Lao động nữ mang thai được ưu tiên những gì?

Chia sẻ

Tôi là công nhân một xưởng may gia công đã được hơn một năm. Hiện tại tôi có bầu được 3 tháng. Đặc thù công việc của chúng tôi hay phải làm thêm ca, thêm giờ khi có đơn hàng chưa hoàn thành cần kịp tiến độ.

Tôi nghe nói người lao động mang thai cũng có chế độ ưu tiên hơn. Kính mong quý Báo cho tôi biết cụ thể về những quy định của Luật Lao động đối với lao động nữ mang thai như thế nào?

Nguyễn Thị Bình (Thường Tín - Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa 

Trả lời: 

Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012, có hiệu lực ngày 1/5/2013 dành từ Điều 155 đến Điều 160 đã có những quy định riêng biệt cho phụ nữ mang thai, buộc người sử dụng lao động phải tuân thủ, thực hiện đối với những lao động đặc biệt này.

“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ.

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

Lao động nữ cũng được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Nhưng trường hợp nghỉ trước khi sinh con tối đa không quá 2 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi ít nhất thời gian nghỉ đã được 4 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Lao động nữ sau khi nghỉ theo chế độ thai sản được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc. Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Ngoài ra, lao động nữ khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai như khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, thì lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (Điều 159 Luật Lao động).

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015: Lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; cũng có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước. Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Thời gian làm thêm giờ nếu được sự đồng ý của người lao động thì phải tuân thủ theo nội dung của Điều 106 Luật Lao động: Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm; Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Như vậy, chiếu theo những quy định trên, đối với những trường hợp mang thai dưới 7 tháng, thì khi Công ty cần huy động để làm việc cho kịp tiến độ, nếu những người có sức khỏe tốt, không có khuyến cáo đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ sản khoa, được sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động thì có thể làm thêm giờ (nhưng không mang tính bắt buộc) đối với người lao động, đặc biệt là lao động nữ mang thai.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.