Lớp có 100% học sinh giỏi
PNTĐ-Những ngày qua, khi việc công nhận ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 trở thành đề tài bàn tán của dư luận, là một PGS - giảng viên ĐH - tôi thực sự rất đau đớn, xót xa.
Kết thúc năm học vừa qua, cả lớp của con tôi không có học sinh tiên tiến mà 100% đều là học sinh giỏi. Đi họp cuối năm, nhiều cha mẹ học sinh khi nghe cô giáo thông báo điều này cũng… không khỏi ngỡ ngàng.
- Vẫn biết cha mẹ nào cũng muốn con đạt thành tích cao, nhưng, như con tôi mà được học sinh giỏi thì quả là… chưa xứng đáng - một mẹ ngồi cạnh tôi thì thầm.
Còn tôi thì nhớ đến hồi mình cũng đi học, sau mỗi năm học, cả lớp chỉ có 2-3 học sinh giỏi, đa số là học sinh khá, còn lại là học sinh trung bình và yếu. Bây giờ thì ngược lại, tìm ra một học sinh tiên tiến quả là hiếm hoi.
Tôi đã không phải chờ đợi sự giải thích lâu, khi mà ngay sau đó, cô giáo cho biết:
- Thú thực, chúng tôi đã phải châm chước khá nhiều thì con em chúng ta mới có kết quả như vậy. Nhưng, không làm vậy thì các con khó có học bạ đẹp để tuyển sinh vào cấp 3. Vậy, xin ý kiến của cha mẹ học sinh về việc cô giáo có nên dơ cao đánh khẽ không?
Tất nhiên, chúng tôi đều dơ tay đồng tình, ngay cả bà mẹ ngồi bên cạnh tôi. Chị ý nhìn tôi phân trần: “Đúng là khó thật chị ạ. Mình muốn con được đánh giá thật mà không dám. Chị xem đấy, nhiều trường cấp 2 cũng chỉ tuyển HS đạt toàn điểm 9 trở lên trong suốt 5 năm tiểu học; cháu nào chỉ bị 1 điểm 8 năm lớp 1 coi như… hết cơ hội. Vào cấp 3 cũng vậy, có hồ sơ đẹp là thế mạnh của con. Khi các trường còn nhìn vào học bạ để đánh giá học sinh thì nhà trường, gia đình buộc phải làm đẹp chúng bằng những con số”.
Tôi cứ tưởng tình trạng “lạm phát học sinh giỏi” chỉ diễn ra ở trường con tôi. Hóa ra bạn tôi là giáo viên kể bây giờ đi dạy, khó nhất không phải là lớp đạt tỷ lệ học sinh giỏi mà là hoàn thành tỷ lệ có học sinh tiên tiến. Nhiều đồng nghiệp ở cơ quan tôi cũng có chung nhận xét tương tự. Chị kể ở lớp của con chị còn tồn tại hai bảng điểm. Một bảng điểm thật phát tay để cha me biết con học ở mức nào còn một bảng điểm đẹp... ghi trong học bạ. Nghe vậy, một chị khác tỏ ra ghen tị: “Ít ra cô còn cho cha mẹ biết điểm thật để đánh giá năng lực của con. Đằng này, con mình năm học nào cũng đạt học lực giỏi nên mình không biết con trình độ thật sự ở mức nào để giúp con”.
Quả nhiên như vậy, trong khi học sinh giỏi nở rộ nhưng có nghịch lý là sau mỗi kỳ chuyển cấp, thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, nhiều trong số các học sinh giỏi này lại có điểm bài thi cực thấp. Có lẽ, chỉ tới khi phải “tỷ thí” công bằng mà không có người che chắn thì sức học thật của các em mới phát lộ.
Người mẹ ngồi cạnh tôi nói: Hè này, tôi sẽ âm thầm cho con đi học lại kiến thức bị hổng vì rõ ràng, sức học của con chưa được tốt. Còn tôi thì lo không biết với kiểu bùng phát học sinh giỏi “ảo” như thế này, chất lượng giáo dục của chúng ta rồi sẽ đến đâu?
Ngọc Hà