Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid

Chia sẻ

PNTĐ-Các gia đình khi sử dụng thuốc có chứa corticoid cần tuân theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ và theo dõi sát sao để đạt hiệu quả điều trị, tránh tác dụng phụ của thuốc.

 
Với tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, hoạt chất corticoid được chỉ định để chữa nhiều bệnh ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài và không đúng liều, corticoid có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
 
Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid - ảnh 1
Bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương thăm khám cho bệnh nhi Nguyễn T D (Ảnh: BVCC)

 
Thông tin từ bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn T.D (5 tuổi, trú tại Sơn La), nhập viện trong tình trạng béo phì, mọc lông và rậm lông vùng ria mép.
 
Theo gia đình kể lại, cháu D mắc viêm phế quản. Gia đình đã đưa cháu tới một phòng khám tư tại địa phương và được nhân viên y tế tại đây cho tiêm corticoid 4 ngày liên tục mỗi ngày 2 mũi không rõ liều lượng. Sau khi tiêm, bệnh nhi đỡ ho nhanh. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, tóc mọc thấp, xuất hiện ria mép.
 
Qua làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương kết luận cháu D bị suy thượng thận do sử dụng coritcoid. Lượng cortisol huyết thanh của trẻ giảm dưới 27.6 (ngưỡng bình thường 69-610), tuyến thượng thận không hoạt động. Đầu tháng 2/2018, khoa Nội nhi, bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng đã tiếp nhận một trường hợp bé gái gần 3 tháng tuổi mắc suy thượng thận cấp. Nguyên nhân do mẹ bệnh nhi tự ý nhỏ mũi cho con bằng thuốc nemydexan – một loại thuốc có chứa corticoid trong gần 2 tháng để chữa ngạt. 
 
Ths.Bs Đỗ Gia Nam, Phó trưởng khoa Nội tiết Người lớn, bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, corticoid nội sinh là một hormone do tuyến thượng thận bài tiết, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và cân bằng của cơ thể. Cơ thể sẽ bài tiết ra corticoid nội sinh đúng theo nhu cầu phát triển cơ thể với liều lượng rất chuẩn, không thừa, không thiếu. Y dược phát triển, việc tổng hợp corticoid có thể nói là một thành tựu lớn, đã và đang mang lại những giá trị cho việc phòng và điều trị bệnh.
 
Do corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên được chỉ định để chữa nhiều bệnh ở trẻ em như: dị ứng, sốc phản vệ (thường là sốc khi dùng thuốc do bị dị ứng gây tụt huyết áp), nổi mề đay, phù do dị ứng, bệnh ngoài da (chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng), hen phế quản, bệnh khớp (viêm đa khớp dạng thấp, thấp khớp cấp), bệnh thận (hội chứng thận hư), bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tiêu hóa (viêm gan mạn tính tự miễn), bệnh ác tính (bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, lymphomas, Hodgkin, u nguyên bào thận...), bệnh về máu (xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu tan máu tự miễn), hội chứng sinh dục - thượng thận (tăng sản thượng thận bẩm sinh)...
 
Tuy nhiên, theo Ths.Bs Nam, corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nếu dùng corticoid liên tục trong nhiều ngày hoặc quá liều có thể gây ra hội chứng Cushing (suy tuyến thượng thận do rối loạn nội tiết tố). Trẻ bị hội chứng Cushing dễ bị tăng cân, béo phì không cân đối, tích tụ mỡ ở phần bụng và mặt, sau gáy và cổ; rậm lông mi, tóc mai, râu, ria mép ở nữ; tăng huyết áp, trứng cá ở mặt, lưng; trẻ em gái đã dậy thì sẽ xuất hiện rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, âm vật to…
 
Tình trạng ức chế tuyến thượng thận còn làm da người bệnh càng ngày càng mỏng dần và rất dễ bị bầm tím. Những vết căng giãn màu đỏ tía xuất hiện dưới da. Các vết đứt tay, chảy máu hoặc vết côn trùng cắn rất lâu lành. Khuôn mặt bệnh nhi trở nên tròn như mặt trăng, kèm theo tình trạng mệt mỏi, yếu cơ. Bệnh nhi thậm chí có thể bị huyết áp thấp hoặc tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, hạ kali máu (bệnh nhi sẽ bị yếu cơ, có thể loạn nhịp tim).
 
Corticoid còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn (lao phổi, nấm da, zona, thủy đậu...), loãng xương (xương bị mất chất vôi, mỏng dần nên rất dễ bị gãy), rối loạn thần kinh (mất ngủ, nóng nảy, kém chú ý, cơn hưng phấn hay trầm cảm)… Ngay cả thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid khi dùng cho trẻ em để tự chữa bệnh chàm thể tạng cũng có thể gây tác hại cho trẻ như teo da. Bên cạnh đó, việc một số cha mẹ lạm dụng thuốc có chứa corticoid để chữa các bệnh liên quan đường hô hấp cho trẻ như: ho, ngạt mũi… sẽ làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh và suy giảm miễn dịch ở trẻ. 
 
Vì vậy, Ths.Bs Nam khuyến cáo, các gia đình khi sử dụng thuốc có chứa corticoid cần tuân theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ và theo dõi sát sao để đạt hiệu quả điều trị, tránh tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời, khi thấy người bệnh có các dấu hiệu bất thường trong cơ thể sau khi sử dụng thuốc có chứa corticoid cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín.
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.