Khi bờ vở Phúc Tân “diện áo”... nghệ thuật

Chia sẻ

Một “bờ vở Phúc Tân” (đoạn đường ở Hà Nội với 16 tác phẩm nghệ thuật trên tường) bỗng đâu được “diện áo”... nghệ thuật đã khiến bao người không khỏi xôn xao, ngạc nhiên.

Một “bờ vở Phúc Tân” (đoạn đường ở Hà Nội với 16 tác phẩm nghệ thuật trên tường) bỗng đâu được “diện áo”... nghệ thuật đã khiến bao người không khỏi xôn xao, ngạc nhiên. Cũng vì, trước đó, bờ vở này vốn nổi tiếng là một điểm “nóng” của những rác thải và trật tự an ninh.

Người dân Phúc Tân thích thú với không gian nghệ thuật công cộng mới được các nghệ sĩ hoàn thành.Người dân Phúc Tân thích thú với không gian nghệ thuật công cộng mới được các nghệ sĩ hoàn thành.

Xúng xính - lung linh

Bắt đầu từ những ngày xuân Canh Tý, bờ vở Phúc Tân xúng xính mỗi sớm mai, lung linh mỗi chiều tối trong “chiếc áo” nghệ thuật vừa lạ vừa quen. Đoạn bờ vở này được bắt đầu từ chân cầu Long Biên hơn trăm tuổi xuôi về phía cầu Chương Dương chừng gần 200m. Từ dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, lần đầu tiên, trên những bức tường cũ kỹ còn sót lại dọc đoạn bở vờ này, 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật của 16 nghệ sĩ cùng hiện diện và kể chuyện.

Ngay dưới chân cầu Long Biên, với tác phẩm “Phản chiếu song hành”, nghệ sĩ Cấn Văn Ân tạo ra một con thuyền có bề mặt lấp loáng của 5.000 mảnh gương. Theo chiều liên tưởng của mỗi người – có thể đấy là thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng hoặc có thể là những lớp sóng gợi miền ký ức mênh mông...

Cũng là một sắp đặt mang tên “Thuyền”, họa sĩ Vũ Xuân Đông đã kỳ công kết nối gần 10 nghìn vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt trong suốt 3 tháng để thành những con thuyền ngạo nghễ xuôi trên sông. Với tác phẩm dài 10m này, họa sĩ Đông muốn nhắc nhớ về nơi đây từng là trên bến dưới thuyền của một Thăng Long – Kẻ Chợ xưa cũng như nhắc nhớ về giai đoạn sau năm 1945, mảnh đất này được khai hoang từ hai làng vạn chài...

Gợi thêm một miền suy tưởng, họa sĩ Lê Đăng Ninh khiến nhiều người phải dừng bước trước tác phẩm “Nhà nổi” được tạo từ những chiếc thùng phuy bỏ đi. Rồi thì, bờ vở Phúc Tân bỗng đâu như vang vọng tiếng tàu điện leng keng, tiếng hát xẩm từ “Xẩm tàu điện” (Phạm Khắc Quang), tiếng rao lao xao từ “Gánh hàng rong” (Nguyễn Thế Sơn).

Ký ức về Hà Nội xưa tiếp tục hiển hiện ở nơi đây với “Song xưa phố cũ” (Trần Hậu Yên Thế), “Phù sa” (Nguyễn Đức Phương), “Đình làng Hà Nội cổ” (Vương Văn Thạo). Một lễ hội dân gian tưng bừng trong nét truyền thống mà hiện đại từ “Tò he múa rồng” (Nguyễn Xuân Lam) bỗng đâu khiến con đường trở nên... “huyên náo”.

Những lời trò chuyện hay suy tư về môi trường cũng được các họa sĩ, nghệ sĩ gửi cả đến đây với “Voi”, “Sống xanh” (Goerge Burchett), “Vòng thời gian” (Trịnh Minh Tiến), “Vũ điệu khí thải” (Nguyễn Ưu Đàm). Ngoài ra, ở đây còn đem đến những sắc màu Hà Nội vừa rực rỡ vừa cổ kính trong “Sắc màu” (Diego Chula) hay một dáng hình kiến trúc Hà Nội phần nào bị bủa vây bởi nhà cao tầng trong “Thành phố ven sông” (Nguyễn Ngọc Lâm) nhưng vẫn nhí nhảnh, tươi trẻ với “Emoji City” (Nguyễn Hoài Giang).

Đặc biệt, hai bức phù điêu “Ngư nghiệp” và “Nông nghiệp” do thầy trò sinh viên khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tác vẫn đang “mắc kẹt” ở bức tường bị che khuất của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay cũng được “hiện diện” tại không gian này. Tất nhiên, đấy là phiên bản phục dựng với tổng chiều dài 6m bằng xi măng trộn với composit nhưng đã tạo cơ hội cho cộng đồng được ngắm nghía, chiêm ngưỡng “bóng hình” phù điêu xưa.

“Đẹp lắm bà con ơi…”

Ngày cuối tuần, bà Trần Thị Huệ thảnh thơi đi dọc đoạn đường bờ vở Phúc Tân khi Mặt trời bắt đầu đứng bóng. Dừng lại ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật có khi đã hoàn thiện cũng có khi đang được nghệ sĩ sửa sang khâu cuối, bà Huệ không khỏi trầm trồ cất lời khen.

Nhà bà Huệ ở phố Nguyễn Tư Giản chỉ cần đi qua con ngõ hẹp là có thể ra tới đây để đổ rác nhưng không để ý đến sự thay đổi của đoạn đường này. Bà bảo, mấy bữa nay nghe hàng xóm mách nhau: “Bờ vở đẹp lắm bà con ơi, ra mà xem, chụp ảnh...” nên hôm nay bà dành thời gian dạo quanh ngắm nghía.

Vốn lớn lên ở khu phố này từ lúc mười lăm, mười sáu cho đến giờ, trong ký ức của bà Huệ, bờ vở Phúc Tân thường gắn liền với mùi hôi của... rác và sự phức tạp về an ninh trật tự. Cũng vì, đây là khu vực có nhiều người dân tứ xứ đến thuê trọ. Vậy nên, khi nhận ra bỗng đâu đoạn đường không chỉ trở nên sạch sẽ, phong quang mà còn mang dáng dấp của một con đường nghệ thuật, bà Huệ ngạc nhiên: “Toàn chai với lọ mà các nghệ sĩ làm thật khéo, thật đẹp”.

“Có thể coi dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân ven sông Hồng là một nỗ lực của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện, nhằm mang lại không gian văn hóa giải trí mới cho cộng đồng. Dự án được lên kế hoạch và thực hiện trong gần một năm. Những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy, vành lốp bánh xe máy, ống bô xả…, các đồ rác thải từ chính nơi đây hay từ những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố được các nghệ sĩ lựa chọn làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác ngữ cảnh của dòng sông Hồng cũng như cùng lịch sử văn hóa phong phú của Thăng Long - Kẻ Chợ”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

 

Đeo khẩu trang và mang theo cây ná cao su trên tay, Trần Tiến Thành (học sinh Trường Tiểu học Phúc Tân) cũng dừng chân ngó nghiêng trước mỗi tác phẩm nghệ thuật. Thành bảo, cậu rất thích thú khi “sân chơi” hàng ngày của cậu và đám bạn được trang trí thêm những tác phẩm nghệ thuật mới lạ. Thành thích nhất tác phẩm “Thành phố bên sông” vì có nhiều sắc màu cùng tạo hình là những chiếc thùng phuy khiến Thành liên tưởng đến những khu nhà chung cư cao vút.

Nhà bà Vũ Thanh Giang – Chi hội trưởng người cao tuổi có một mặt quay về phía bờ vở Phúc Tân. Chỉ đi vài bước là bà “gặp” ngay những tác phẩm “Sắc màu”, “Thuyền”... Bà Giang kể, những tác phẩm nghệ thuật này được các nghệ sĩ thực hiện trong suốt mấy tháng cuối năm 2019 để kịp đem đến cho nơi đây một sắc diện mới khi mùa xuân tới. “Người dân chúng tôi luôn ủng hộ công việc của nghệ sĩ, từ việc họp bàn thống nhất đến điện, nước. Giờ các tác phẩm đã được hoàn thành, đẹp hơn chúng tôi nghĩ. Nếu nơi đây trở thành một điểm du lịch thì tốt quá” – bà Giang nói.

“Các tác phẩm nghệ thuật được những nghệ sĩ sáng tạo ngay trên/bên những bức tường xây dựng cách đây gần 30 năm để ngăn lấn chiếm. Khi chúng hoàn thành, người dân trong khu phố thấy rất ưng, thường ra đây chụp ảnh, không chỉ ban ngày mà cả buổi tối. Tuy nhiên, đoạn đường này sẽ đẹp hơn nếu không còn những tụ điểm tập kết rác nhiều khi còn vô tội vạ như hiện nay” – Vui mừng vì sự đổi thay của đoạn đường bờ vở Phúc Tân nhờ những tác phẩm nghệ thuật, song bà Nguyễn Thị Tám – Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Phúc Tân không quên bày tỏ trăn trở.

Bình Thanh/Giáo dục thời đại

Theo https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-bo-vo-phuc-tan-dien-ao-nghe-thuat-4067210-b.html

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.