DÂY BẦU THÌ CỨ MANG QUẢ BẦU

Chia sẻ

Đây là lần đầu tiên mà trong một cuộc điện thoại tư vấn tâm lý, tôi phải trò chuyện với 3 người trong một gia đình. Họ đang “tức điên lên” với anh con rể cũ và gia đình anh ta, trong khi họ đang phải nuôi thằng bé 10 tuổi, là cháu ngoại của họ và là con ruột của anh ấy.

Người phụ nữ gần 60 tuổi kể: Vợ chồng em sống ở vùng nông thôn, kinh tế không quá khó khăn, có của ăn của để, nhà, đất. Vợ chồng em có hai cháu gái, trước đây cũng hơi buồn, nhưng rồi sau cũng chấp nhận trời cho con nào nuôi con ấy. Cháu gái đầu của chúng em năm nay đã 30 tuổi rồi. Mới học xong cấp ba là cháu yêu và lấy một thanh niên cùng làng, bằng tuổi con gái em. Song, sau khi sinh được “thằng cu”, vợ chồng nó thường xuyên đánh cãi chửi nhau, ngày đôi ba trận. Lý do cũng chỉ vì chúng còn trẻ quá, mới biết ăn, chứ chưa biết nghĩ, biết làm. Có lần vợ chồng chúng đánh nhau to quá, con gái em buồn chán, không dám về nhà bố mẹ đẻ, mà nhảy tàu vào miền Nam, ở nhờ nhà dì. Gia đình thông gia và con rể lên nhà chúng em bắt đền, nói rằng chúng em phải có trách nhiệm bảo con gái về, nếu sau một tuần mà nó không trở lại gia đình thì “bước chân ra đi, cấm kỳ trở lại”. Chúng em gọi điện nói với con gái, cháu tuyên bố “kệ họ, con không sống thế mãi được, con sẽ về ly hôn rồi vào Nam kiếm việc làm và sinh sống”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tòa giải quyết cho con gái em được nuôi con vì cháu còn nhỏ. Thương con gái, vợ chồng em nuôi đỡ cháu để con gái rảnh rang đi làm, kiếm sống. Gần 10 năm nay, chúng em nuôi cháu ngoại, ông bà nội và bố cháu ở cùng làng nhưng không hỗ trợ, giúp đỡ gì. Con gái chúng em giờ cũng lấy chồng, cậu con rể cũ cũng lấy vợ, sinh được 2 đứa con gái nữa rồi. Nói thật, nuôi cháu ngoại là mình đỡ cho con gái, chứ không mong mỏi sau này cháu báo đáp hay thờ cúng gì. Nhưng mà chúng em tức lắm, chịu nhiều “điều ong tiếng ve”…

Trong khi người phụ nữ kể câu chuyện của gia đình, giọng đàn ông ở bên ngoài nói vọng vào, thúc giục: “Bà nói nhanh nhanh lên, đi thẳng vào vấn đề đi. Hay bà đưa máy đây tôi nói chuyện với các bác ấy cho nhanh gọn”. Người phụ nữ đưa máy cho chồng:

- A lô, xin chào bác, em là Hòa, ban nãy bác nói chuyện với vợ em. Câu chuyện thì còn dài dòng, nhưng em xin ý kiến bác là có nên nuôi thằng cháu ngoại 10 tuổi nữa hay là trả nó về cho bố nó và ông bà nội. Mà tiếp tục nuôi nó thì chúng em tức lắm, rác tai lắm…

Đấy, nhà ông bà nội cháu ở mặt đường, có kinh doanh vật liệu xây dựng, bố cũng đi làm, kinh tế khá giả, vậy mà họ không bao giờ hỏi han hay cho thằng bé bất cứ thứ gì. Hàng ngày em chở cháu đi học qua cửa “nhà nó”, nó cũng không chào, cũng không bảo con nó vào nhà chơi. Thế mà nó đi nói khắp làng rằng vợ chồng tôi ngu, nhà không có con trai, có mỗi hai đứa con gái, giờ lại nuôi cháu ngoại, mai kia cái nhà, mảnh đất của chúng em sẽ là của con gái và cháu ngoại, tức là con nó cũng có phần. Nó khoe với mọi người là thừa sức nuôi con, nhưng nó không dại, cứ để cho chúng em nuôi, vừa đỡ vất vả lại đỡ tốn kém. Con nó sau này lớn lên sẽ “theo bên nội”, tìm về “cội nguồn”, không đi đâu mất được. Nó tự khoe số nó sướng, đẻ con không phải nuôi, mai kia vẫn có người chống gậy, đúng là quá sướng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ ngẫm điều con rể cũ và gia đình nó nói với mọi người mà chúng em giận phát điên. Đứa trẻ nó không có lỗi gì, không lẽ bây giờ đuổi cháu ra khỏi nhà hay dắt cháu đến cửa nhà nội nó bỏ đấy?

- A lô – giọng một cô gái trẻ nói – Cháu xin lỗi gì chen ngang cuộc nói chuyện của “người lớn”. Cháu là dì của cháu bé, là con gái út của bố mẹ cháu. Cháu xin bác khuyên bố mẹ cháu cứ mặc kệ họ nói gì thì nói, mình cứ làm việc đúng với lương tâm của mình là được. Không chấp những đối tượng “dân trí thấp”, thời buổi này rồi mà con có suy nghĩ như của năm mươi năm về trước. Đây, bác lại nói chuyện với bố mẹ cháu nhé!

- A lô, anh chị có cô con gái dễ thương quá – chuyên viên tư vấn động viên – Cháu nó nói đúng đấy anh chị ạ. Trước tiên, xét về lý, khi ly hôn, cháu bé được mẹ cháu nhận nuôi. Anh chị chỉ là người giúp con gái mình nuôi cháu để mẹ cháu đỡ vất vả cũng như không vướng bận “con nọ con kia” khi đi bước nữa. Anh chị không có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi cháu ngoại. Cháu còn chưa đủ 18 tuổi, tức vẫn là trẻ con, nên việc thay đổi người nuôi con phải được thỏa thuận của bố mẹ cháu hoặc do tòa quyết định, không phải bên nọ đẩy cho bên kia hay tranh giành nhau được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về mặt tình, cháu sống với anh chị từ nhỏ, đã như một thành viên trong gia đình, chắc chắn có nhiều gắn bó. Anh chị và dì của cháu thương yêu, chăm sóc, cho cháu ăn học là việc làm đúng lương tâm, đúng với tinh thần “dây bầu thì mang quả bầu”. Còn chuyện sau này khi cháu trưởng thành, không ai đoán trước được điều gì, nhưng chắc chắn rằng tình cảm gia đình, tình cha con, tình cội rễ phải được nhen nhóm từ nhỏ, nuôi dưỡng hàng ngày, chứ không tự nhiên mà có. Với suy nghĩ là không cần quan tâm, sau này cháu “tự về với bố”, “tự về bên nội” thật là viển vông, đơn giản, nông cạn. Trong cuộc sống, chúng ta chỉ nhận lại được những gì chúng ta cho đi.

- Vâng, thật ra chính em cũng nghĩ như bác – người đàn ông đáp – Nhưng bà ấy nhà em, là phụ nữ, hay chấp vặt. Cứ nghe người này, người kia truyền tin, rằng nhà nó nói này, nói nọ, thế là về nhà cứ bực tức...

- Hy vọng anh là đàn ông, bình tĩnh, tỉnh táo, ra quyết định phù hợp – chuyên viên tư vấn động viên – Việc mình mình làm, cơm mình mình ăn, cháu mình mình nuôi, ai nói gì cũng cứ “bỏ ngoài tai”, hoặc nói hài hước rằng “Ừ thì chúng tôi ngu nên mới nuôi con của con gái mình”. Anh chị sống thế nào, mọi người đều hiểu ấy mà, không ngại.

Cứ sống vui vẻ, giữ gìn sức khỏe, cái nhà, mảnh đất vẫn là của mình, không ai lấy đi được đâu. Mai kia, khi anh chị đã lớn tuổi, nếu không chủ động phân chia thừa kế cho hai cô con gái thì theo luật thừa kế, tài sản của cha mẹ sẽ được chia đều cho các con, còn các con quyết định như thế nào thì là việc của chúng. Mình hãy cứ sống tốt, yêu thương con cháu, sống vui, sống khỏe.

- Vâng, cảm ơn bác – người phụ nữ cất lời – Em cũng cứ tự động viên mình rằng “phúc đức tại mẫu”, mình sống tử tế để đức cho con cháu bác ạ. Rất vui được nói chuyện với bác hôm nay, khi nào có việc gì , chúng em lại xin phép “làm phiền bác” tiếp ạ. Chào bác nhé!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.