Hà Nội chống dịch quyết liệt, không kể ngày đêm, xử lý kịp thời diễn biến phát sinh

Chia sẻ

Trong hơn 40 giờ qua kể từ khi xác định ca mắc Covid-19 đầu tiên, BCĐ phòng chống dịch TP Hà Nội đã làm việc quyết liệt, không kể ngày đêm; mọi thông tin được tuyên truyền công khai, minh bạch để người dân nắm được và xử lý kịp thời diễn biến dịch.

Chủ động thực hiện các biện pháp điều tra dịch tễ, khoanh vùng cách ly

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 7h00 ngày 8/3, Hà Nội đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với Covid-19. Hiện tại tất cả những bệnh nhân này đều đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội họp BCĐ phòng chống dịch đột xuất để đưa ra giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.Lãnh đạo thành phố Hà Nội họp BCĐ phòng chống dịch đột xuất để đưa ra giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.

Ngoài ra, hiện có 130 người tiếp xúc với bệnh nhân N (bệnh nhân thứ 17); 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Đã lấy mẫu xét nghiệm 53 người và đã có kết quả là 32; 6 trường hợp đang chờ kết quả. Tại khu vực bệnh nhân N sinh sống, TP đã điều tra, khoanh vùng cách ly 66 hộ gia đình với 189 người (hiện đã lấy 148 mẫu xét nghiệm).

Tại bệnh viện Hồng Ngọc - nơi bệnh nhân N tới khám, đã cách ly 20 người tiếp xúc gần tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (f1, với 19/20 kết quả xét nghiệm âm tính, 1 mẫu đang chờ kết quả); 164 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (f2) trong đó 64 người là bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà; 60 người là bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện cách ly tại Long Biên; 40 bác sĩ, nhân viên y tế còn lại thực hiện cách ly tại bệnh viện. Cơ quan chức năng cũng đã phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, yêu cầu bệnh viện không được tiếp bệnh nhân mới, với những bệnh nhân hiện có cần tiếp tục điều trị và cách ly tại bệnh viện, chưa cho ra viện.

Đối với việc xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp cách ly tập trung, đến hết ngày 7/3, Hà Nội đã làm xét nghiệm 1.004/2.304 trường hợp đang cách ly tập trung tại các cơ sở của quân đội và bệnh viện Công an TP, còn lại 1.300 mẫu đã gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Toàn bộ mẫu xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đều cho kết quả âm tính với Covid-19.

Hiện Hà Nội có 3 cơ sở đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 với năng lực xét nghiệm tổng cộng 2.000 mẫu/ngày. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mỗi ngày có khả năng xét nghiệm được 200 mẫu; thời gian làm xét nghiệm nhanh nhất kể từ khi phòng xét nghiệm nhận được mẫu bệnh phẩm là 3 giờ.

Về chuyến bay VN0054, theo điều tra có 217 người trên chuyến bay này. Trong đó hành khách khoang VIP là 21 người (khoang J), hành khách phổ thông là 180 người; tổ bay và tiếp viên là 16 người. Đã xác minh được nơi đến của 155 người/180 hành khách hạng phổ thông, 21/21 hành khách hạng thương gia. Trong đó có 60 người có lưu trú tại Hà Nội. Cụ thể, Hoàn Kiếm 47 người (hiện chỉ có 10 người đang lưu trú, 37 người đã di chuyển đi nơi khác); Đống Đa có 9 người (hiện chỉ còn 5 người, 4 người đã đi nơi khác); Ba Đình có 1 người; Cầu Giấy có 1 người; Hai Bà Trưng có 2 người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 7/3/2020, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị công bố dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội theo quy định. Theo đó, trong những ngày tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới do tiếp xúc với các bệnh nhân đã xác định và có thể thêm ca bệnh xâm nhập. Bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng quan trọng nhất bây giờ là điều tra dịch tế để xác định các đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3; đây là yếu tố quyết định hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Lực lượng phòng dịch phun khử khuẩn ở địa bàn nơi có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19Lực lượng phòng dịch phun khử khuẩn ở địa bàn nơi có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu tổ chức cách ly theo hướng nâng lên một cấp. Đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp cách ly tại các cơ sở y tế; F2 cách ly tại nhà có sự giám sát; F3 có khuyến cáo, nếu xuất hiện biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế. "Nếu F1 dương tính thì toàn bộ F2 phải chuyển lên F1 và cách ly tại cơ sở y tế, để tránh bỏ sót và ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế chủ trì điều phối, phân luồng việc cách ly. Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng khử khuẩn tại các nơi có ca dương tính" - Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết.

Người làm chống dịch tốt nhất là mỗi người dân

Liên quan tới các ca bệnh tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP khẳng định: Đến nay đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm; những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của 4 bệnh nhân dương tính với Covid-19 theo phương châm: Biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để. Sức khỏe của 4 bệnh nhân hiện cũng tiến triển tốt, không có trường hợp nào nặng.

Tới đây, TP sẽ công bố tất cả những nơi bệnh nhân ở, đi đến, để người dân hạn chế đi lại những vùng này. Còn những nơi khác, người dân có thể yên tâm sinh hoạt bình thường. Đối với trường hợp nghi ngờ là N.H.P (đường Láng, Đống Đa), mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng TP coi như người bị bệnh. Vì thế những người tiếp xúc đều khuyến cáo đưa đi cách ly và tổ chức khử khuẩn tại khu vực này.

Trên cơ sở thực tiễn, Chủ tịch UBND TP đề nghị mọi người dân chủ động nắm bắt thông tin về dịch bệnh, phát hiện và thông báo đến cơ quan chức năng kịp thời những người đi từ vùng dịch nhưng không tự giác khai báo… Sở Thông tin - Truyền thông và Trung tâm tin học công báo TP khẩn trương hoàn thành Cổng thông tin cung cấp tình hình dịch bệnh cho người dân trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị người dân trên địa bàn nâng cao tinh thần chủ động, nắm chắc thông tin dịch bệnh. TP sẽ công khai, minh bạch mọi thông tin đến với người dân. “Không ai khác, người làm chống dịch tốt nhất chính là mỗi người dân. Ngay từ bây giờ nếu mỗi người dân làm tốt, tự giác thì mới thành công trong công tác chống dịch” - Chủ tịch UBND TP nói.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.