5 nhiệm vụ “nóng” của giáo dục Thủ đô
PNTĐ-Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI...
Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Vũ Hồng Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố.
![]() |
Bí thư Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Đơn vị dẫn đầu cả nước về GD-ĐT
Báo cáo của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 29, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả toàn diện và là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GD-ĐT. Trong giai đoạn 2013 - 2018, TP đã triển khai được 952 dự án cải tạo và xây mới trường học với kinh phí gần 20.400 tỷ đồng. Đến nay toàn TP đã công nhận 16/20 trường chất lượng cao (đạt 75% kế hoạch). Tính hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn TP đã đạt 52%; toàn thành phố đã công nhận 16/20 trường chất lượng cao. Đặc biệt, 5 năm qua, hệ thống giáo dục trường tư thục trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh.
Năm 2018-2019, Hà Nội có 520 trường tư thục với gần 255.000 học sinh và trên 28.000 giáo viên. So với 5 năm trước đã tăng 145 trường học, tăng 127.518 học sinh, tăng 13.423 giáo viên và tăng 7.779 phòng học; Hà Nội cũng đã nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, hiện có 77 dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Thành phố cũng quan tâm ứng dụng KHKT, CNTT trong mọi lĩnh vực; thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư cho GD-ĐT Thủ đô, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phát huy giáo dục mũi nhọn…
Tuy nhiên, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của TP Hà Nội cũng chỉ rõ những khó khăn mà Hà Nội đang phải đối mặt trường lớp phân bố không đồng đều, còn tình trạng thiếu trường, lớp học cục bộ; cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập còn thiếu thốn; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng; định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đã tăng so với giai đoạn trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chi cho các hoạt động giáo dục ở các nhà trường…
Đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực GD-ĐT, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới, Thành ủy Hà Nội cần quan tâm hơn nữa tới đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp học; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, giảm áp lực học tập cho học sinh; chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề; tăng cường đổi mới đội ngũ giáo viên đạt cao hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước…
Sớm khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng đào tạo
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những đóng góp, nỗ lực mà các cấp, các ngành, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô vào sự nghiệp GD-ĐT trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng trong 5 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vì thế, Bí thư thành ủy đề nghị, tới đây, Hà Nội cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
- Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 29. Cụ thể, phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thủ đô và sự vận động không ngừng của xã hội để tạo sự đồng thuận cao; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục.
- Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu; tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo, năng lực, chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên;
- Thứ ba, bố trí đủ nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo; tiếp tục ưu tiên kinh phí thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2025 và tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp của các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập hiện có trên địa bàn TP.
- Thứ tư, phối hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh; nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển giáo dục; thực hiện lộ trình tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
- Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác này ở trong và ngoài nhà trường; tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác định hướng, phân luồng; chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội để tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Hoàng Lan