Đừng để tan cửa nát nhà vì mạng xã hội

Chia sẻ

PNTĐ-Lên mạng xã hội học cách đánh ghen, quản lý chồng/vợ, xử lý tình địch, dạy con, đối phó với mẹ chồng, ứng xử với nhà vợ, nhà chồng... đang là xu thế của không ít công dân thời @...

 
Lên mạng xã hội học cách đánh ghen, quản lý chồng/vợ, xử lý tình địch, dạy con, đối phó với mẹ chồng, ứng xử với nhà vợ, nhà chồng... đang là xu thế của không ít công dân thời @. Đối với một bộ phận, mạng xã hội là “kim chỉ nam” trong cuộc sống, ở đó chỉ dẫn cho họ muôn vàn cách sống, ứng xử để giải quyết các vấn đề của gia đình hay bản thân đang gặp phải.
 
Đừng để tan cửa nát nhà vì mạng xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Nở rộ hội nhóm tư vấn chuyện nhà 
 
Chỉ cần bạn có một tài khoản xã hội, facebook, zalo là có thể được gia nhập dễ dàng vào các hội, nhóm trên mạng xã hội. Nó được kết nối bởi sự mời gọi theo sự kết nối chân rết từ các tài khoản bạn bè trên mạng, thậm chí bạn có thể được tự động thêm vào hội, nhóm nào đó mà mình không hề biết. Vì thế, trên trang cá nhân của bạn vẫn thường được các hội, nhóm tag vào ngẫu nhiên hàng ngày. Sự tiện lợi và tiếp nhận thông tin theo chiều hướng bị động ngoài sự kiểm soát của mình đang khiến cho nhiều người bị mạng xã hội chi phối mạnh mẽ. Không ít người nghiện mạng xã hội đến không thể sống nếu thiếu nó.
 
Là một bà mẹ bỉm sữa, Thúy (Ba Đình, HN) quanh quẩn ở nhà chăm sóc con, lo nội trợ. Mục đích gia nhập mạng xã hội đầu tiên của cô là để giao lưu với bạn bè giải trí sau những giờ chăm con vất vả. Sau đó, Thúy phát hiện trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm truyền thụ kinh nghiệm nuôi con, quản lý chồng, kiếm thêm thu nhập khi làm mẹ bỉm sữa ở nhà. Cô bèn gia nhập, đến nay cô là thành viên của gần 30 hội nhóm đủ các thể loại, tầng lớp trên mạng xã hội. Mỗi ngày, sự tương tác của các thành viên trong các hội, nhóm ấy khiến cô thấy cuộc sống trở nên sôi động náo nhiệt hẳn lên.
 
- Với mình, mạng xã hội đã thu nhỏ cả thế giới vào tầm tay của mình. Không có thứ gì, chuyện gì mà mạng xã hội không biết, nó cung cấp thông tin nhanh và ngay tức thì. Từ cách nuôi con thế nào cho tốt của hội mẹ bỉm sữa, hội nuôi con bằng sữa mẹ, nhóm nuôi con không gian nan... đến chuyện quản lý chồng thế nào của hội các bà vợ, chuyện mẹ chồng, con dâu... Vào đó, mình sẽ tìm được những cái mình cần, rút kinh nghiệm từ những "bài học" để đời của các thành viên đã từng thất bại hoặc thành công... Tóm lại, mình bị mê hoặc bởi mạng xã hội - Thúy kể. 
 
Thúy chỉ là một trong số hàng triệu mẹ bỉm sữa thời @, ngồi một chỗ tìm học cách nuôi con, quản lý chồng của tất cả mọi phương pháp trên thế giới mà mạng xã hội truyền tải lại. Không ít người như Thúy tin vào mạng xã hội một cách tuyệt đối. Để rồi, họ mặc định xem mạng xã hội giống như "giáo sư google biết tuốt" mà mình có thể tin tưởng làm theo. 
 
Từ lúc nào, vô số chuyện nhà được các đăng tải lên mạng xã hội để tìm sự tư vấn, cách giải quyết vấn đề. Một thành viên nào đó đang buồn bực chuyện chồng đêm nay nhậu say về muộn, ú ớ nói mơ vài câu "là lạ" cũng lập tức được đăng lên mạng xã hội để hỏi xem có phải triệu chứng ngoại tình của chồng. Hay, hôm nay, một cô con dâu đi làm với tâm trạng buồn bực với mẹ chồng cũng được đăng vào nhiều rất hội nhóm để giải tỏa... Và rồi, cũng từ lúc nào các thành viên trong các hội, nhóm ấy đều trở thành "chuyên gia tư vấn" chuyện hôn nhân, gia đình. Bất kể cách ứng xử của mình bên ngoài có tác dụng hay không, họ đều chia sẻ xem đó là cách ứng xử hay nhất. 
 
Tôi đã từng biết có cô vợ hôn nhân đổ vỡ do coi thường chồng làm không ra tiền, xem nhà chồng như cỏ rác nhưng lại trở thành "chuyện gia" trên mạng xã hội tư vấn cho các chị em nên giữ gìn hôn nhân như thế nào. Hay, trường hợp anh chồng là thủ phạm gây bạo lực gia đình nhiều lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở, xử phạt hành chính nhưng trở thành "người chồng lý tưởng" trên mạng xã hội với các bức ảnh gia đình hạnh phúc, yêu vợ thương con dối lừa dư luận mạng xã hội. Thậm chí, anh ta còn được không ít chị em tung hô, xin bí quyết làm chồng, làm cha hoàn hảo của anh ta để mang về cho chồng mình học tập. 
 
Đừng mang chuyện nhà lên "đẽo cày giữa đường" trên mạng xã hội
 
Lâu nay, gia đình vẫn được mọi người nhìn nhận theo kiểu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Vì vậy, chuyện gia đình nhà nào thì chỉ có nhà ấy mới hiểu được, sự điều chỉnh các vấn đề phải bắt nguồn từ chính những người trong cuộc. Nếu bế tắc, có thể nhờ những người có uy tín trong gia đình, họ hàng, cơ quan, đoàn thể tháo gỡ, giúp đỡ. Bởi chỉ có họ mới trực tiếp, tiếp xúc với vấn đề của gia đình người đang bế tắc, gặp khó khăn, hiểu được bản chất của sự việc đến đâu mới có thể đưa ra những tư vấn đúng đắn.
 
Đừng để tan cửa nát nhà vì mạng xã hội - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Cách giải quyết ấy phải phù hợp với hoàn cảnh của gia đình người trong cuộc. Người xa lạ, người đứng ngoài cuộc sống ở trong hoàn cảnh khác, môi trường khác thì không thể đưa ra cách xử lý đúng và phù hợp nếu chỉ thông qua một câu chuyện, tâm sự của chủ nhân trên mạng xã hội. 
 
Bởi vậy đã có rất nhiều trường hợp mang chuyện nhà lên "đẽo cày giữa đường" trên mạng xã hội. Họ vốn dĩ mong muốn mang chuyện nhà mình lên mạng để tìm được sự tư vấn giải quyết vấn đề. Nhưng chính sự tư vấn trên mạng xã hội lại khiến họ rơi vào tình cảnh "trở đi mắc núi trở lại mắc sông", thậm chí tan cửa nát nhà. 
 
Tôi có một cô bạn nghiện mạng xã hội, luôn lên đó tìm các giải pháp cho các vấn đề trong gia đình. Một ngày, chồng cô ngoại tình bên ngoài. Cô điều tra biết được chồng cô đã lén mua nhà cho vợ bé con riêng gần một năm nay. Để tìm cách xử lý cả chồng lẫn tình địch, cô đăng lên mạng xã hội hỏi cộng đồng mạng. Và, cô nhận được lời khuyên của đông đảo cộng đồng mạng là nên đến tận nơi dạy dỗ cho cô vợ bé kia một bài học, quay clip tung lên mạng xã hội để cả thiên hạ biết được việc giật chồng, phá hoại hạnh phúc của cô ta. Cô bạn tôi liền lập một hội đánh ghen gồm có cô em chồng, em trai mình và đứa con lớn.
 
Bữa đó, cô vợ bé kia bị cả nhóm xúm vào lột đồ trần truồng, đánh đập không nương tay, quay lại clip tung lên mạng. Chỉ mấy phút đăng lên cô nhận lại được sự tung hê của cộng đồng mạng, khen cô xử đẹp tình địch, chồng cũng khiếp vía không dám làm càng. Không ngờ, mấy ngày sau, cô bạn tôi bị công an triệu tập do nạn nhân gửi đơn tố cáo sự việc lên cơ quan chức năng.
 
Bằng chứng kiến cô đối diện với hành vi vi phạm pháp luật, cố ý gây thương tích, xúc phạm danh dự người khác lại chính là clip mà cô quay lại tung lên mạng xã hội. Chồng cô sau vụ đó cũng bị xử lý vì tội vi phạm luật Hôn nhân gia đình. Nhưng điều quan trọng hơn là hôn nhân của cô rơi vào ngõ cụt. Chồng cô chính thức gửi đơn ly hôn ra Tòa sau sự cố đó.
 
Mạng xã hội không xấu nhưng sự định hướng dư luận của mạng xã hội không phải là chuẩn mực hoàn toàn. Nó cần được kiểm chứng rõ ràng bởi những lời tư vấn, hướng dẫn trên đó không phải đều do những người có hiểu biết, trình độ. Vì vậy, chúng ta không nên đem chuyện riêng, chuyện cá nhân, đặc biệt là những mâu thuẫn gia đình lên chia sẻ trên mạng xã hội. Trừ trường hợp chuyện đó xảy ra vô cùng nghiêm trọng cần được dư luận lên tiếng để các cơ quan vào cuộc xác minh, giải quyết. 
 
Với chuyện gia đình, khi có vấn đề, các thành viên nên ngồi lại với nhau, hoặc tìm sự trợ giúp từ những người thân, người quen biết bên cạnh có uy tín, hiểu chuyện. Không nên chia sẻ lên mạng xã hội và giải quyết theo sự tư vấn trên đó. Bởi cũng như trên đã nói, vụ việc chỉ được giải quyết đúng trọng tâm khi người ta thật sự hiểu đúng vấn đề, đặt nó trong bối cảnh gia đình, chứ không phải theo hiệu ứng đám đông.
 
 
Nguyễn Huyền

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.