Bài cuối: Nâng cao chỉ số niềm tin của dân với Đảng

Chia sẻ

Việc nâng cao chỉ số niềm tin của dân đối với Đảng rất quan trọng. Vì nó thể hiện niềm tin yêu của nhân dân vào Đảng, vào chế độ XHCN. Điều này phụ thuộc vào uy tín, đạo đức, phong cách làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng đối với nhân dân.

Người dân chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu ủng hộ đội ngũ y tế và bệnh nhân tại khu vực cách ly bệnh viện C Đà Nẵng.Người dân chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu ủng hộ đội ngũ y tế và bệnh nhân tại khu vực cách ly bệnh viện C Đà Nẵng. (Ảnh: Lê Lâm/TTXVN)

Cầu nối làm cho dân tin Đảng, yêu Đảng

Với 50 năm tuổi Đảng, ông Lê Thế Lân (SN 1948, trú tại tổ dân phố số 3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 10 năm làm công tác hòa giải. Trong bối cảnh phường Mễ Trì đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, trên địa bàn phường có nhiều dự án trọng điểm, dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, đặc biệt là tranh chấp, mâu thuẫn trong vấn đề đất đai, công tác hòa giải rất quan trọng. 

Trên cương vị Tổ trưởng tổ hòa giải, qua công tác hòa giải, ông tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, giáo dục pháp luật cho nhân dân, từng bước xây dựng ý thức công dân. Nhờ đó, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời, tránh khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.

Ông đã cùng với tổ hòa giải tham gia hòa giải trực tiếp thành công trên 500 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trên địa bàn. Trong đó đặc biệt có vụ việc tranh chấp giữa anh em ruột về đất đai kéo dài từ năm 1993 đến nay. Chính quyền các cấp, TAND thành phố Hà Nội nhiều lần hòa giải không thành. Ông đã trực tiếp tìm hiểu và kiên trì vận động, khuyên giải đôi bên.

Kết quả, ông đã hòa giải thành công vụ việc này, không chỉ mang lại sự đoàn kết êm ấm trong hai gia đình, đảm bảo trật tự trên địa bàn mà còn chấm dứt việc khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm của hai gia đình lên các cấp chính quyền TP. Năm 2019, ông được TP Hà Nội tặng Bằng khen Hòa giải viên giỏi.

Trong vai trò là một đảng viên, ông Lân luôn quan niệm mỗi một người đảng viên phải làm sao có được chữ tín với dân thì dân mới tin tưởng vào Đảng. Đảng viên không gần dân, không gương mẫu sẽ chẳng bao giờ khiến dân tin tưởng. Từ chỗ tin tưởng, dân mới yêu Đảng và một lòng theo Đảng, ủng hộ mọi chủ trương chính sách của Đảng đề ra. Chỉ số lòng dân đối với Đảng cao hay thấp ngoài những chính sách hợp lòng dân ra, còn có uy tín của mỗi đảng viên gần dân, sống cùng dân hàng ngày.

Gần 2 năm nữa, đại tá Vương Đình Chất (SN 1928 trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ vinh dự nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng. Cả cuộc đời gắn bó với Đảng, ông Chất cũng cho rằng nhân dân rất tin tưởng vào chính sách, chủ trương của Đảng từ chính tinh thần nêu gương, gương mẫu của mỗi đảng viên.

Điều này đã giúp lan tỏa niềm tin đối với Đảng trong nhân dân rất nhiều. Chính vì thế, ông đã định hướng cho 3 người con của mình đều phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và tự hào hơn, 3 người con rể, con dâu của ông sau này cũng đều là đảng viên, sống gương mẫu đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ, phát triển đất nước.

Cán bộ, đảng viên tha hóa, giảm sút niềm tin của dân với Đảng

Trong nền kinh tế thị trường, có một bộ phận đảng viên đang tự diễn biến, tự tha hóa gây nên thiệt hại trầm trọng về kinh tế của đất nước, đồng thời làm giảm sút niềm tin của dân vào Đảng. Điều này đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Đặc biệt thời gian gần đây, việc kỷ luật hàng loạt trong Đảng đối với một số cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp trung ương đã khiến uy tín của Đảng đối với nhân dân có phần giảm sút. Do đó, để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, công tác cán bộ của chúng ta cần có sự đổi mới.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Tống Đức Thảo - Phó TBT Tạp chí Lý luận Chính trị - chuyên gia nghiên cứu chính trị học (Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Đảng nắm công tác cán bộ là nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua số cán bộ các cấp bị kỷ luật. Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc đó nằm ở khâu tuyển chọn cán bộ. Có khi đúng quy trình nhưng chọn sai cán bộ. Lỗ hổng trong công tác cán bộ khi để con voi chui lọt lỗ kim.

Việc đưa ra xét xử nghiêm minh  các cán bộ, đảng viên tham ô, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế Nhà nước gần đây đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.Việc đưa ra xét xử nghiêm minh các cán bộ, đảng viên tham ô, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế Nhà nước gần đây đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. (Ảnh: Lê Lâm)

Theo tôi, chúng ta cần đổi mới tổng thể công tác cán bộ, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bổ nhiệm, luân chuyển đến đánh giá cán bộ. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu của tổ chức trong công tác cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện quy trình công tác cán bộ. Đặc biệt phải có chiến lược, xác định tầm nhìn dài hạn trong công tác cán bộ. Tiến hành công khai quy hoạch cán bộ để nhân dân theo dõi những người được quy hoạch, và cũng là dịp để cán bộ diện quy hoạch xác định trách nhiệm với nhân dân".

Cũng theo ông Thảo, công tác luân chuyển cán bộ lâu nay chúng ta mới tiến hành luân chuyển trên xuống và chủ yếu làm cấp phó. Cấp phó không phát huy được hết trách nhiệm, không được giao những vị trí then chốt, ít khả năng bộc lộ được năng lực và khả năng quyết đáp các vấn đề trong thực tiễn. Vì vậy luân chuyển nên từ hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên tạo cơ hội cho những cán bộ cơ sở có phẩm chất và năng lực được rèn luyện và trưởng thành ở vị trí cao hơn.

Chúng ta cũng nên tiến hành luân chuyển ngang từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ cán bộ thạo công tác Đảng sang công tác chính quyền và ngược lại. Như vậy, cán bộ của chúng ta sẽ hoàn thiện nhiều phương diện công việc và có thể thích ứng được với môi trường thay đổi và kịp thời ứng phó được với những lĩnh vực công tác lúc đầu xác định không phải sở trường.

Lòng dân là "quốc bảo"

Nói về vai trò của dân đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Dân như nước, cán bộ như cá. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Vì thế, nếu không có dân, sự tồn tại của Đảng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ, cả các tổ chức quần chúng cũng vậy.

Do đó, vấn đề nâng cao chỉ số lòng dân đối với Đảng rất quan trọng. Tiến sĩ Thảo cho rằng: “Chỉ số lòng dân hay chỉ số hài lòng của người dân luôn là một chỉ báo quan trọng đối với chế độ chính trị, đối với thể chế chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chỉ số lòng dân đối với Đảng, theo tôi thì Đảng phải tự kiểm soát quyền lực của mình, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Nâng cao năng lực và tính chính đáng trong sự cầm quyền của Đảng. Dân chủ trong Đảng lan tỏa ra dân chủ trong toàn xã hội. Công khai, minh bạch, thực hiện dân chủ cơ sở, mở rộng dân chủ sao cho người dân được tham gia nhiều hơn nữa giám sát tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cũng như chính quyền địa phương các cấp".

Nói về lòng dân, trong một bài viết của mình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định: "Ông cha ta, từ sự hưng vong của các triều đại, từ các cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm đã đúc rút, khẳng định và nhắc nhở các thế hệ cháu con: chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân; khoan thư sức dân làm kế “sâu rễ bền gốc” là thượng sách để giữ nước; nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả... Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam".

Một ví dụ cụ thể là trong cuộc chiến Covid mà chúng ta đang thực hiện cho thấy lòng dân tin tưởng rất cao vào chủ trương của Đảng, qua sự chỉ đạo nhất quán, đồng lòng từ Đảng, Chính quyền đến nhân dân.

Theo Tiến sĩ Thảo, cuộc chiến chống Covid là dịp kiểm chứng năng lực ứng phó của hệ thống chính trị của chúng ta, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính ưu việt của chế độ chính trị mà chúng ta đang xây dựng. Đây còn là dịp chúng ta khẳng định niềm tin của nhân dân với chế độ và với sự cầm quyền của Đảng.

Tuy nhiên, khi đại dịch đi qua, để giữ được niềm tin đó và tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, thì Đảng cần tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mà người đứng đầu Đảng đang tiên phong và rất quyết liệt. Đẩy lùi nạn tham nhũng, thu hồi lại được tài sản của Nhà nước thất thoát chính là cách tốt nhất củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh  phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh quốc tế mới.

Trong diễn văn kỷ niệm 90 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Việc xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề cấp thiết, sống còn trong bối cảnh hiện nay, quyết định sự hưng thịnh hay tồn vong của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người được giao trọng trách với dân, với nước, trước mỗi việc làm, mỗi lời nói, trước mỗi quyết định hãy luôn đặt lợi ích của tập thể, của tổ chức và của đất nước lên hàng đầu theo đúng tinh thần của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh” và đừng bao giờ quên “dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

 HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.