Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo

Chia sẻ

PNTĐ-Trong hơn 20 năm làm báo toàn tâm và liên tục của tôi, có lẽ, chưa bao giờ người cầm bút đứng trước nhiều áp lực và cám dỗ như bây giờ...

 
Thử thách về sự lấn lướt của mạng xã hội, nỗi cam go của báo giấy bên bờ vực teo tóp thị phần từng ngày. Và nhiều khó khăn khác nữa. Nó khiến nhiều người làm báo đứng trước ngã ba đường của sự chuyển nghề, của sự đổi đời vào cái tặc lưỡi để “dòng đời xô đẩy”.
 
Thiện lành nhất, có lẽ là việc nhiều người nghĩ, thôi thì “cơm áo không đùa với khách thơ”, ta xếp bút nghiên, tìm một sinh kế khả dĩ - cốt sao không bị đạo đức, luật pháp lên án là được. Sự chuyển dịch âm thầm và trên diện rộng này, không dễ nhìn thấy bằng sự tha hóa hay bằng một cái gì đó như kiểu án tù cho nhà báo nhận hối lộ. Nhưng sự cay đắng thì cũng gần giống nhau.
 
 
Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo - ảnh 1
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong buổi ra mắt bộ sách mới tháng 5/2019

 
Có lần, tôi được mời giảng ở một khóa học gồm 400 Hiệu trưởng các nhà trường về khủng hoảng truyền thông, một nhà giáo tâm huyết đã mạnh dạn hỏi: “Lúc có loạn mới biết anh hùng, bây giờ mà ai còn trụ lại rồi say sưa với nghề, thì mới là đáng quý. Vậy, xin hỏi, phẩm giá của người làm báo thể hiện ở điểm nào?”.
 
Cuộc tranh luận nổ ra quyết liệt hơn, khi một cô Hiệu trưởng ấm ức, có dịp, một ngày tôi phải tiếp đến 12 phóng viên, nhà báo, họ lần lượt và trịnh trọng đến, miệt mài truy vấn các khoản thu đầu năm và đòi xem hóa đơn tài chính nhập rau, nhập thịt vào bếp ăn từng bữa ra sao. Sau đó chẳng có bài nào được in trên báo cả. Họ có băng nhóm, “phím” cho nhau lần lượt đến, khi có dấu hiệu “gõ ra tiền”. 
 
Tôi đem câu hỏi về phẩm cách của người cầm bút trong thời này ra hỏi ở một lớp báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Các nhà báo nói nhiều về khát vọng làm một cái gì đó hữu ích cho cộng đồng. Nếu chỉ duy nhất cầm bút viết báo vì lý do mưu sinh, thì tôi nghĩ, nếu có nghề nào kiếm ra tiền hơn, họ sẽ bỏ nghề báo ngay. Vấn đề là làm sao vẫn lo cơm áo, gạo tiền mà vẫn có được nhiều tác phẩm lay động lòng người, đem lại những chuyển biến tích cực và quyết liệt cho hiện thực nhiều lúc còn lấm láp, lầm than hay bất công kia.
 
Khi một bài báo cứu nhiều mạng người, đem lại sự minh bạch cho cộng đồng và cởi bỏ nhiều oan khuất, thì người cầm bút lâm vào một cái sự râm ran không gì sung sướng và hưng phấn bằng. Họ chợt tin rằng, đúng, báo chí hóa ra là quyền lực thứ tư trong xã hội thật. Làm một cái gì đó hữu ích cho Đời - đó là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của người cầm bút. Tố cáo một loại tội phạm, một loại hiểm họa mới; điều tra, đề nghị bắt giữ, xử tù và trục xuất kẻ xấu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cùng kiến nghị sửa luật để toàn bộ dân chúng được bảo vệ bởi cái Đạo Luật có vai trò quan trọng bậc nhất mà nước nhà từng có được kia. Đây có thể gọi là thiên chức đầy kiêu hãnh của báo chí.
 
Có lần, một đồng nghiệp của tôi phải thốt lên: “Niệm khúc cho danh dự của người cầm bút”. Bởi anh ta đã bảo vệ quyền lợi cho một cựu binh thiệt thòi và oan khuất suốt nhiều năm. Vị cựu binh từ chiến trường đánh Mỹ trở về với các chiến công như bắn B41 diệt một trận 5 xe tăng và xe bọc thép của địch. Mảnh đạn găm đầy người, tai ù điếc, chất độc hóa học nhiễm trong cơ thể, 7 lần sinh con thì 6 cái quái thai và những đứa trẻ yểu mệnh ra đời.
 
Sau khi bài báo được in, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ, xin xác nhận, bí mật “điều tra ngược” tố cáo nhà báo kia viết không chính xác, không trung thực, quy chụp làm người dân hoang mang, nói xấu phong trào đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, bịa tạc sự đau khổ bệnh tật của cựu binh và gia đình đang “lao động và học tập bình thường”. 
 
Mọi “phản pháo” đều có báo cáo, xác nhận, hồ sơ kèm theo đầy đủ. Văn bản được gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, ủy ban các cấp tỉnh huyện xã và dĩ nhiên là Ban biên tập tòa báo của chúng tôi. Thông tin về “các vị tướng” - đồng đội của cựu binh kia “cũng bức xúc vì loạt bài báo” tiếp tục được tung ra để tạo dư luận.
 
Tuy nhiên, sự thật thì chỉ có một. Sau thời gian dài trở lại vùng đất mà vị cựu binh đang gây “ầm ĩ dư luận” kia để củng cố hồ sơ, bí mật ghi hình các nhân chứng và vạch mặt kế hoạch “phản công trên diện rộng” của cơ quan chức năng sở tại, các cuộc đối chất đã được tổ chức. Tài liệu được hai bên công bố và “vả” nhau chan chát, hơn 10 ban ngành của tỉnh đó đã đối chất với nhóm nhà báo, trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và giới truyền thông. Cuối cùng, thì tháng 4 năm 2018, vị cựu binh oan khuất đã chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Ông tên là Nguyễn Xước Hiện.
 
Thử hỏi, bạn tôi đã chiến đấu vì cái gì? Vì sự thật và vì danh dự của người cầm bút đang bảo vệ sự thật đó. Rồi tự sự thật lên tiếng giải oan cho một người hùng nửa thế kỷ lầm than vì bị lãng quên. Và câu chuyện ở đây đang chuyển sang cái nhận thức của người cán bộ địa phương trong ứng xử với nhà báo.
 
Ở đâu đó và đôi khi, người ta nghĩ rằng cứ dùng “báo cáo” của cơ quan có chức năng, rồi lớn tiếng kêu kiện báo chí lên tỉnh, lên Bộ và lên các cấp cao hơn là nhà báo sẽ sợ. Là sự thật sẽ bị lấp liếm kiểu “cả vú lấp miệng em”. Xin thưa, sự thật chỉ có một. Và với nhà báo tử tế, thì không có lý do gì để họ bảo vệ một cái điêu trá hay tạo dựng sự kiện “biến có thành không, biến không thành có”. Khi không lý giải được động cơ đê hèn hay xôi thịt của nhà báo trong vụ việc trên, thì cần phải có nhận thức đủ dùng để tin rằng, nhà báo - họ công bố tài liệu vì muốn bảo vệ sự thật. Bảo vệ người yếu thế. Và họ đã đứng về phe nước mắt trong các “cuộc chiến” dạng này. 
 
Trong ngành tòa án, người ta có án lệ, có các vụ xử điểm. Trong ứng xử với báo chí, ở nhiều địa phương, không ít cán bộ hữu trách vẫn nghĩ là mình có đủ quyền và trình độ để chỉnh huấn nhà báo theo ý muốn chủ quan và ích kỷ của họ. Ý thức chính trị, bảo vệ bí mật quốc gia, các yếu tố đạo đức và luật pháp thì người cầm bút nào cũng phải tôn trọng. Nhưng đừng mượn các lý do “cao siêu nào đó” để lấp liếm sự thật về thói ích kỷ, sự vô cảm và nhiều khuất tất đen bạc của cán bộ cơ sở. Đi đến cùng sự thật để bảo vệ danh dự của ngòi bút, đồng thời bảo vệ chính nhân vật, câu chuyện, vấn đề mà nhà báo đưa ra. Điều này nó cũng “rưng rưng” giống như việc đưa ra một “án lệ” cho các cuộc tranh biện nảy lửa không ít khi còn tồn tại giữa cán bộ cơ sở và người cầm bút dũng cảm. 
 
Muốn được như vậy, tối thiểu nhà báo phải biết trọng danh dự, đừng để các cám dỗ tiền bạc hay quyền lực hay một cái gì đó tầm thường ích kỷ nó mua chuộc hoặc khuất phục. Và dĩ nhiên, người cán bộ cơ sở, nếu không truyền lửa được cho người cầm bút chân chính hướng tới các giá trị nhân văn quý giá, thì ít ra họ cũng phải biết sửa mình để hướng tới các giá trị đó. Người ta bảo, con đường ngắn và giản dị nhất cho bài toán “gặp nhau” này, ấy là tinh thần thượng tôn đạo đức và sự hiểu biết.
 
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
(Báo Lao Động) 

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".