Đừng để bé gái không có cơ hội chào đời

Chia sẻ

Báo cáo tình trạng Dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số liên hợp quốc (UNFPA) vừa công bố ngày 17/7/2020 cho thấy, ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái. Điều này có nghĩa 40.800 bé gái tại Việt Nam sẽ không có cơ hội chào đời vì mình là con gái.

Đừng để bé gái không có cơ hội chào đời - ảnh 1 (Ảnh: minh họa).

Tâm lý ưa thích con trai khiến cho việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Nó trở thành nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tại Việt Nam.

Theo Báo cáo của UNFPA, cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và những thực hành làm tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái. Năm nay, bản báo cáo tập trung vào 3 thực hành phổ biến nhất trong số 19 thực hành có hại vi phạm quyền con người. Đó là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn và định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai.

Trên thế giới, năm nay ước tính 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện nay, 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.
Tại Việt Nam, năm 2004, lần đầu chúng ta ghi nhận sự mất cân bằng về TSGTKS, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, TSGTKS năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai/ 100 bé gái. Nguyên nhân của việc gia tăng TSGTKS gồm 3 nhóm: Tâm lý ưu thích con trai trong xã hội; Ảnh hưởng từ việc giảm sinh; Sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại khiến cho các điều kiện chẩn đoán giới tính trước sinh và phá thai chọn lọc giới tính phát triển.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại và ăn sâu trong ý thức các gia đình Việt. Chính định kiến giới này đã khiến vai trò của phụ nữ và trẻ em gái bị hạ thấp, thậm chí bị vùi dập, không có cơ hội chào đời ngay từ khi còn thai nhi.
Các nghiên cứu xã hội cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, hôn nhân gia đình và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ theo đó sẽ gia tăng... Hậu quả này đã được chứng minh ở một số nước trải qua tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nặng nề như chúng ta.

Thách thức chính trong giải quyết vấn đề ưu thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới ở Việt Nam là sự cân bằng giữa đảm bảo thực thi pháp luật trong việc cấm thực hành lựa chọn giới tính khi sinh thai nhi và bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ. Việc tăng cường luật pháp và thực thi luật pháp nhằm hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi có thể sẽ khiến nhiều phụ nữ sử dụng các dịch vụ phá thai bất hợp pháp và không an toàn.

Chúng ta cần chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Giải pháp hướng đến là cần có những tác động nhằm làm thay đổi các chuẩn mực xã hội và tâm lý ưu thích con trai. Việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới tập trung vào vấn đề phân biệt đối xử trong gia đình. Những thay đổi trong tập quán cư trú "con gái sống ở nhà chồng" và thừa kế sẽ giúp củng cố quyền năng của phụ nữ và nâng cao giá trị con gái trong suy nghĩ của cha mẹ và cộng đồng. Việc tăng cường quyền cho phụ nữ, đề ra những chính sách cụ thể, rõ ràng hơn trong vấn đề đầu tư và bảo vệ trẻ em gái cần đưa vào thực thi trong cuộc sống trong một lộ trình lâu dài.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; Tăng cường kiến thức về quyền của phụ nữ cho người dân và khuyến khích con gái khẳng định quyền thừa kế tài sản gia đình; Cần có nhiều chính sách, chương trình thu hút nam giới tham gia xây dựng nếp sống mới trong gia đình; Tiếp tục vận động nam giới tham gia hành động để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích vai trò tích cực của nam giới trong việc chủ động chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên định kiến giới. Việc tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cho người cao tuổi nhằm giảm nhu cầu sinh con trai để làm chỗ dựa tuổi già cũng cần triển khai.

Chỉ khi nào các bé gái được đảm bảo quyền được sinh ra, được sống và bất kỳ trẻ em gái nào cũng không bị bỏ lại phía sau, thì chúng ta mới đạt được mục tiêu bình đẳng giới và phát triển xã hội bền vững.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.