Dạy vợ từ thuở bơ vơ?

Chia sẻ

Đồng ý để vợ ở nhà, không phải đi làm thì Sơn bị vợ suốt ngày nổi cơn ghen “bão bùng” chứ không phải bóng gió nữa! Còn chấp nhận cho Thảo – vợ mình ra ngoài làm việc thì anh càng rối ren hơn nữa

Đồng ý để vợ ở nhà, không phải đi làm thì Sơn bị vợ suốt ngày nổi cơn ghen “bão bùng” chứ không phải bóng gió nữa! Còn chấp nhận cho Thảo – vợ mình ra ngoài làm việc thì anh càng rối ren hơn nữa, bởi Thảo ngày càng có những biểu hiện… không trong sáng! “Dạy vợ” thế nào mới đúng đây?

Không phải quen nhau chỉ ngày một ngày hai, họ biết và yêu nhau tới tận 5, 6 năm trời rồi mới cưới. Thảo bên Sơn từ ngày anh còn “lẫm chẫm” bước vào đời, lập nghiệp, thất bại và rất nhiều thăng trầm khác mới được như ngày hôm nay. Vì vậy, Sơn cũng rất trân trọng tấm lòng ấy của vợ mình. Cuộc sống ngày càng có điều kiện tốt hơn, anh càng chiều vợ hơn hẳn. Mỹ phẩm, quần áo, túi xách, chỉ cần Thảo thích thì dù đó là hàng hiệu, Sơn cũng không phân vân. Với Sơn chiều vợ là một niềm vui, một sự hãnh diện và cả lời cảm ơn đến Thảo – khi qua 2 lần bầu bì, thai nghén, cô mới sinh được một cô con gái đáng yêu cho Sơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Nhưng Thảo cũng là một cô gái cá tính, lại thêm việc trước đây ở nhà, được bố mẹ đẻ nuông chiều, thành ra Thảo rất hiếu thắng. Cãi nhau với phụ nữ đã là khó thắng, thì với Thảo, Sơn chỉ có cách thua. Hồi yêu nhau, không biết bao nhiêu trận ghen, hờn dỗi đã xảy ra trong đủ thứ tiếng động, tiếng cáu gắt, mắng mỏ của Thảo và tiếng đồ đạc bị xô vỡ. Sơn chỉ biết nín nhịn rồi dần dần làm hòa.


Lấy nhau rồi, chọn cuộc sống gắn bó với nhau cả cuộc đời, điều cần nhất là dung hòa cái tôi của cả hai, thì Thảo không làm được. Cô vẫn chứng nào tật nấy. Cũng may là hai vợ chồng thuê nhà ở riêng, bố mẹ chồng ở tận dưới quê nên Sơn “giấu tính xấu” của vợ đi phần nào. Thế nhưng, vẫn có những điều không thể lường trước được.


Sơn bảo vợ ở nhà, lo nội trợ rồi chăm sóc sức khỏe thật tốt để có em bé, bởi Thảo từng bị sảy thai một lần: “Em muốn gì anh cũng chiều, mình anh bây giờ có thể lo được cho hai vợ chồng thoải mái…”. Hồi ấy, Sơn và Thảo vừa cưới nhau được hơn nửa năm, công ty của Sơn mở chung với hai người bạn thân cũng đã dần đi vào ổn định. Là người có khả năng ngoại giao tốt nhất, Sơn hay phải đi tiếp đối tác làm ăn, không thể tránh được đối tác là nữ. Vài tấm ảnh khoác vai, nâng ly chúc tụng được đăng lên Facebook sao qua được mắt Thảo. Nhìn lại mình, phụ nữ ở nhà, loanh quanh căn bếp, phong cách nó khác hẳn với nữ doanh nhân, thành đạt, sắc sảo và cuốn hút. Càng nghĩ nhiều, máu ghen càng “nóng” lên, Thảo đổ lên đầu Sơn ngay khi anh vừa bước qua cửa nhà, chân nam đá chân chiêu. Sơn say rượu, đã mệt lử ra rồi, chỉ muốn nằm ngủ một giấc thì bị Thảo dựng dậy cả đêm, đay nghiến theo đủ kiểu kịch bản cô có thể nghĩ ra giữa chồng mình và đối tác. Sơn không kiềm chế được nữa, tát Thảo một cái, rất mạnh. Cuộc chiến rơi vào câm lặng, suốt tận nửa tháng sau.


Sau hôm ấy, hai vợ chồng chiến tranh lạnh, không ai nói gì với ai. Cơm nhà, Thảo cũng không nấu. Sơn đi làm, cố ý đến nửa đêm mới về, ăn tối ở ngoài luôn. Thảo tuy không “khẩu chiến” lại chồng, nhưng hay đăng những dòng trạng thái buồn bã, bi quan quá mức lên Facebook. Sơn âm thầm theo dõi, thấy có người bạn của Thảo vào bình luận: “Đang có bầu đừng suy nghĩ nhiều quá!”. Từ đó, Sơn mới vì niềm hạnh phúc được làm bố mà quên đi tất cả, làm hòa, dỗ dành vợ mình. Bởi Sơn hiểu, không gì có thể đánh đổi được niềm hạnh phúc làm cha, làm mẹ.

Sau một thời gian dài làm mẹ và chăm con nhỏ, dù cuộc sống phải lo toan nhiều hơn, nhưng với Sơn vẫn là niềm vui khó tả. Thảo – tuy có khó tính hơn, nhưng có con rồi, cô cũng bớt đi phần ghen tuông. Bẵng đi một ngày, Thảo đòi Sơn cho đi tập gym, rồi cho cô đi làm. Sơn bảo, “em đi tập gym thì được, còn đi làm thì chưa thể. Con đang còn nhỏ, thời gian đâu để em trông con nữa?”

- Em sẽ cho nó đi lớp, nếu anh sợ con ốm hay không chịu ăn thì em gửi về quê cho ông bà ngoại nuôi! Tóm lại, em sẽ xoay sở với con được, em bắt buộc phải đi làm! Em đã ở nhà quá lâu rồi!

Sơn – vẫn không làm cách nào “nói lại” được vợ mình. Anh đành phải chiều theo ý Thảo. Sơn quá bận với công việc của mình, thành ra anh không thể san sẻ việc trông con với Thảo khi cô đi làm được. Vậy là bé con của hai người phải đi nhà trẻ sớm. Còn Thảo xin vào làm nhân viên của một công ty chuyên về các mặt hàng dân dụng. Mới vào làm được nửa tháng, Thảo đã về bảo chồng rằng mình chuẩn bị đi công tác ở một tỉnh khác 3 ngày. Sơn ngỡ ngàng, thấy là lạ. “Sao công ty em lạ vậy? Em mới đi làm, đã đủ kinh nghiệm đâu mà đi công tác?”, “Anh buồn cười nhỉ? Ý anh là em kém cỏi chứ gì?”, “Không phải, mà là anh cũng là người làm ăn, cũng có nhân viên và cũng điều nhân viên đi công tác. Nếu là anh thì không bao giờ có chuyện lạ đời như vậy!”.

- Em không quan tâm! Anh không trông được con thì em gửi về bà ngoại, em còn phải xếp đồ để đi!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thảo đi công tác liên tục. Cứ hơn 1 tháng cô lại đi một lần, mỗi lần đều 3 – 4 ngày. Sơn cũng dần quen và không nói gì thêm nữa. Nhưng chính vào lúc đó Thảo lại có biểu hiện lạ. Ở nhà thì cô cáu gắt với Sơn, nhưng cứ mỗi lần đi công tác về, cô lại vào bếp, nấu nướng chỉn chu, thịnh soạn và làm cả cơm hộp đủ món để Sơn mang đi làm. Điều đó kéo dài khoảng vài ngày sau mỗi chuyến công tác rồi thôi…

Dù không muốn nghĩ tới, nhưng trong đầu Sơn cứ quẩn quanh suy nghĩ, hay là vợ mình đã ngoài luồng? Nhớ lại ngày xưa, Thảo chỉ đi làm được một, hai tuần rồi lại nghỉ vì… chán, chứ đâu chăm chỉ như bây giờ? Đã vậy, Sơn chẳng để vợ thiếu thứ gì, Thảo được đắp lụa là, son phấn xịn, lại còn là gái một con, ra đường chẳng thiếu người để ý…

Vậy là, lấy lý do con gái đi học chẳng chịu ăn uống gì, Sơn cương quyết bắt Thảo nghỉ việc để ở nhà chăm con. Thảo đương nhiên không chịu. “Vài đồng bạc em kiếm được, dù chẳng đáng là gì với anh, nhưng nó là niềm vui của em! Có ra ngoài đi làm mới biết, đàn bà ru rú ở nhà là ngu xuẩn!”.

- Nhưng dù có thế nào, em vẫn là người mẹ! Con cái ốm yếu, không chịu ăn, em phải dành thời gian cho nó nhiều hơn chứ!

- Tại sao anh không bớt chút thời gian của mình mà dành cho con? Sao cứ đổ hết lên đầu tôi vậy?, Thảo xẵng giọng với chồng mình…

Cuộc chiến có lẽ sẽ vẫn tiếp tục nếu cô bé con không khóc ré lên vì bị ngã. Sơn thấy bế tắc trong chính tổ ấm của mình.

Một buổi tối sau nhiều ngày không nói chuyện, Sơn nhắn tin cho vợ báo sẽ về muộn vì phải đi gặp một đối tác quan trọng. Thảo nhắn lại rằng cô cũng phải đi tiếp khách với sếp, đã nhờ người hàng xóm đón con rồi. Sơn chán nản, chẳng muốn nói thêm gì.

Hóa ra buổi tiệc Sơn dự tối nay là của một người bạn trong giới làm ăn tổ chức. Giữa buổi tiệc, có một cặp nam nữ bước vào. Người đàn ông được bạn của Sơn giới thiệu “là một đàn em của chúng ta, nay tôi dẫn đến đây cho nó được mở mang thêm kinh nghiệm”. Sơn đau điếng vì cô gái sánh bên chính là Thảo. Thì ra, Thảo làm cho công ty của người đàn ông này. Nhìn cách xuất hiện, Sơn thừa hiểu Thảo đã làm gì sau lưng mình lâu nay. Buổi tiệc rộn rã nhưng nặng trĩu trong lòng của hai người. Thảo xin phép đứng lên về trước.

Sáng sớm hôm sau, Thảo bế con về ngoại. Chỉ còn một mình trong nhà, Sơn thấy mình như không còn sức lực. Đã chăm chút, nâng niu, yêu thương hết lòng, vậy mà vẫn không có được hạnh phúc như ý mình. Làm chồng – với Sơn, khó thế sao?

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.