Hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Chia sẻ

Với Nguyễn Ngọc Hạnh, người thi sĩ của đất Quảng, người mẹ chiếm một phần sâu đậm trong thơ của ông, phần lớn là trong tác phẩm Phơi cơn mưa lên chiều*, một tập thơ đang được độc giả nồng nhiệt đón nhận.

Với Nguyễn Ngọc Hạnh, người thi sĩ của đất Quảng, người mẹ chiếm một phần sâu đậm trong thơ của ông, phần lớn là trong tác phẩm Phơi cơn mưa lên chiều*, một tập thơ đang được độc giả nồng nhiệt đón nhận, được các nhà phê bình nhắc đến nhiều trong thời gian qua trên báo chí.

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chúng ta dễ nhận ra chân dung Mẹ của thi nhân, cũng là người mẹ nghèo của bao người con đất Việt với nét tảo tần, sớm khuya nặng gánh chồng con, cả đời mẹ nhọc nhằn với mưa nguồn chớp bể, ấp ủ đàn con trong đôi gánh tảo tần:

Bóng mẹ gầy
lặn lội bờ sông
Đêm giá lạnh
ẵm bồng ru tiếng khóc
Nỗi niềm trôi xuôi
theo con đò dọc
Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi
                      (Qua đò nhớ mẹ)

Hình ảnh người mẹ  trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - ảnh 1

Bóng dáng người mẹ luôn thấp thoáng đâu đây trong cái ngõ hẹp đầy ký ức của nhà thơ: “Ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn con đường làng/ mỗi ngày mẹ tôi ra sông giặt áo/ mòn ánh trăng khuya/ cong vuốt lưỡi liềm/ rơi xuống chạm ngõ nhà em” (Ngõ hẹp). Đặc biệt trong cái làng ven sông bên chân núi ấy với ông như vòng tay mẹ: “Làng tôi núi bọc bốn bề/ Ấp yêu như vòng tay mẹ/ Ôm tôi cả thời thơ bé/ Bao ngày trôi dạt xa quê” (Chợ quê). Nguyễn Ngọc Hạnh yêu cái làng quê của mình, nên khi xa làng lòng mới đau như cắt: “Đêm xa làng đong đầy nước mắt/ nhớ mẹ tôi/ nhớ cha tôi khuya sớm trên đồng”. Có phải vì thế mà nhà thơ Du Tử Lê viết về tình mẹ và tình quê của Nguyễn Ngọc Hạnh là một cặp song sinh: “không chỉ như hai ngọn hải đăng lớn trong biển nghiệp thi ca Nguyễn Ngọc Hạnh mà, với tôi, nó còn mang tính song - sinh của tâm - lượng thi sĩ giữa con người và đất nước nữa... Nhiều người viết về mẹ, nhưng cách nói về mẹ của Nguyễn Ngọc Hạnh, là cách nói trước đây, tôi chưa hề thấy…”.

Người mẹ của nhà thơ bao giờ cũng hiện lên thật đời thường với đôi quang gánh trên vai sớm tối giữa chợ quê, tảo tần buôn bán nuôi đàn con khôn lớn thành người: “Ai bày ra giữa chợ quê/ Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay” (Chợ quê). Hình ảnh đối lập giữa nét cong của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu gióng, chiếc nón cong vành trì chặt bởi hai đầu quai với “đời con thẳng ngay” gợi nhiều liên tưởng hàm chứa nhân cách của nhà thơ giữa cuộc đời này. Mẹ hi sinh cả cuộc đời để vun đắp cho con, bồi đắp phù sa đời mẹ, gạn đục khơi trong để đời con “ngay thẳng” làm người, dù bao biến động của cuộc đời vẫn không hề vẩn đục.

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh hiển hiện trước chúng ta một người mẹ nghèo, đơn độc, vò võ năm canh, sanh nở đứa con trong niềm đau đứt ruột; để rồi sớm khuya dưỡng dục, đợi chờ chồng trong héo hon mỏi mòn: “Cha đi rồi/ lều tranh một mái/ mẹ một mình/ sanh nở những niềm đau/ giọt nước mắt đắng cay/ ngày mẹ tôi trở dạ” (Chạm đáy sông đầy). Nỗi đau trở dạ ấy cứ trở đi trở lại trong thơ anh như niềm ám ảnh, như nỗi đau đứt ruột của con tằm nhả cho đời những lọn tơ vàng óng, như nỗi trăn trở thao thức của nghệ sĩ khi dâng tặng những đứa con tinh thần quí giá, những bài thơ tha thiết về làng.

Nguyễn Ngọc Hạnh gọi mỗi lần sinh nở của mẹ là một cuộc đi biển, một mình đối diện với con sóng dữ để “cho con lành lặn giấc mơ”(Chỗ mẹ nằm). Ít có nhà thơ nào như Nguyễn Ngọc Hạnh lại “mơ được một lần làm mẹ/ để sinh con”, tình thương yêu ấy đã thấm vào trong từng câu chữ.

Chưa hết, người mẹ ấy không chỉ đau nỗi đau trong cuộc sinh thành mà còn sẵn sàng đối diện với bao kham khổ, khó khăn. Nhà thơ luôn hiểu và đồng cảm với những trăn trở của người mẹ nghèo: “Giá rét trên từng manh chiếu vá/ mẹ chừa bên ráo để con lăn” (Chỗ mẹ nằm). Manh chiếu là mảnh chiếu còn sót lại, lại phải vá vì thủng, vì rách nhưng Mẹ chọn chỗ nằm bên ướt, bên những tủi cực để cho con được lành lặn, ấm áp mà lớn khôn.

Thế nhưng đời mẹ như ngọn bấc lúc cạn dầu, Mẹ không sống mãi cho đến ngày đứa con hiểu ra, đền đáp. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thường nhớ về ký ức, thương lắm ngày xưa, ông luôn ước ao những phút bất chợt, để mơ một giấc mơ về ngày xưa bên mẹ: “giấc mơ về ngày mẹ sinh tôi/ trong vườn lá chuối khô thô ráp”, rồi cảm xúc bất chợt dâng trào: “bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ mơ được một lần làm mẹ để sinh con” (Chạm đáy sông đầy). Người con tha hương ấy dù trải qua bao biến cố cuộc đời, trái tim luôn hướng về Mẹ. Mẹ là cả một niềm thơ, luôn hiển hiện qua hình ảnh người vợ, người con gái, qua nhân vật trữ tình “em”. Nhà thơ đang ngồi hát những câu hát ru của mẹ thưở nào như đang tự sự với chính mình, đang thủ thỉ với người đã khuất: “Nơi mẹ ru em thời thơ ấu/ Là nơi tôi ngồi hát ru mình”.

Có thể thấy, người Mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thật gần gũi, nhân hậu, giàu đức hy sinh như bao bà mẹ quê hương trong trái tim của bao người con xa xứ. Có bà mẹ quê như thế, có một Nguyễn Ngọc Hạnh viết về làng hay như thế thì cái làng ấy làm sao xa cách được với nhà thơ: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”.

Nguyễn Thị Thu Thuỷ
* “Phơi cơn mưa lên chiều”, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Hội Nhà văn 2018. Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.