Cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung và thai nhi 25 tuần tuổi: Y văn thế giới chưa ghi nhận

Chia sẻ

Trong y văn thế giới chưa ghi nhận ca bệnh bị vỡ tử cung nhưng thai nhi vẫn tiếp tục được nuôi trong bụng mẹ thêm 5 tuần trước khi chào đời. Điều đặc biệt hơn nữa là tử cung của người mẹ được bảo toàn.

Đây là trường hợp hy hữu đặc biệt được điều trị thành công lần đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và là ca bệnh chưa được ghi nhận trong y văn thế giới.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về ca bệnh. Ảnh: VGP/Thuý HàPGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về ca bệnh. Ảnh: VGP/Thuý Hà

“Đây là ca hy hữu trên thế giới, giới chuyên môn chúng tôi chưa thấy, sản phụ bị vỡ tử cung nhưng vẫn cứu được cả thai và mẹ, đặc biệt tử cung của sản phụ vẫn được bảo tồn”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, trường hợp đặc biệt này là sản phụ Trần Thị V.A, 21 tuổi, ở Phú Thọ, sinh con lần đầu, bị dị dạng tử cung (có tử cung phụ ngay cạnh tử cung mang thai).

Khi mang thai ở tuần thứ 25, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, vỡ ối, bào thai mới chỉ có 600 g. Sản phụ đã đi khám tại một số cơ sở y tế và được chẩn đoán bào thai có bất thường, có chỉ định đình chỉ thai. Tuy nhiên, gia đình sản phụ vẫn tiếp tục đi thăm khám tại một số cơ sở y tế khác với hy vọng được truyền nước ối để giữ nuôi thai. Tuy nhiên, tại một bệnh viện tư nhân được phép thực hiện truyền ối nuôi thai vẫn từ chối và khuyên sản phụ nên đình chỉ thai vì nghi thai có bất thường.

Thêm một lần nữa, gia đình sản phụ tiếp tục hy vọng và tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. BS CKII Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, trường hợp bệnh nhân này rất đặc biệt, có dị dạng tử cung, kết cấu kém bền chắc, có tử cung nhỏ ngay bên cạnh tử cung đang mang thai. Đặc biệt, khi nghe bệnh nhân kể, thai ở tuần thứ 24 thì bệnh nhân bị đau bụng quằn quại và nước ối đột ngột cạn kiệt. Lúc này, các bác sĩ nghĩ đến trường hợp vỡ tử cung gây hết nước ối, chứ không phải là vỡ ối như các ca bệnh thông thường ở âm đạo. Khi siêu âm, các bác sĩ cũng chẩn đoán có vùng cơ tử cung rất mỏng và không liên tục và nghĩ rằng tử cung đã bị thủng ở đoạn đó. Khi đánh giá toàn trạng thai thì thấy thai phát triển hoàn toàn bình thường, sức khoẻ của mẹ ổn định nên Bệnh viện và gia đình quyết tâm giữ thai.

Ngay sau đó, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cùng ekip bác sĩ của Bệnh viện thực hiện truyền ối để nuôi thai. Đây cũng là một lần để khảo sát chính xác toàn trạng thai để khẳng định thai hoàn toàn bình thường cũng như lấy nước ối để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể của thai nhi cũng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khẳng định chắc chắn sản phụ bị vỡ tử cung, vì nước ối giảm dần và chỉ nằm trong ổ bụng. Tình trạng nước ối lại cạn kiệt như trước, tuy nhiên do thai nhi vẫn phát triển bình thường và sức khoẻ của sản phụ cũng rất tốt nên các bác sĩ và gia đình quyết tâm truyền ối lần 2 và dùng thuốc để tử cung của sản phụ không co, đồng thời hạn chế nhiễm trùng cho mẹ.

Cứ như vậy, sau 5 tuần điều trị, đến khi thai nhi được 31 tuần, nặng 1,5 kg, các bác sĩ nhận thấy, thai nhi không có thể tăng cân được nữa và quyết định mổ lấy thai. Đó là một bé trai, khỏe mạnh, hồng hào, khóc tốt, bú mẹ. Đặc biệt nữa là mẹ được bảo tồn tử cung. Sau phẫu thuật, cả sản phụ và trẻ đều khoẻ mạnh. Sản phụ đã được ra viện, còn trẻ tiếp tục được chiếu đèn vì sơ sinh non tháng, vàng da. Dự kiến, khoảng 1 tuần nữa, trẻ có thể được xuất viện.

Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, đến bây giờ, cả mẹ và trẻ đều khoẻ mạnh, chúng tôi mới cảm nhận được sự chiến thắng thực sự. Trong khoảng thời gian 5 tuần theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho cả sản phụ và thai nhi, các bác sĩ của Bệnh viện phải đấu trí liên tục, làm sao để sản phụ không bị nhiễm trùng, nếu nhiễm trùng thì rất khó giữ tính mạng cả mẹ và con, sau đó là nỗi lo thai có tiếp tục phát triển không, vì thai non, phổi chưa trưởng thành thì không thể cứu sống, dù có sinh cũng rất khó nuôi.

“Vỡ tử cung là tai biến sản khoa có thể gặp bất cứ thời điểm nào, trong chuyển dạ cũng như trong quá trình mang thai. Vỡ tử cung là trường hợp tối cấp cứu, có thể xảy ra tử vong trong thời gian ngắn do mất máu. Tuy nhiên, một thai phụ mang thai 25 tuần bị vỡ tử cung, thai nhi chỉ 600 g nhưng chúng tôi đã cứu sống cả mẹ và con bằng giải pháp tạm thời truyền ối, nuôi dưỡng bào thai đến 31 tuần, thai được 1,5 kg. Tất cả chúng tôi thực sự vỡ oà trong chiến thắng này”, PGS Nguyễn Duy Anh chia sẻ.

Sản phụ này cũng có thể mang thai lần 2 - đây là điều vô cùng may mắn với sản phụ. Tuy nhiên, khi mang thai lần 2, sản phụ cần phải được theo dõi chặt chẽ ngay từ khi có ý định mang thai.

 Dự kiến 1 tuần nữa, trẻ sẽ được xuất viện. Ảnh: VGP/Sim NguyễnDự kiến 1 tuần nữa, trẻ sẽ được xuất viện. Ảnh: VGP/Sim Nguyễn

Người đứng đầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng nhấn mạnh, trường hợp này là minh chứng của thành tựu can thiệp bào thai trong tử cung – một kỹ thuật cao nhất của lĩnh vực sản phụ khoa hiện nay trên thế giới. Kỹ thuật này đã mở ra nhiều khả năng cứu sống kỳ diệu nhiều trẻ thơ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Nhiều trường hợp bệnh lý thai nhi trước đây (ước tính vài nghìn ca), các bác sĩ cũng chỉ biết chấp nhận và khuyên sản phụ đình chỉ bào thai, đối với song thai hoặc là cứu một bào thai, bỏ một bào thai hoặc là đình chỉ cả 2 thai, thậm chí có thai nhi khi sinh ra bị dị dạng bẩm sinh, bị bệnh não…Tuy nhiên, với phương pháp này, khả năng tăng cơ hội sống cho bào thai rất nhiều.

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở công đầu tiên thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai trong tử cung và đã ghi nhận nhiều thành công.

THÚY HÀ/Chinhphu

Theo http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/Cuu-song-san-phu-bi-vo-tu-cung-va-thai-nhi-25-tuan-tuoi-Y-van-the-gioi-chua-ghi-nhan/404709.vgp

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.