Bình yên phố phường Hà Nội

Chia sẻ

PNTĐ-Dù có vội vã bao nhiêu, có ồ ạt bao nhiêu, Hà Nội vẫn có những khoảng bình lặng ở đâu đó trong cuộc sống...

 
Dù rằng, cuộc sống đô thị ngày càng chuyển động nhanh, công việc và nhiều sự cạnh tranh trong đời sống đã làm cho sự năng động của con người, con phố ngày càng được đẩy lên cao. Thế nhưng, dù có vội vã bao nhiêu, có ồ ạt bao nhiêu, Hà Nội vẫn có những khoảng bình lặng ở đâu đó trong cuộc sống, bình lặng về nhịp độ, bình lặng ngay cả trong cách đối nhân xử thế của người Hà Thành. 
 
Bình yên phố phường Hà Nội - ảnh 1

 
Chẳng có sở cứ nào để minh định ra sự thanh lịch gắn liền với người Hà Nội từ thủa nào. Chỉ biết rằng, từ xa xưa dân gian đã có câu “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất lịch, nhất sắc, kinh kì,Thăng Long”.
 
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho rằng “thanh lịch” có nghĩa là “thanh nhã, lịch sự”. Còn nhà nghiên cứu văn hoá Hoàng Đạo Thúy giải thích hai từ “thanh lịch” rằng: Người Tràng An là người kinh kì “thanh”, không tục, không thô lỗ, “lịch”, lịch thiệp, lịch sự. Thanh lịch là cái phong cách sống của người Hà Nội.  
 
Trải qua nhiều thế hệ, nét thanh lịch đó không còn giữ được phong vị nguyên bản, nhưng vẫn là mạch máu ngầm bền bỉ trong tim mỗi người Hà Nội. 
 
Nếu thanh lịch là căn cốt bên trong của con người, của gia đình thì bề ngoài rộng lớn của Hà Nội lại ôm ấp hình thành một nếp sống bình lặng. Dù không phải bao giờ cũng bắt gặp giữa cuộc sống bộn bề. 
 
Trên nhiều lề phố, vẫn có các cụ già thảnh thơi đánh cờ, sáng sáng ở nhiều công viên vẫn có những cụ cao niên dìu nhau những điệu nhảy trong tiếng nhạc du dương, rồi những quán trà đá như một đặc trưng của Hà Nội. Thậm chí, người ta còn trân trọng dành cho nó một từ để miêu tả: Thông tấn xã vỉa hè. 
 
Từ đây, nhiều câu chuyện trong nhà ngoài ngõ, từ phố cho đến tận nước bạn xa xôi cũng được cập nhật. Trà đá bình dân nhưng khách hàng không phải khi nào cũng bình dân, đôi khi là bác lao công, anh thợ thồ, đôi khi cũng có cả những người bóng bẩy... 
 
Một chuyên gia nước ngoài khi được hỏi ấn tượng của ông ở Hà Nội đã nói ngay đến vỉa hè. Một nơi mà ông gọi đó là sự cộng sinh hòa hợp của rất nhiều người. Nơi đó có đầy đủ dịch vụ, đầy đủ con người với nhiều ngành nghề mưu sinh khác nhau. 
 
Giữa những xao xác thị thành, giữa những cuộc tranh luận không hồi kết thế nào là người Hà Nội gốc thì Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn ở nước ta cũng là nơi cư ngụ của người tứ xứ đổ về trong cuộc mưu sinh chật vật. 
 
Bình yên phố phường Hà Nội - ảnh 2

 
Từ trong tính cấu kết rộng lớn này, người với người cũng dễ bao dung với nhau hơn. Rộng hơn là bao dung phố. Cũng là một chốn mưu sinh, nhưng đất lành chim đậu, chỉ nơi nào đem đến được cho con người bình yên và phát triển nơi đó mới trở thành nơi chốn để gắn bó. 
 
Rất nhiều câu chuyện về nghĩa tình phố đã được kể lại, như một mạch nguồn lặng lẽ. Đó là một người phụ nữ dáng tảo tần đi thu gom đồng nát, những thanh thép dài choán hết cả chiếc xe đạp cà tàng của chị. Trong một lối chật ở phố, chị chẳng may bị kẹt giữa đường đi. Không may những thanh sắt đó cứa vào thành bên một chiếc xe hơi sang trọng. Người phụ nữ điều khiển xe bước xuống lớn tiếng trách mắng rồi bắt đền chị với một số tiền lớn.
 
Không đủ sức để cãi tay đôi, người phụ nữ từ nông thôn ra phố đó bật khóc nức nở. Bất giác, một người đàn ông len vào gần rồi rút ra 500 ngàn đồng sau đó quay ra nói với mọi người, thôi thì ai có góp mỗi người một ít đỡ cho chị ấy. Nhiều người trên đường mỗi người một ít rút ra đắp lên tờ 500 ngàn của người đàn ông xa lạ.
 
Chứng kiến diễn biến ấy, người phụ nữ trên chiếc ô tô sang trọng đã lên xe và từ chối nhận số tiền đền bù từ sự quyên góp đó. Số tiền cuối cùng đã được cho người phụ nữ buôn đồng nát trong sự ngỡ ngàng của chị. 
 
Tính cách của người Hà Nội không chỉ thể hiện ở cách giao tiếp ngoài cuộc sống mà còn được bộc lộ cả trong ẩm thực. Từ lâu, người Hà Nội đã coi việc chế biến các món ăn trở thành tác phẩm nghệ thuật. Bởi thế mới có những món ăn mà dù có được chế biến ở đâu đi nữa, cảm giác ăn tại Hà Nội với vị Hà Nội vẫn là một thứ không lẫn vào đâu được. 
 
Những phở, bún thang, bún ốc, chả cá, bánh cuốn Thanh Trì, chè kho, cốm vòng, bánh tôm Hồ Tây… đã đi vào tiềm thức của nhiều người Hà Nội và trở thành những thứ nhất định phải thử của người phương xa. 
 
Người Hà Nội trong cuộc sống vội vàng hiện đại vẫn giữ được nét văn hóa ứng xử không xô bồ. Vừa trang nhã, vừa chân thành lịch thiệp. Rất nhiều những yếu tố như thế đã góp phần tạo dựng nên cho Hà Nội, thành phố Vì hòa bình  những sự kiến tạo bền vững. Đến với Hà Nội là đến với sự thanh bình, từ mảnh đất đến con người.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.