Hà Nội: Tăng tần xuất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần

Chia sẻ

Chiều 24/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

4 chùm ca bệnh mới phát sinh

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, trên cả nước, từ ngày 27/4/2021 đến nay cả nước ghi nhận 2.220 ca mắc mới tại 30 tỉnh, thành phố. Cộng dồn từ năm 2020 đến nay ghi nhận 5.217 ca mắc, 42 ca tử vong.

Tại Hà Nội, cộng dồn từ ngày 29/4/2021 đến nay ghi nhận 122 ca mắc tại 19 quận, huyện, liên quan đến các chùm ca bệnh, cụ thể 4 chùm ca bệnh mới phát sinh:

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ ngày 9/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 122 ca mắc tại 19 quận, huyện liên quan đến nhiều chùm ca bệnh, (Thanh Xuân 21, Thường Tín 19, Gia Lâm 13, Đông Anh 11, Hà Đông 8, Phúc Thọ 8, Hoàng Mai 7, Sóc Sơn 5, Bắc Từ Liêm 5, Hai Bà Trưng 5, Ba Đình 4, Đống Đa 4, Hoàn Kiếm 2, Thanh Oai 2, Long Biên 2, Nam Từ Liêm 2, Thanh Trì 2, Đan Phượng 1, Thạch Thất 1).

 Trong đó có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh, được xác định phức tạp:

1. Chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Park 11 Times City: Có 15 F0

2. Chùm ca bệnh nhập cảnh người Ấn Độ tại Park 9 Times City, quận Hoàng Mai: 2 F0 thuộc cùng 1 gia đình.

3. Ca bệnh liên quan đến chùm ca tại Hải Dương: Có 1 F0 tại huyện Gia Lâm.

4. Ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long: 1 F0 là bác sỹ tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 được xét nghiệm lần 1 âm tính vào ngày 20/5. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có 2 chùm ca bệnh cũ vẫn phát hiện thêm ca mắc mới. Hiện nay các khu cách ly tập trung ở Nam Từ Liêm và Thạch Thất có nhiều ca F1 đã chuyển thành F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại Đà Nẵng và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Ban Chỉ đạo nhận định, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao bởi các lý do: Xuất hiện ổ dịch mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và tòa Park 11 khu đô thị Times City chưa xác định được nguồn lây.

Hà Nội: Tăng tần xuất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần - ảnh 1

Ổ dịch tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong bệnh viện, trong khu cách ly. Tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp (Bắc Giang 952 ca, Bắc Ninh 474 ca) và có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả giải trình tự gen của 17 mẫu bệnh phẩm đều là chủng gây bệnh ở Ấn Độ (B.1.617.2) có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Hiện mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng nên thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới.

Trước nguy cơ dịch bệnh ở mức cao, Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thần tốc truy vết các trường hợp F1 và người liên quan, tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng xử lý dịch kịp thời, hiệu quả.

Các địa phương cần cụ thể hóa trách nhiệm của tổ Covid cộng đồng và các lực lượng như công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố trong việc quản lý người về từ vùng có dịch, người hết thời gian cách ly tập trung, công nhân trong các khu công nghiệp, người nước ngoài cư trú trên địa bàn.

Trừ lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu phải thường trực 24/24/7, đối với các cơ quan đơn vị của Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành, cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà (chỉ đến cơ quan khi thực sự cần thiết).

Ca bệnh liên quan đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có liên quan đến Bắc Ninh

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết này 24/5, quận này phát hiện 3 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó, đáng chú ý có bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc. Người này trước đó đã được cách ly tập trung 21 ngày. Trong thời gian tiếp tục tự theo dõi sức khỏe, đến ngày thứ 7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân ở tòa nhà The Legend (109 phố Nguyễn Tuân).

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin về chùm ca bệnh liên quan đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Cầu giấy) có liên quan đến Bắc Ninh. Lái xe của Chánh văn phòng VKS Nhân dân tối cao đã dương tính (đã xác định 42 F1; 933 cán bộ VKS được lấy mẫu và có kết quả âm tính).

Liên quan đến trường hợp lái xe có 42 F1, đã được đưa cách ly tập trung; sở cũng đã lấy mẫu xét nghiệm 933 cán bộ VKS Nhân dân Tối cao và tất cả có kết quả âm tính; trụ sở đã được phun khử khuẩn, hướng dẫn phòng chống dịch.

“Trường hợp ca bệnh ở đây có yếu tố phực tạp liên quan đến tỉnh Bắc Ninh, TP đã vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương. Đồng chí Chánh văn phòng xét nghiệm lần 1 là âm tính nhưng đến thời điểm này có mẹ vợ, con dâu và người giúp việc đã dương tính…Sở đang phối hợp chặt chẽ để theo dõi sát các trường hợp này”, bà Hà nói.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP cho biết, thời gian qua việc kiểm tra, xử lý vi phạm phòng dịch đang trùng xuống như ngày 23-5 báo chí phản ánh việc tụ tập đông người ở bãi đá Sông Hồng.

Thường trực Thành uỷ đã có chỉ đạo, từ nay sẽ nâng cao, siết chặt công tác xử lý vi phạm phòng chống dịch; quy trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các quận huyện để xảy ra việc tụ tập đông người hay không phát hiện, xư lý vi phạm.

"Trong tối 24-5 CATP sẽ có công văn gửi các quận huyện để đẩy mạnh, kiểm tra, xử lý các vi phạm; CATP cũng sẽ tăng cường các lực lượng cắm chốt tại những nơi thường xuyên xảy ra tụ tập đông người. Đề nghị các quận huyện phối hợp, tham gia, giám sát", Đại tá Dương nói.

Hà Nội dự kiến tăng tần suất xét nghiệm cho các trường hợp F1 lên 6 lần

Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng/khu vực nguy cơ, trong đó tập trung xét nghiệm cho công nhân trong các khu/cụm công nghiệp; xét nghiệm sàng lọc cho những người làm việc trong các cơ quan chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố.

Đề nghị Tập đoàn Vingroup chủ động xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ cư dân trong khu đô thị Times City; các doanh nghiệp chủ động xét nghiệm sàng lọc cho người lao động bằng test nhanh.

Tăng tần xuất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần (xét nghiệm vào các ngày: ngày thứ nhất, ngày thứ 4, ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 20 trong khu cách ly tập trung và lần thứ 6 sau khi kết thúc cách ly tập trung 1 tuần - ngày thứ 28); đề xuất hoãn chiến dịch uống vitamin A vào ngày 1-6…

Trước đó, chiều 24/5, đoàn công tác thành phố Hà Nội do đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố làm Trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại tòa nhà Park 11, khu đô thị Times City, phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng ghi nhận phường Mai Động và quận Hoàng Mai phối hợp với CDC Hà Nội đã vào cuộc kịp thời khi phát hiện ca bệnh. Song, đồng chí Chử Xuân Dũng cũng nhận định, chùm ca bệnh tại tòa nhà Park 11, khu đô thị Times City rất phức tạp, nguồn lây chưa xác định.

“Ngoài việc tiếp tục truy vết, CDC Hà Nội cần tập trung xét nghiệm và trả kết quả sớm để có phương án tiếp theo. Tiến hành nhanh chóng, không để sót đối tượng F1 và có đánh giá cụ thể”, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị.

Đồng ý với kiến nghị của CDC Hà Nội về việc sẽ hạn chế dần phong tỏa tại tòa Park 11 khi có đánh giá 300 trường hợp liên quan và chỉ phong tỏa với tầng 15 tòa nhà này, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu thêm về mốc thời gian tiếp xúc với các ca bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động khai báo y tế, ổn định tâm lý và thực hiện nghiêm cách ly giữa các gia đình…

Đối với các tổ Covid-19 cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đang có “khoảng trống” trong việc quản lý nhân khẩu ở các khu chung cư. Do đó, quận Hoàng Mai cần chỉ đạo các tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp với Ban quản lý các khu chung cư nói chung và khu đô thị Times City nói riêng trong việc quản lý cư dân; rà soát văn bản, phân công nhiệm vụ rõ ràng theo từng đầu mục…

Hà Nội chưa xem xét giãn cách toàn thành phố để phòng chống Covid-19

Ngày 24/5, trả lời báo chí về việc có hay không việc sẽ thực hiện giãn cách toàn TP để phòng, chống Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, TP chưa xem xét việc giãn cách ở thời điểm này.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, tình hình dịch Covid-19 hiện đang trở nên phức tạp hơn tại địa bàn Hà Nội do chùm ca bệnh liên quan đến khu đô thị Times City và Công ty T&T. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội đang tập trung thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp ủy Đảng TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong phòng chống dịch và vừa biểu dương, khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt, phê bình, kỷ luật nghiêm minh những nơi làm chưa tốt.

Đối với những khu vực phát hiện ca mắc mới phải được tiến hành khoanh vùng, cách ly ngay; những trường hợp liên quan phải được áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm có giám sát và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”. Trước mắt áp dụng mô hình cách ly “3 lớp”, chỉ phong tỏa theo điểm nhỏ, cách ly nhưng không cực đoan, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của từng địa bàn. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo các cấp, các ngành TP tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp với đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát để Nhân dân tự giác thực hiện biện pháp “5K”, nhất là đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết trong thời điểm này. “Nỗ lực của các cấp, các ngành TP sẽ không thể thành công nếu không có sự chung tay, giúp sức của người dân. Dù dịch có phức tạp đến đâu nhưng nếu mỗi người đều TP đều là một “chiến sĩ” chống dịch thì chúng ta sẽ chiến thắng” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục