Hồ Tây - vừa quen vừa lạ

Chia sẻ

Nhiều du khách đến Hà Nội đã chọn Hồ Tây cho những ngày lưu trú ở đất Kinh kỳ để tận hưởng sự bình yên, khoáng đạt với nhịp sống thanh bình và chậm rãi của Thành phố. Hồ Tây cũng nằm trong danh sách top 15 địa điểm du lịch vui chơi giá rẻ, thú vị tại Hà Nội được nhiều người yêu thích lựa chọn.

Sớm trong lành trong lòng thành phố

Nằm cạnh khu phố cổ sầm uất và nhộn nhịp, khu vực Hồ Tây được ban tặng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ trữ tình, lãng mạn và giàu chất thơ từ những con đường góc phố, từ những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… Hà Nội vốn là mảnh đất của hàng trăm hồ nước lớn, nhỏ; trong đó Hồ Tây là hồ nước lớn nhất với diện tích rộng khoảng 500ha, chiều dài gần 20km. Nằm cách một con đường là hồ Trúc Bạch, bao bọc phía bên ngoài là sông Hồng đỏ nặng phù sa. Được thiên nhiên ưu đãi, dù ở ngay trung tâm thành phố, với tốc độ phát triển nhanh nhưng ở Hồ Tây, du khách cảm nhận sự thanh bình, khoáng đạt cùng nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống.

Một góc bình yên Hồ TâyMột góc bình yên Hồ Tây.

Những sớm mùa hạ, khi bầu trời mới hửng sáng, người dân từ các nơi đã đổ về Hồ Tây. Trên những con đường nhỏ cây xanh xoà bóng mát, uốn lượn quanh hồ là những dòng người đạp xe, đi bộ. Đông đúc, tấp nập nhưng không ồn ào, dường như không ai muốn phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng, mát mẻ, trong lành. Không gian hồ nước rộng mở thoáng đãng, mặt hồ trong xanh, yên ả đến mức tuyệt đối, mang theo những làn gió mát lành cùng những góc phố làm “đứng hình” những người yêu thích Hà Nội. Mùa nào cũng vậy, quanh Hồ Tây muôn hoa khoe sắc. Hè về, đầm sen bách diệp toả hương thơm ngát, từng búp sen hồng ngát e ấp vươn lên trên mặt hồ gắn liền với nghề trồng hoa, làm trà sen “đệ nhất thiên hạ” nhiều đời nay; những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ khoe sắc trong nắng sớm; hoa điệp vàng vừa lạ lẫm vừa kiêu sa làm đẹp và bừng sáng không gian; Rủ bóng xuống mặt hồ trong xanh là những chùm hoa bọ cạp nước óng ả. Lần nào cũng vậy, đến với Hồ Tây, tâm hồn dường như dịu mát hơn, nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng, bình yên. Không chỉ níu chân du khách từ phương xa, ngay tại Hà Nội, như đã trở thành thói quen, rất đông người dân từ các quận lân cận tìm về Hồ Tây mỗi sáng, vừa để rèn luyện sức khoẻ vừa để sống chậm, “refresh” bản thân, làm vơi bớt những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Hồ Tây mang lại cảm nhận đặc biệt cho du khách. Đó là nơi tìm về những ký ức của người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20 với những vòng xe đạp hoài niệm. Với những du khách, để trải nghiệm và khám phá hết vẻ đẹp của Hồ Tây một cách thú vị nhất là “nhẩy” lên một chiếc xe đạp, đi hết một vòng hồ, cảnh đẹp chỗ nào, dừng lại chỗ đó. Những người có sức khoẻ lại chọn cách tản bộ quanh hồ cùng bạn bè, người thân; “cuốc bộ” gần 20km tưởng là sẽ rất mệt nhưng đối diện với mặt nước hồ, hít một hơi thật sâu để lồng ngực tràn đầy sự mát mẻ, trong lành và hương hoa thơm ngát, bạn sẽ có động lực để chinh phục chặng đường một cách đầy hứng khởi, tận hưởng những khoảnh khắc, khung hình, danh thắng tuyệt đẹp. Với những người dân Thủ đô, Hồ Tây là một trong số ít địa điểm tại nội thành khởi nguồn cho trào lưu ý nghĩa: đạp xe dạo phố. Một ngày hai buổi: sáng và chiều, trên những con đường tràn ngập nắng và gió là dòng người đạp xe theo đoàn, theo nhóm. Có những gia đình, bố mẹ con cái rong ruổi vòng quanh hồ như một cách thư giãn. Kết thúc những vòng xe, chỉ cần dừng lại bất cứ chỗ nào quanh hồ, bạn đều có thể chiêm ngưỡng cảnh bình minh hoặc hoàng hôn mà không bị “chướng ngại vật” nào che lấp, thu vào tầm mắt bầu trời rộng lớn từ từ chuyển đổi một cách đầy thú vị, kỳ vĩ. Sáng sớm, mặt trời đỏ rực như nhô lên từ mặt nước, vầng sáng lan toả dần, bừng sáng không gian rộng lớn, mặt hồ long lanh như dát bạc, nắng sớm chiếu qua các kẽ lá. Trời trở về chiều, hồ Tây biến đổi một cách kỳ ảo, vầng mặt trời đỏ rực soi rọi trên mặt hồ, bầu trời và mặt nước dường như gần nhau hơn. Chỉ cần một cánh chim chao nghiêng bay qua mặt hồ cũng đủ là gạch nối giữa trời – nước khiến cho tâm hồn xao động, gợi những nỗi nhớ niềm thương, khoảng lặng bình yên bên con đường Cổ Ngư tấp nập, hối hả giờ tan tầm.

Khám phá những nét đẹp văn hoá truyền thống

Cũng giống như khu phố cổ, phố cũ ở Hà Nội, Hồ Tây là nơi mà các địa danh đều mang trong mình những giá trị lịch sử quý giá, truyền thống văn hoá tốt đẹp đặc trưng của người Hà Nội từ bao đời nay. Sẽ thật là thiếu sót nếu trong hành trình khám phá Hồ Tây mà không ghé thăm những danh thắng, di tích nổi tiếng. Đặc biệt, đây là khu vực có nhiều trang ấp, làng cổ; mỗi trang ấp, ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng gắn liền với những ngôi chùa cổ, làng nghề truyền thống nổi tiếng vang danh đất kinh kỳ từ xa xưa như nghề làm giấy, dệt vải, nuôi cá cảnh… Nổi danh và được gìn giữ, phát triển đến hôm nay là các làng nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng bao bọc quanh hồ: Tứ Tống, Nghi Tàm, Quảng Bá… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ riêng có chỉ ở Hồ Tây.

Đạp xe quanh hồ trở thành trào lưu lành mạnh của người dân Thủ đôĐạp xe quanh hồ trở thành trào lưu lành mạnh của người dân Thủ đô

Gắn liền với những ngôi làng cổ là hệ thống đền, chùa cổ kính, uy nghiêm và đều là những nơi linh thiêng bậc nhất của kinh kỳ. Có niên đại hàng ngàn năm tuổi, dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng những ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẹn nét trầm mặc, rêu phong với kiến trúc cổ vô cùng tinh tế và độc đáo, nép mình bên những hàng cây xanh cổ kính tỏa bóng mát; là nơi lữu giữ nhiều tư liệu, kỷ vật quý giá, mang nhiều giá trị lịch sử. Đặc biệt, toàn bộ các di tích lịch sử văn hóa ven hồ đều chọn hướng cửa chính trông ra lòng hồ. Ngoài phủ Tây Hồ nổi tiếng, quanh Hồ Tây còn là nơi tọa lạc của chùa Vạn Niên được xây dựng dưới thời Lý, làm hoàn toàn bằng gỗ, trạm khắc hoa văn tinh xảo; chùa Thiên Niên (chùa Trích Sài) với 34 pho tượng tròn có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 và 7 bia đá, tấm cổ nhất được dựng vào năm 1709; là nơi nhiều nhà nghiên cứu, người dân đến tìm hiểu và lễ phật; chùa Võng Thị (Vinh Khánh tự) được xây dựng vào thời hậu Lê trên diện tích 5.000m2, một trong những quần thể kiến trúc bậc nhất tại Hồ Tây với hàng chục nghìn bức tượng chạm khắc tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao; chùa Tảo Sách được xây dựng từ thế kỷ 16 thu hút rất nhiều du khách, sĩ tử đến lễ phật, đọc sách, vãn cảnh.

Ngôi chùa cổ nhất tại Hà Thành cũng nằm ở khu vực này. Đó chính là đền Quán Thánh - một trong bốn Tứ Trấn Thăng Long, có mặt chính nhìn ra Hồ Tây, sở hữu pho tượng thánh Trấn Vũ đúc năm 1677 - pho tượng đồng thuộc dạng kiệt tác của nghề đúc đồng làng Ngũ Xã được xem là báu vật nước Việt. Cách đền Quán Thánh không xa là chùa Trấn Quốc với hơn 1.500 tuổi. Tờ Daily Mail của Anh, chuyên trang du lịch uy tín Thrillist cùng bình chọn, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Trấn Quốc vẫn vẹn nguyên kiến trúc độc đáo, hoa văn chạm trổ tinh xảo mà màu thời gian nhuốm đều trên từng viên ngói, hàng gạch… là sự kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính với sự nên thơ soi bóng xuống hồ nước mênh mang của ngôi chùa linh thiêng ngàn năm.

Không đồ sộ hoành tráng, không màu mè tô điểm, những ngôi đền, chùa cổ kính quanh Hồ Tây mang nét hấp dẫn riêng để mỗi khi bước chân qua bậc thềm là một lần du khách và người dân bỏ qua những phiền muộn lo lắng nhỏ nhặt thường nhật, tâm hồn lạc chốn thiền môn, bình yên, thanh tịnh nhẹ nhàng đến lạ. Trang ấp xưa đã thành phố phường nhưng mỗi địa danh, di tích vẫn là câu chuyện lịch sử ý nghĩa nhắc nhở du khách và mỗi người về nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc của một vùng Hồ Tây.

LAN ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.