Có hẹn với chùa Thầy mùa hoa gạo tháng Ba

Chia sẻ

Vẫn có hẹn tháng Ba về với chùa Thầy, về ngắm hoa gạo, về để soi mình dưới bóng nước ngàn đời không đổi. Hoa gạo thì làng quê nào chả có nhưng hoa gạo chùa Thầy cứ ám ảnh một niềm riêng.

Cây gạo chùa Thầy cao vòi vọi bên hồ nước, sét đánh cụt ngọn từ khi nào chẳng rõ. Chênh vênh đón nắng, đón mưa, đón biến thiên thời cuộc và thắp lửa khi mùa về.

Tôi đã gặp rất nhiều bóng dáng cây gạo và màu đỏ như lửa ấy ở mỗi cung đường, mỗi bến nước, mỗi góc phố, bờ đê… đã từng bao ngẩn ngơ thương nhớ. Tôi thương màu đỏ như khát cháy lại rưng rưng, tôi se lòng khi nhìn những bông hoa cô đơn trên mặt đất, rụng rơi rồi mà còn chưa hiểu vì sao? Tôi thương mùa hoa ngắn ngủi, bừng bừng và chóng vánh như cơn gió nào lạc giữa trưa hè rồi lại vụt bay đi.

Ảnh: InternetẢnh: Internet

Và tôi yêu cây gạo chùa Thầy - như yêu người cung nữ già cần mẫn chốn hậu cung. Người cung nữ ấy lặng thầm bao sớm nắng, chiều sương mà người vô tình dường như không biết đến. Để rồi một ngày kia, người ta ngỡ ngàng và choáng ngợp. Từ những thân cành đen mốc, u uẩn, lửa và nhựa tích tự bao giờ để rồi cháy rực. Giữa xa xa bóng núi, thấp thoáng nét cong vênh của mái chùa… những bông hoa như những chiếc khuy đỏ điệu đà in trên nền trời thăm thẳm - người cung nữ tái xuân. Núi và chùa giờ như vệ sĩ cho nàng.

Tôi yêu vẻ kiều mị, đơn độc mà không cô đơn của cái cây ấy bên mép hồ. Nếu ngày thường người ta mê mẩn cái thủy đình ngập nước chơ vơ thì giờ đây, mọi con mắt như bị hút vào một thỏi nam châm màu đỏ. Một màu đỏ nao lòng, cháy dạ tưởng như đốt cả cái xanh trong vời vợi xung quanh. Đứng bên bờ này, ngước sang bờ bên kia, tưởng như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mạc đẹp đến nghẹn ngào. Kìa núi, kìa mây, kìa chùa, kìa cây, kìa cầu Kiều, mái ngói, kìa cỏ xanh và bóng nước…

Vẫn biết xứ Đoài vốn đẹp, vốn thơ nhưng có cảnh sắc nào đẹp và thơ đến thế? Rồi bức tranh ấy chợt sáng lên bởi gam màu ấm nóng , phá cách, hiện đại mà sao vẫn thấy hòa hợp đến lạ kì. Nghịch ngợm hơn, một số cành còn chìa ra như những cánh tay đang vươn dài xuống mặt nước mà người giàu trí tưởng tượng hình dung như những cái râu rồng. Người ta say mê, hao tâm khổ tứ ngắm nghía, thử nghiệm để chọn những góc đẹp nhất, độc nhất, mĩ lệ nhất của bức tranh hoa gạo mỗi tháng Ba nơi này. Vì chẳng ở đâu hay nơi nào có được sự hòa quyện mặn nồng giữa khí sắc và cảnh vật đất trời, cỏ cây như thế.

Tháng Ba trở lại, vẫn thấy thân thương với những ấm nồng như trở lại một góc tâm hồn. Ki nhìn lũ trẻ hồn nhiên đùa nghịch giữa sân chùa, gieo lên vạt cỏ tiếng cười lanh lảnh, trong veo. Tiếng lộp bộp của một bông hoa gạo nào vừa rụng làm lũ kiến trốn trong hốc cây già nua cũ kĩ bỗng thốt giật mình. Bóng những bà già ngồi nhẩn nha dưới mái Nguyệt Tiên Kiều vặn chổi, khâu nón sao mà thanh bình, tự tại. Bên kia Nhật Tiên Kiều, một chị trung niên hối hả với những mẻ vó tôm vừa cất. Nhìn vào cái rổ có phủ mấy túm lá tre xanh chỉ thấy một ít tôm càng nhưng trong mắt chị lấp lánh niềm mãn nguyện. Nhịp sống cứ lặng bình tuôn chảy, không vội vã, bon chen. Như sớm sớm, chiều chiều tiếng chuông chùa thánh thót ngân nga, dội về thanh âm của quá vãng, hiện tại và cả tương lai. Mấy trăm năm rồi vẫn thế, cỏ cây lụi tàn rồi hồi sinh, nắng tắt, chiều buông rồi gió mới, mưa chan.

Như cây gạo già, sẽ còn ở lâu bền với mây trời, núi biếc, với thâm u và cả những dãi dầu. Tưởng mộc mạc, khiêm nhường mà mạnh mẽ khó tin. Lưỡi hái của thần sét không làm mất đi dáng vẻ uy nghiêm mà ngạo nghễ, không làm tan được sắc đỏ lặng thầm mà thấm thía tâm can.

Rồi mùa hoa sẽ qua, những đốm lửa đỏ rừng rực giữa mây trời một ngày sẽ lặn sâu vào trong đất. Như niềm tin được ủ, đến một ngày lên men, lại hát lên bản tình ca về sự sống.

Trở lại chùa Thầy tháng Ba. Gặp mùa hoa không lỡ hẹn. Mong cuộc đời là những mùa hoa. Và lòng người chân thật!

Nhất Mạt Hương

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.