Chương trình “9+Cao đẳng”: Còn nhiều nội dung gây tranh cãi

Chia sẻ

Đã 3 tháng kể từ khi gửi công văn kiến nghị khẩn về dừng triển khai Chương trình “9+Cao đẳng” ở các địa phương tới Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT), đại diện Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam cho biết họ chưa nhận được hồi âm từ Bộ.

Trong bối cảnh chương trình vẫn được giới chuyên môn cho là giải pháp tốt giúp thúc đẩy việc phân luồng học sinh sau THPT.

Chương trình “9+Cao đẳng”có nhiều ưu điểm

Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Chương trình “9+Cao đẳng” hiện đang được Bộ LĐTB&XH triển khai ở một số trường là cách gọi tắt của chương trình được quy định để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng được giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ. Chương trình này có ưu điểm tiết kiệm chi phí, thời gian đào tạo. Thông thường khi hoàn thành chương trình THCS, học sinh học tiếp lên THPT sau đó học trung cấp, cao đẳng với thời gian khoảng từ 5-6 năm. Trong khi, nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp Chương trình “9+Cao đẳng”, thời gian sẽ rút ngắn chỉ còn 3-4 năm. Bên cạnh đó, các học sinh vẫn có thể thực hiện học liên thông lên trình độ cao hơn khi đã đảm bảo các điều kiện theo quy định, văn bản pháp luật của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng như Luật Giáo dục Nghề nghiệp.

Theo ông Giang, trên thế giới, một số quốc gia cũng đã áp dụng thành công mô hình 9+, học sinh được phân luồng ngay từ THCS. Việt Nam kế thừa, học theo mô hình này trong bối cảnh đang cần nhiều nhân lực có kỹ năng nghề. Nếu từ nhỏ, các học sinh đã được đào tạo kỹ năng nghề thì nguồn nhân lực sau này sẽ rất tốt.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về Chương trình “9+Cao đẳng”Hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về Chương trình “9+Cao đẳng”

Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội cũng cho rằng, với chương trình “9+Cao đẳng”, sau khi học hết cấp 2, học sinh có thể chọn học hai chương trình văn hóa và chương trình nghề tại trường trung cấp, các trường cao đẳng. Chương trình văn hóa đã được rút gọn để đảm bảo những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh, phục vụ trực tiếp cho nghề của các em. Vậy là sau khoảng thời gian từ 2-3 năm các em đã có bằng trung cấp và khoảng 4 - 4,5 năm có bằng cao đẳng, khoảng 5 năm lên đến đại học. Với việc rút ngắn thời gian đào tạo, học sinh có cơ hội sớm gia nhập thị trường lao động, kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình.

Hay phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo?

Trái với quan điểm ủng hộ, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đại diện Hiệp hội cho rằng Chương trình “9+Cao đẳng” đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo.

TS Nhĩ phân tích, theo Luật Giáo dục để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS học sinh sau lớp 9 được tư vấn chọn học theo 2 luồng THPT và Trung cấp (dạng đào tạo nguồn lao động trực tiếp). Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Trung cấp có thời gian đào tạo là 1-2 năm đối với người học tốt nghiệp THCS. Như vậy xảy ra bất cập là tuổi lao động của người tốt nghiệp quá sớm và đối chiếu với phân loại tiêu chuẩn giáo dục quốc tế (ISCED) 2011 thì Trung cấp chỉ tương ứng với cấp độ 2, không đạt được cấp độ 3 như THPT nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học (Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành).

Trước lý giải ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có các chương trình như vậy, TS Nhĩ cho rằng, ở những quốc gia đó, thời gian đào tạo là 5 năm, bao gồm 3 năm đào tạo chương trình trung học nghề và 2 năm đào tạo chương trình cao đẳng. Trong khi đó, chương trình “9+Cao đẳng” đang áp dụng ở một số trường cao đẳng chỉ kéo dài 3,5 năm thì khó đảm bảo chất lượng đào tạo với thời gian rút gọn như vậy. Ngoài ra, với Chương trình “9+Cao đẳng”, thời lượng dành cho chương trình THPT không quá 2 năm, trong khi thời gian này theo Điều 28 Luật Giáo dục là 3 năm.

PGS.TS Nhĩ đặt câu hỏi, với thời gian học rút gọn như vậy thì người học làm sao đủ điều kiện để được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục).

Ngoài ra, theo Chương trình “9+Cao đẳng” thời lượng dành cho dạy nghề không quá 1 năm, trong khi Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp là 1-2 năm cho thấy trình độ trung cấp nghề ở Chương trình “9+Cao đẳng” thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước. Thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm trong khi quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp là 1-2 năm… Như vậy trình độ cao đẳng ở Chương trình “9+Cao đẳng” khá thấp so với trình độ cao đẳng ở Luật Giáo dục Nghề nghiệp và rất thấp so với trình độ cao đẳng theo ISCED-2011.

Từ sự phân tích này, ngày 20/8/2020, Hiệp hội Các trường cao đẳng, đại học Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo Vụ Trung học phổ thông và các Sở GD-ĐT khẩn trương rà soát lại Chương trình “9+Cao đẳng”; không cho phép những học sinh ở các chương trình này được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo Vụ Giáo dục Đại học và các trường đại học trên toàn quốc không tiếp nhận những người theo học chương trình “9+Cao đẳng” vào học các chương trình liên thông đại học.

Có thể thấy, hiện nay, vẫn còn nhiều nội dung gây tranh cãi xung quanh Chương trình “9+Cao đẳng”. Nhiều chuyên gia cho rằng, hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB và XH cần “ngồi lại”, thống nhất quy định khối lượng kiến thức văn hóa và công nhận khối lượng kiến thức văn hóa theo quy định của Luật Giáo dục mới.

Một hiệu trưởng trường cao đẳng nghề bày tỏ, hiện nay: “Chương trình “9+Cao đẳng” tạo điều kiện cho học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. Tuy nhiên, cũng vì thế mà các học sinh bị mệt mỏi do phải học nghề tại trường nghề còn học văn hóa tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Do đó đề nghị, hai Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB& XH cần xem xét giao cho các trường nghề được đào tạo văn hóa nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Chúng ta cần sớm kết thúc tranh luận về Chương trình đào tạo này vì sự phát triển của giáo dục nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển đất nước và cũng để học sinh và gia đình an tâm trong chọn lựa của mình”.

Bài và ảnh: TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…