Phường Quảng An, quận Tây Hồ: Kéo dài tình trạng ngập úng

Chia sẻ

PNTĐ-Theo phản ánh của người dân sống tại phường Quảng An (quận Tây Hồ), từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn phải chịu cảnh úng ngập cục bộ.

 
Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn phường Quảng An phải chịu cảnh úng ngập cục bộ do tiêu thoát nước chậm sau khi trời mưa trên nhiều tuyến phố, ngõ, ngách trên địa bàn phường. Tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây.
 
Phường Quảng An, quận Tây Hồ: Kéo dài tình trạng ngập úng - ảnh 1

 
Cụ thể, ngõ 6 đường Đặng Thai Mai và ngõ 67, ngách 11/8 đường Tô Ngọc Vân ngõ 244-264, ngõ 275-315 Âu Cơ, tuyến đường 5m đoạn trước cửa chợ hoa Quảng An… sau mỗi trận mưa thì khu vực này thường xuyên bị ngập úng do nước tiêu thoát rất chậm. Ông Nguyễn Trung Chất, ngõ 67 - Đặng Thai Mai cho biết: “Ở đây cứ mưa 10 phút là ngập ít nhất 20cm, mưa như mấy ngày qua, nước phải ngập sâu hơn 80cm. Trời cứ mưa là ngập, nước tràn vào nhà, có hôm đi làm thì trời đổ mưa, trở tay không kịp khiến đồ điện gia dụng ở tầng 1 nhà tôi bị ngập nước, vừa thiệt hại về tiền của, vừa nguy hiểm”.
 
Đặc biệt, ở đoạn trước cổng trường tiểu học Quảng An, luôn xuất hiện những vũng nước, vừa bốc mùi hôi, khiến hàng nghìn học sinh và phụ huynh đi lại rất bất tiện. Hằng ngày, giáo viên và học sinh muốn di chuyển vào trường phải vượt qua những vũng nước trũng sâu. “Những ngày nắng còn đỡ, học sinh di chuyển vòng vèo để tránh những vũng nước. Những ngày mưa, nước không tiêu thoát nên ngôi trường như một “ốc đảo”. Học sinh, giáo viên đều phải xách dép lội nước mới vào được trường” - một phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học Quảng An cho biết. 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) cho biết, tại các địa điểm mà người dân ở phường Quảng An phản ánh, sau khi trời mưa có hiện tượng nước không kịp thoát, gây úng ngập cục bộ. Nguyên nhân là do các khu vực này trũng hơn các khu vực lân cận, trong khi đó hệ thống thoát nước của khu vực chưa được đấu nối hoàn chỉnh.
 
Thực tế, Xí nghiệp Thoát nước số 1 thường xuyên duy trì biện pháp nạo vét thủ công các tuyến cống rãnh. Cụ thể, từ tháng 1/2019, nạo vét các tuyến đường 5m đoạn ngõ 244-264 Âu Cơ; ngõ 275-315 Âu Cơ; tháng 4/2019, nạo vét các tuyến đường 5m đoạn trước cửa chợ hoa Quảng An, ngõ 11, 31 Xuân Diệu, ngõ 35 Đặng Thai Mai... để bảo đảm độ thông thoáng trong lòng cống, rãnh, tăng khả năng tiêu thoát nước. Tháng 7/2019, đơn vị cũng lắp đặt cống D200 qua đường 5m thoát nước trước cửa chợ hoa Quảng An; đặt cống D300 trước ngõ 242 Âu Cơ. Tháng 8/2019, bổ sung ga thu và cống ngang thu nước mưa mặt đường trên phố Quảng Bá.
 
Trước tình trạng trên, ngày 22/8/2019, UBND quận Tây Hồ có Công văn số 1143/UBND-VP chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan lắp đặt, đấu nối ống xả PVC - D110 bơm xả vào hố ga trên hệ thống thu gom nước thải khu vực đường Đặng Thai Mai và các vị trí người dân phản ánh để giải quyết tạm thời tình trạng úng ngập nơi đây. Đồng thời, vận hành máy bơm cưỡng bức để tiêu thoát nước trước cổng trường tiểu học Quảng An. 
 
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên chỉ là tạm thời. Để giải quyết triệt để tình trạng trên, về lâu dài, đề nghị các cơ quan liên quan sớm có phương án xây dựng, lắp đặt mới tổng thể hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn.
 
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.