Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng các đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Chia sẻ

Sáng 4/12, phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (thành phố Hà Nội).

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Quang cảnh Đại hội.Quang cảnh Đại hội. (Ảnh: Lao độmg)

Tham dự Đại hội về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.

Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Niềm tin được nhân lên khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TƯ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.

Với nỗ lực thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, 10 năm qua (2010-2020), kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế…

Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người; 82,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm.

Tại Đại hội, các đại biểu đã tham luận về nhiều nội dung: Giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói và chữ viết; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một bông sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở cần có trách nhiệm đẩy mạnh phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TƯ ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; nỗ lực cao nhất nhằm giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi các nghị quyết, quyết định về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần phát huy tính năng động, sáng tạo, trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và tránh tái nghèo. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời cần kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững.

“Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng các đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội yêu cầu các trường học tuyên truyền, khuyến cáo về các nguy cơ đuối nước trong dịp hè

Hà Nội yêu cầu các trường học tuyên truyền, khuyến cáo về các nguy cơ đuối nước trong dịp hè

(PNTĐ) - Sau khi nhận thông tin về việc 2 học sinh lớp 11 trường THPT Phúc Lợi và THPT Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) đuối nước tại khu vực bãi sông Hồng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo khẩn gửi các trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn, yêu cầu các trường học tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh, khuyến cáo về các nguy cơ đuối nước trong dịp hè.
Gần 70 kiều bào thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI

Gần 70 kiều bào thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) – Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.