Chàng và nàng nói sao cho phải?

Chia sẻ

PNTĐ-Chàng và Nàng là cách nói vui chỉ hai đối tượng làm nên một cặp uyên ương.Nhưng các cặp uyên ương kia nói năng, xưng hô như thế nào trong tiếng Việt là cả một “pho” từ điển sống động...

 
Chàng và Nàng là cách nói vui chỉ hai đối tượng làm nên một cặp uyên ương. Nhưng các cặp uyên ương kia nói năng, xưng hô như thế nào trong tiếng Việt là cả một “pho” từ điển sống động. Một nhà xã hội học nói  rằng: Quan hệ chàng và nàng có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Anh nói em nghe; Giai đoạn thứ hai: Em nói anh nghe và Giai đoạn thứ ba: Cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe. Dĩ nhiên, đó chỉ là một câu chuyện vui. Nhưng rõ ràng, cách xưng hô của mọi đôi lứa trong từng hoàn cảnh đã phản ánh phần nào các cung bậc tình cảm của họ.
 
Chàng và nàng nói sao cho phải? - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Anh và em và... người ta
 
Đa số các thống kê đều cho thấy cặp anh - em là cặp xưng gọi hay dùng nhất với các nam thanh nữ tú, từ tiền hôn nhân, trong hôn nhân cho đến... hậu hôn nhân. Trước hết, thường thì chàng trai hơn tuổi cô gái, đáng mặt anh. Hơn nữa, chàng trai vẫn được coi là chủ sự, phụ nữ luôn vào vai phụ. Vai phụ thì hơn đến đôi ba tuổi vẫn cứ là... em.
 
Cách xưng gọi anh - em vừa trung hoà, vừa có sắc thái thân tình, dễ nói. Dĩ nhiên, trước kia (và bây giờ nữa), ở các vùng nông thôn, người ta vẫn còn gặp cảnh các cặp vợ chồng xưng “tớ - cậu, tớ - mình”, thậm chí “mày - tao” như  là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng có lẽ, đi khắp từ Nam chí Bắc, ta vẫn thấy các đôi trai gái yêu nhau, các cặp vợ chồng trẻ, rồi các cặp vợ chồng già vẫn có thói quen “anh anh em em” ngọt như mía. Lẽ thường vẫn thế mà!
 
Nhưng lẽ đời có lúc lại không thế. Bởi cung bậc tình cảm của đôi nam nữ không phải lúc nào cũng ngân nga thánh thót như tiếng hoạ mi. Ngay cả khi đang yêu nhau, “cuộc đời vẫn đẹp sao” mà cũng không ít lần chưa vừa ý, giận dỗi, phụng phịu chứ nói gì đã nên vợ nên chồng “bát đũa cũng còn xô xát nữa là”. Khi đã không vừa lòng, sao cái từ anh - em kia lại trở nên xa lạ và đáng ghét thế:
 
- Hôm qua, sao đang xem phim lại bỏ về thế?
 
- Người ta vừa gửi xe xong đã gọi như ma đuổi ấy. Rơi mất cả một túi ô mai...
 
- Có thế mà đã lên mặt dỗi...
 
- Người ta thế đấy! Chẳng trách mình thì chớ...
 
Chàng thì “lờ” đi không chịu xưng hô. Nàng cũng chẳng phải tay vừa, xưng luôn “người ta” cho bõ tức. “Người ta” là ai thì cứ tuỳ ai hiểu. Hiểu mà ứng xử cho phải. Nhưng “người ta” dù sao vẫn còn đỡ. Có lúc, chẳng thấy “người ta” đâu nữa:
 
- Tôi mới nói thế mà sao cô đã lồng lên vậy? Đanh đá cá cày vừa vừa thôi nhé!
 
- Này, đằng này cứ đanh đá đấy. Ai không chơi được thì thôi...
 
Có thể nói, các cặp vợ chồng có vô vàn cách nói để thể hiện thái độ qua sự sáng tạo ngôn từ của họ. Rồi có khi chẳng cần xưng hô, họ cứ tỉnh bơ nói trống không: “Này, nói cho biết nhé, đừng lên mặt làm bộ làm tịch nữa đi.
 
Chẳng biết ai “tinh vi”!”. Cứ như thế. Lời nói ném đi thì nhẹ, ném lại thì nặng. Chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc đấu tay đôi của các chàng và nàng. Ở đó, thôi thì, muôn hình vạn trạng cách ứng khẩu “tài ba”. Khi yêu thương đằm thắm, thì hai tiếng  anh - em vang lên ngọt ngào thế. Hoặc có khi, họ cũng chẳng dùng đến “đại từ xưng hô” làm gì. Có khi xưng tên (Vũ đi cùng Hương nhé!). Cũng có khi không xưng cũng chẳng hô (Cứ để đấy, nghỉ cho đỡ mệt). Mọi chuyện vẫn cứ êm chèo mát mái. Họ hạnh phúc quá mà. Nhưng khi giận nhau, bất hoà, dằn giỗi thì lại có quá nhiều “biến thể”. Cả hai đều muốn tỏ rõ thái độ riêng cho “đối tác” biết mình đang không bình thường...
 
Văn hoá xưng hô? Cần nói sao cho phải!
 
Tất nhiên, những chuyện nói năng không hay như vậy cũng không nhiều. Nhịp sống các gia đình vẫn tuần tự trôi theo quy luật của cuộc sống. Bởi cuộc sống vốn đa dạng, nhiều hình nhiều vẻ. Sự xưng gọi có thể sẽ thay đổi khi trong nhà xuất hiện một “baby”. Hai vợ chồng son, thêm một con là bốn. Lúc ấy, tổ ấm đã xuất hiện con cái, bố mẹ, ông bà... Và hình như người ta không còn coi mình là “trung tâm” nữa:
 
- Mẹ cái Linh nay nghỉ buổi sáng được không?
 
- Thôi, bố đưa thằng Hiếu cho mẹ Huyền ẵm nào...
 
- Bố Tùng cứ để đấy cho em. Bố đưa bà sang chợ được không?
 
- Ái chà, mẹ nó mua được cái áo vừa quá nhỉ...
 
- Nhóc lớn rồi, mình lại đi học tiếp tiếng Anh chứ?
 
Như vậy, từ cặp anh - em, người ta chuyển hệ gọi nhau bằng bố - mẹ (có thêm tên con), hoặc bố - em, mẹ - anh, anh (em) - mình, bố nó - mẹ nó... Mỗi một cặp một sắc thái nghĩa, vừa lạ vừa dân dã đáng yêu. Càng đáng yêu hơn khi họ nói với nhau trước mặt con cái, bạn bè. Đó là một sự khẳng định vị thế mới của họ. Xưng gọi cũng là một cách hoà đồng.
 
Mà không phải bây giờ, ngày xưa ông cha ta cũng thế. Lối xưng anh - mình/ em - mình, thầy nó - bu nó/ thầy mày - bu mày, mẹ cái Tỉu - bố thằng Dần... đã quá quen thuộc với mọi nếp nhà ở các vùng quê. Giờ đây, cách xưng gọi anh - em vẫn chiếm ưu thế (ngay cả ông bà lão cũng xưng anh - em cơ mà!). Nhưng rõ ràng, tùy tình huống, tuỳ gia cảnh, tuỳ thói quen mà mỗi cặp vợ chồng có thể tìm cho mình cách nói thích hợp nhất. Bởi nói cho ta nhưng cũng nói để cho người khác nghe nữa. Qua cách họ ứng xử, ta thấy hiện lên nề nếp gia phong, thói quen phong tục, trình độ văn hoá của các cặp vợ chồng.Vậy nên phải chọn lối xưng hô sao cho thuận là một vấn đề liên quan tới cách ứng xử đậm chất văn hoá truyền thống dân tộc và văn minh giao tiếp thời hiện đại. Mình với ta tuy hai mà một/Ta với mình tuy một mà hai/Ông bà, con gái, con trai/Nói sao cho phải kẻo người ngoài cười chê.
 

PGS TS PHẠM VĂN TÌNH

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.