mầm non, nhất là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, sau lời khẳng định này của Bộ trưởng, nhiều giáo viên vẫn bày tỏ quan điểm chưa nhất trí với dự kiến chủ trương xóa bỏ biên chế giáo viên.
 
Nhà giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An: Sẽ có tiêu cực khi thực hiện xóa bỏ biên chế
 
Tôi cho rằng, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo, triển khai đúng lộ trình và đồng bộ, dân chủ, minh bạch thì sẽ một động lực trong công cuộc cải cách kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng, trong bối cảnh hiện tại của đất nước, ngành giáo dục, việc triển khai chủ trương này có lẽ chưa phù hợp và thiếu tính khả thi.
 
Giáo dục là một ngành đặc thù và trường học càng không thể là một doanh nghiệp, một công ty để dễ dàng thay lao động này bằng một lao động khác mà Bộ trưởng đã nói “có vào, có ra”. Công việc đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên trong một trường học sẽ cần dựa vào những tiêu chí nào để xếp hạng những giáo viên nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để cho ra khỏi guồng biên chế? Một ví dụ nhỏ là 1 tổ chuyên môn có 10 giáo viên, khi đánh giá chuyên môn để xếp theo hàng dọc thì ai xếp số 1, ai xếp hạng cuối là điều vô cùng khó khăn. Vậy xếp loại năng lực chuyên môn họ ra sao, ai sẽ là người phải ra khỏi biên chế? Bộ trưởng đã tính đến phương án cụ thể như thế nào khi có nhiều giáo viên có nhiều thời gian vất vả, gian khó gắn bó với ngành, với nghề, với cơ quan, bị chuyển sang chế độ hợp đồng không? Chế độ, chính sách về tiền lương đối với họ sẽ như thế nào sau khi chấm dứt hợp đồng?
 
Bỏ biên chế giáo viên: “Bước đi” sai hướng? - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Thêm nữa liệu có công bằng không, có phạm Luật Viên chức, Luật Lao động… khi chỉ triển khai bỏ biên chế với giáo viên, còn cán bộ quản lý thì không? Tôi cho rằng, cán bộ quản lý là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng chỉ là người làm công ăn lương giống như giáo viên. Đã làm theo luật, đã bỏ biên chế thì phải (chứ không phải dùng từ “nên”) thực hiện thí điểm từ trên xuống dưới, từ cơ quan Bộ GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục địa phương, từ cán bộ quản lý đến giáo viên.
 
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thí điểm, Bộ trưởng có dám khẳng định sẽ triệt tiêu được các tiêu cực hay không liên quan đến việc từ chỗ “chạy biên chế” như hiện nay sẽ chuyển sang “chạy hợp đồng”? Tôi khẳng định là sẽ có tiêu cực khi thực hiện công việc này. Bởi vì người nào cũng muốn danh dự gắn liền với quyền lợi, với miếng cơm manh áo. Trước đây, “chạy biên chế” chỉ có một lần, còn bây giờ “chạy hợp đồng” sẽ diễn ra nhiều lần và năm nào cũng phải “chạy” nếu muốn “trụ hạng”.
 
Nếu bỏ biên chế sang hợp đồng cho giáo viên thì người đứng đầu có thẩm quyền ký hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên là ai? Hiệu trưởng hay Giám đốc Sở? Nếu ký hay chấm dứt hợp đồng với đối tượng cán bộ quản lý của một trường học thì cơ quan nào có đủ thẩm quyền quyết định? Liệu quy trình này có dân chủ không, minh bạch không? Có là nguyên nhân chính dẫn đến “chuyên quyền” hay “lạm quyền” vì vụ lợi của Hiệu trưởng, Giám đốc không? Cơ quan nào sẽ giám sát quy trình này?
 
Theo tôi, việc trước mắt là Bộ GD-ĐT hãy làm tốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể rồi trên cơ sở đó hãy bàn tới việc có xóa bỏ biên chế giáo viên hay không.
 
Chuyên gia giáo dục Lã Minh Luận: Xóa bỏ biên chế giáo viên trường công sẽ chuyển thành “doanh nghiệp”
 
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc chuyển từ chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) là một căn cứ pháp lí thấu đáo (theo Luật Giáo dục, Luật Viên chức, Luật Lao động hiện hành). Với mô hình này, quyền tuyển chọn giáo viên thuộc về Hiệu trưởng và giáo viên có quyền lựa chọn môi trường làm việc của mình, qua đó tạo ra quy luật cạnh tranh, chọn lọc và đào thải lành mạnh, có vào, có ra, có lên, có xuống nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao đời sống giáo viên, tiến tới sự công bằng, dân chủ.
 
Theo tôi nghĩ, nếu chủ trương này được xã hội đồng tình và thực thi tốt thì đây là bước đột phá về nhận thức, về tư duy giáo dục; sẽ tinh lọc được đội ngũ giáo viên, làm thay đổi về chất, phá vỡ tính an phận và xé toạc tấm vé biên chế bảo hiểm suốt cuộc đời mà họ thường dựa dẫm, làm giảm nhẹ gánh nặng chi ngân sách cho Nhà nước. Nhưng nếu làm không tốt thì sẽ bị lợi dụng, nhất là những người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Họ lợi dụng chủ trương, chính sách để thanh trừng, loại bỏ giáo viên một cách tuỳ tiện vì một lí do nào đó, khiến số phận của người làm "nghề cao quý" vô cùng bấp bênh và trở thành người lệ thuộc tuyệt đối vào người đứng đầu.
 
Trong thực tế, chủ trương chưa thực hiện thì hiệu trưởng ở hầu hết các cấp cơ sở đã là "vua con", chưa xoá... mà có những giáo viên đã bị hiệu trưởng doạ cho ra "đứng đường" rồi. Vậy, đây có phải là sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng và dân chủ như Bộ trưởng nói không?
 
 Chủ trương và mục đích của Bộ xét về lí thuyết thì đúng, nghe tưởng nhẹ nhàng nhưng  đi vào thực tế thì không hề đơn giản. Nó không chỉ là vấn đề của giáo viên mà còn liên can đến học sinh và nhiều mối quan hệ khác. Vì nếu chủ trương này được thực hiện sẽ tạo ra thị trường lớn trong lĩnh vực giáo dục, tạo cơ hội lớn cho lợi ích nhóm. Trường lúc này không còn là trường công nữa mà gần như chuyển sang mô hình xã hội hoá, tương đương với một doanh nghiệp. Hiệu trưởng có đặc quyền từ tuyển chọn nhân lực cho đến thu - chi tài chính, thì ai dám đảm bảo rằng hiệu trưởng sẽ hoàn toàn công tâm, minh bạch, thật sự chiêu hiền đãi sĩ, từ chối các mối quan hệ gửi gắm và đặt lợi ích giáo dục lên hàng đầu?
 
Mặt khác, như trên đã nói, vấn đề không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống và số phận của giáo viên mà nó còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc đến trường của trẻ. Bộ trưởng nói trước mắt sẽ triển khai thí điểm ở bậc ĐH. Vậy, sau thời gian thí điểm, chuyển sang triển khai đại trà ở các bậc học khác thì sao? Trẻ đến trường sẽ phải đóng nhiều các khoản từ phí học cho tới các loại bảo hiểm, các loại xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị học liệu phục vụ cho học tập... Cho nên, nếu chủ trương này được thực hiện đại trà thì các em nhà nghèo sẽ ít có cơ hội đến trường.

Trung Thu (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.