Nỗi niềm mùa Covid

Chia sẻ

Tổ chức linh đình thì sợ ế cỗ không có người đến ăn và cũng sợ dịch bệnh lây lan, mà tổ chức đơn giản thì sợ không trọn vẹn, sợ “trách thiếu”… Vì thế, nhiều đám cưới đã nhỡ sắp lịch trong mùa dịch này “đang tiến thoái lưỡng nan”...

Đau đầu vì lo đám cưới vắng khách

Đám cưới con trai ông Hoán (Long Biên) đã được gia đình tổ chức vào hôm đầu tuần trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Thiệp mời cưới đã được gửi đi, cỗ cưới, xe cưới đã đặt sẵn. Đùng cái dịch bệnh căng thẳng, với số ca nhiễm mới được nhà chức trách thông báo tăng lên mỗi ngày, thậm chí có ngày tăng cả gần chục ca nhiễm mới, vợ chồng ông và con trai như ngồi trên đống lửa, lo lắng không biết dịch bệnh thế này khách có đến ăn cỗ không hay là sợ con Covid thì ế cỗ? Mà báo giảm bớt cỗ thì sợ khách đến đông, thiếu cỗ lại mang tiếng. Rồi chuyện khách đến đông đúc thế chẳng may có ai trong số khách đó bị nhiễm con Covid thì liệu có an toàn cho gia đình ông và mọi người không?. Nhiều phương án được ông suy đi tính lại, cuối cùng vợ chồng ông cũng tặc lưỡi giữ nguyên phương án cũ vì khách đã mời, cỗ đã đặt, không thể dừng lại...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Hoán chia sẻ, đến giờ khai tiệc cưới nhưng khách ngồi chưa đến một nửa số cỗ trong rạp, khiến ông hết sức ngỡ ngàng. Mặc dù ông đã nghĩ đến tình huống này nhưng không nghĩ mọi người lo lắng dịch bệnh không đến ăn cỗ nhiều đến vậy. Gia đình ông đặt 40 mâm cỗ nhưng khách đến ăn cỗ chưa đến một nửa. Nhìn đống cỗ ế, vợ chồng ông thấy tiếc của vô cùng. Ông nhẩm tính sơ qua đống cố ế đã lãng phí mất khoảng 30 triệu đồng. Sắp đến giờ đi đón dâu nhưng ông bà vẫn nán chờ ở cửa đón tiếp, mong có thêm những vị khách đến muộn để cứu vãn tình thế nhưng cũng chỉ có thêm được vài vị khách lác đác. Cũng do tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh khiến gia đình ông trở tay không kịp…

Thực tế, đã có không ít đám cưới được tổ chức trong mùa dịch Covid gặp tình trạng như gia đình ông Hoán, do không lường trước được tâm lý lo sợ của khách nên cỗ bàn đặt linh đình nhưng không có người đến ăn, có người đến cũng chỉ vội vàng mừng cưới cho cô dâu chú rể rồi xin cáo lễ.

Nhìn tình cảnh của những đám cưới tổ chức trước đó, đám cưới bạn Trang Nhung và Đức Duy ở Hà Nội đã phải thay đổi kế hoạch so với dự tính ban đầu. Hai bạn đã được gia đình tổ chức lễ ăn hỏi từ Tết Nguyên đán và ấn định tổ chức ngày cưới vào đầu tháng 3 này. Lúc đầu gia đình dự tính mời khoảng 600 khách gồm bạn bè, họ hàng gần xa của 2 bên gia đình. Thế nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng, đám cưới của đôi bạn trẻ Nhung- Duy đã phải thu hẹp lại, chỉ còn là tiệc báo hỉ ở quy mô gia đình khoảng chục mâm cơm. Gia đình cô dâu chú rể cũng rút gọn thủ tục đưa đón rườm rà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chú rể Đức Duy phấn khởi nói: “Đám cưới chúng em thu gọn tiệc tùng, thủ tục gọn nhẹ nhưng vẫn ấm cúng, hạnh phúc. Vừa đảm bảo sức khỏe cho mình, gia đình và mọi người trong mùa dịch Covid. Không phải tiếp khách nhiều, uống rượu mừng nhiều nên vợ chồng em càng có nhiều thời gian nghỉ ngơi tận hưởng hạnh phúc, đêm tân hôn không sợ ngủ quên vì say rượu…”.

Cô dâu chú rể Hạnh – Quân cũng vừa hủy bỏ kế hoạch tiệc cưới khoảng 60 mâm ở một khách sạn 4 sao tại Hà Nội vì sợ ế cỗ. Chú rể làm trong quân đội, lại con nhà dòng dõi, giàu có nên có nhiều quan khách, còn cô dâu làm trong ngành y, đồng nghiêp, bạn bè cũng rất đông. Thế nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, phần lớn số khách mời đều từ chối ăn cỗ và chỉ nhận lời đến mừng cưới. Nhận biết tình hình, ngay lập tức gia đình hai bên của cô dâu, chú rể họp bàn, rút kế hoạch tổ chức “tiệc lớn” xuống còn vài chục mâm trong nội tộc và thân hữu 2 bên. Việc thu hẹp đám cưới thời Covid xuống chỉ còn một vài chục mâm cỗ như vậy không chỉ tiết kiệm được tiền bạc, công sức mà còn thể hiện được tinh thần cưới hỏi theo nếp sống văn minh mới của Thành ủy Hà Nội đề ra, đã và đang triển khai tích cực là khách mời không quá 30 mâm (300 người).

Gia đình chị Thu, cán bộ đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Thủ đô cũng dự định tổ chức lễ cưới cho cô con gái thạc sĩ ở Anh với chàng rể thạc sĩ ở Đức vào giữa tháng 3 này. Con gái chị cùng chồng tương lai cũng đã đặt vé từ trước đây một tháng để bay về Hà Nội chuẩn bị cho lễ cưới. Mọi thứ đã được hai bên gia đình chuẩn bị sẵn, thế nhưng vì Covid-19 nên con gái và con rể tương lai phải hủy vé máy bay, báo về gia đình hoãn đám cưới, đợi đến giữa mùa hè.

Ngay lập tức gia đình hai bên gọi điện thông báo lại với khách là hoãn cưới. “Tôi rất ủng hộ phương án của các con. Trong ngày trọng đại của cuộc đời, chúng tôi không muốn khách đến chia vui với tâm lý lo lắng, không thoải mái”, chị Thu chia sẻ.

Cái khó ló cái khôn

Thực tế, nhiều gia đình nghĩ cưới xin là chuyện của đời người nên gia đình nào cũng muốn tổ chức cho con cho thật hoành tráng, mời khách đến dự tiệc cưới đông đủ. Thế nhưng, họ lại không lường trước tâm lý lo sợ dịch bệnh, tránh đi ăn cỗ cưới của người dân, khiến cho có đám cưới được tổ chức cỗ bàn ế vài chục mâm, khóc dở mếu dở với đống cỗ ế. Chia cho người thân mang về ăn cũng không hết, phải đổ đi rất lãng phí.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Trong cái khó ló cái khôn”. Từng đi dự đám cưới con của đồng nghiệp, chứng kiến gia chủ phải khổ sở xử lý đống cỗ ế, chị Thanh Thúy (ở Thanh Xuân, HN) vừa rồi cưới con trai đã lập tức chuẩn bị một phương án cỗ ế từ hôm trước mà theo chị rất sáng suốt đó là mang đi “làm từ thiện”. Đúng như dự kiến của chị, hôm tổ chức cưới cho con trai cũng bị ế những gần chục mâm cỗ nhưng chị nhờ luôn khách sạn đóng gói nguyên cả mâm, thuê xe chở đến tặng một cơ sở nuôi dưỡng trẻ tàn tật, khó khăn cơ nhỡ trên địa bàn mà chị đã liên hệ để họ cải thiện bữa ăn.

Thiết nghĩ, cưới xin trong thời buổi dịch bệnh, các gia đình chỉ nên tổ chức sao cho lịch sự, ấm cúng, thể hiện sự thiêng liêng và nét đẹp văn hóa cưới hỏi, miễn sao để lại ấn tượng tốt đẹp cho cô dâu chú rể cũng như hai họ và những bạn bè thân thiết. Các gia đình nên “liệu cơm gắp mắm”, có biện pháp xử lý hiệu quả. Cách đem cỗ đi làm từ thiện như chị Thanh Thúy để vừa có ích vừa không phải vất vả “xử lý” đống cỗ ế…

Thời điểm này khi mà dịch Covid-19 đang hoành hành, diễn biến phức tạp thì rất cần sự chung tay, đoàn kết, chung sức, chia sẻ, hỗ trợ của tất cả mọi người. Và để làm được điều đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, hội, đoàn thể… thì rất cần sự đồng lòng, chung tay, đồng tâm, hiệp lực của mỗi người dân, gia đình, cho dù đó là sự hi sinh một phần hạnh phúc đời thường…

Nguyễn Đài Thanh

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.