Thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018)

 
Ngày 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
 
 
Thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững - ảnh 1
Đồng chí Trần Đại Quang -  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (đứng giữa) thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị và đoàn thể chính trị - xã hội của TP Hà Nội… 
 
Kinh tế tăng trưởng nhanh, thu nhập người dân tăng 2-3 lần
 
Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 15, Thủ đô có quy mô diện tích tăng 3,63 lần; dân số tăng gấp 1,5 lần cùng hàng ngàn làng nghề, di tích lịch sử, nền văn hóa đặc sắc Thăng Long - xứ Đoài và nhiều nền văn hóa khác… Đây là những điều kiện để Thủ đô thực hiện tái cơ cấu không gian KTXH, gia tăng nguồn lực tiềm tàng tạo tiền đề, nền tảng để phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững. 
 
Mặc dù có nhiều vấn đề khó khăn, mới mẻ, thách thức và cả những băn khoăn, lo lắng đặt ra; khối lượng công việc sau hợp nhất rất lớn, song với ý thức trách nhiệm trước Trung ương và nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm: “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: Tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.
 
Nhiều chỉ tiêu quan trọng như quy mô GRDP, thu ngân sách, huy động vốn đầu tư xã hội… tăng từ 2-3 lần so với 10 năm trước. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; Hà Nội được xếp trong top 10 TP năng động nhất thế giới. Không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới cho TP. Hạ tầng đô thị, cây xanh cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt. Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hoá xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa… 
 
Mục tiêu cao nhất trong đẩy mạnh phát triển KTXH là để chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là kết quả tự hào mà Hà Nội đã đạt được trong 10 năm qua. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Với sự quan tâm đầu tư đặc biệt của TP, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt. Đến nay, đã có 4 huyện và 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn Nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đạt 43,1 triệu đồng/người/năm; gấp 4,5 lần so với năm 2008. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác an sinh xã hội.
 
Sau khi sáp nhập, TP tập trung đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm; hoàn thành sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học tạm, xuống cấp, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 62%. Đã có gần 8.600 ngôi nhà cho người có công được xây dựng và sửa chữa; năm 2018 TP tiếp tục hỗ trợ xây sửa hơn 4.000 nhà cho người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% (năm 2008) xuống còn 1,69% (năm 2017), TP không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại như: kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn… Để giải quyết tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. 
 
Tiếp tục phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh 
 
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đã được nghe đồng chí Bùi Duy Nhâm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đại diện cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô và bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), đại diện các tầng lớp nhân dân lao động Thủ đô phát biểu về thời điểm Thủ đô thực hiện nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho cách đây 10 năm và những suy nghĩ, cảm tưởng của mình trước những thành tựu mà TP đã đạt được.
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt chiều dài hơn ngàn năm hình thành và phát triển với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính. Nhưng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đây là một yêu cầu tất yếu, khách quan để khắc phục hiệu quả những bất cập trong quá trình phát triển, thực hiện những mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Thành công lớn nhất của Hà Nội chính là đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đó vừa là kết quả có ý nghĩa quan trọng, đồng thời là điều kiện tiên quyết để Thủ đô đạt được những thành tựu trên mọi lĩnh vực. Công tác tổ chức, cán bộ được Hà Nội chọn là khâu đột phá đã tạo nên những bước chuyển tích cực. Đặc biệt, Trung ương đánh giá cao các kết quả trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Thủ đô. “Tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo TP, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, về tôn giáo, nhất là có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý quy hoạch, lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng...”. 
 
Biểu dương những kết quả Hà Nội đã đạt được, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, các cấp, các ngành, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền TP cần nghiêm túc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Hà Nội cần đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực. TP cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành và các địa phương.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.
 
 
Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
 
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội sau 10 năm hợp nhất, đồng chí Trần Đại Quang -  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, niềm vinh dự to lớn, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần quý báu góp phần làm vẻ vang thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô. 
 
 
Hạnh Lê 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.