Bài 2 : “Tấm khiên” vững chãi trên mặt trận chống dịch

Chia sẻ

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này có lượng bệnh nhân đông hơn, số ca lây nhiễm lớn, bệnh nhân nặng nhiều hơn, khó lường hơn… đã tạo nên sức ép rất lớn với lực lượng y, bác sĩ điều trị. Nhưng điều đó không làm giảm nhiệt huyết, sự quyết tâm chiến đấu và chiến thắng “giặc dịch” của họ.

Bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thực hiện cấp cứu cho 1 ca Covid-19 nặng (Ảnh: Đặng Thanh)Bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thực hiện cấp cứu cho 1 ca Covid-19 nặng (Ảnh: Đặng Thanh)

Giành giật sự sống cho bệnh nhân từ… cửa tử

Là cơ sở y tế tuyến đầu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang điều trị cho hàng trăm ca mắc Covid-19, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch với các bệnh lý nền cần điều trị như: Áp-xe gan, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy gan… Chính vì vậy, tại đây, nhất là ở khu vực hồi sức tích cực, sự khẩn trương, chủ động và không khí căng thẳng luôn bao trùm, hiện hữu. Mỗi khi có người bệnh ngừng tuần hoàn, hay tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, các bác sĩ, điều dưỡng lại bước vào trận chiến sinh tử để giành giật sự sống cho họ.

Chia sẻ về áp lực trong đợt dịch lần này, điều dưỡng Nguyễn Thị Thường - khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kể: “Dịch quá khốc liệt. Chưa bao giờ chúng tôi phải làm nhiều như thế. Áp lực khủng khiếp. Bác sĩ thức trắng nhiều đêm liên tục. Có những ngày đến 25 ca thở máy, 15 ca lọc máu, 5 người điều trị ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể). Các bệnh nhân hồi sức tích cực đều nặng, cần được điều dưỡng chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cơ thể, răng miệng, ăn, thay bỉm, lấy thuốc, tiêm truyền... So sánh với các đợt dịch vào năm 2020, cường độ công việc hiện nay đã tăng lên gấp 5-6 lần. Dù áp lực đè nặng, nhưng các y bác sĩ vẫn chiến đấu bằng tình yêu nghề nghiệp, nghĩa vụ và trách nhiệm, niềm tin, bất chấp môi trường đầy nguy cơ nhiễm virus”.

Phải mang trên mình bộ bảo hộ kín mít tới nỗi chỉ 15 phút sau khi mặc, mồ hôi đã thấm đẫm cơ thể. Kết thúc ca trực ai nấy ướt đầm từ đầu đến chân, tóc bết từng đám, hai bàn tay trắng bệch, nhăn nheo vì ngấm mồ hôi… Ấy vậy mà các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn luôn vui vẻ, lạc quan.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của bác sĩ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đặng Thanh)Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của bác sĩ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đặng Thanh)

“Nhiều điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực sức khỏe không tốt, có bệnh lý nền, theo quy định họ không phải tham gia trực tiếp vào công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nhưng tất cả vẫn xung phong trực chiến, không hoang mang, lo lắng. Khi bệnh viện cách ly, không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, thậm chí chưa đến lúc cai sữa nhưng vẫn sẵn sàng ở lại bệnh viện chống dịch. Ở đây, chúng tôi chỉ biết làm hết sức, dốc lòng cứu những ca bệnh nguy kịch và đã thực hiện được. Với chúng tôi, đó là điều ý nghĩa nhất cho cuộc đời này”- điều dưỡng Nguyễn Thị Thường bày tỏ.

Chẳng thế mà trên trang facebook cá nhân của mình, điều dưỡng Nguyễn Thị Thường đã viết rằng: “Hạnh phúc là gì! Chỉ đơn giản là sự thỏa mãn những ước mong. Và hạnh phúc nào hơn khi được hít thở và bước đi bình an. Những giọt nước mắt âm thầm, hay những khuôn mặt nhợt nhạt vì nắng nóng, những giấc ngủ chập chờn, và cả những đôi mắt hao gầy của chiến sĩ nơi tiền tuyến... tất cả được đổi lại bằng hơi thở, bằng bước đi an yên của những con người đã chạm chân đến cửa tử. Như vậy chẳng là hạnh phúc lắm sao! Như vậy những hy sinh chẳng là xứng đáng lắm sao!”.

Có thể thấy, “hơn một tháng qua, các nhân viên y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã không quản hiểm nguy, khó khăn, vất vả, hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, dấn thân nơi tâm dịch, với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao độ, không ngừng học hỏi, vận dụng sáng tạo kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ thầy thuốc, vật lộn với tử thần Covid-19 để giành lại sự sống cho người bệnh.

Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được giành giật khỏi lưỡi hái của tử thần Covid-19, cho chúng ta thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này. Và, thấy các bệnh nhân đều khỏe lại là sự đền đáp xứng đáng nhất cho tất cả công sức, những giọt mồ hôi của mọi người” - TS.BS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Chạy đua với thời gian

Là một trong các bệnh viện thuộc Sở Y Tế Hà Nội điều trị cách ly các bệnh nhân F0, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận điều trị khoảng 150 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 và đồng thời cũng là bệnh viện tham gia cách ly điều trị các ca bệnh là F1, F2... Fx có triệu chứng được các trung tâm y tế chuyển đến.

Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly, điều trị riêng biệt (Ảnh: BVCC).Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly, điều trị riêng biệt (Ảnh: BVCC).

BS. Lê Văn Đán - phụ trách đơn nguyên điều trị Covid-19, bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Trong đợt dịch lần này, Ban Phòng chống dịch bệnh viện sử dụng riêng một tòa nhà 7 tầng để chuyên điều trị cách ly các ca bệnh nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. “Chúng tôi tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 với tinh thần cao nhất mong muốn bệnh nhân đến với chúng tôi khỏi bệnh, vui vẻ như đang ở gia đình mình. Chúng tôi cũng như biết bao y, bác sĩ khác trên khắp cả nước mong muốn đất nước đánh lui dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường”.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị tại đây cũng có bệnh lý nền tương đối phức tạp. Không người thân bên cạnh chăm sóc, sức khoẻ lại giảm sút nhiều khiến người bệnh Covid-19 rất suy sụp. Lúc này, ngoài trách nhiệm điều trị, các bác sĩ và điều dưỡng bệnh viện Đa khoa Đức Giang còn đóng vai trò là cán bộ tâm lý, động viên tinh thần người bệnh, trong khi chính bản thân họ cũng phải trực chiến 24/24, cách ly, không được về nhà hàng tháng trời.

Với nỗ lực của các y bác sĩ, mới đây, bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thành công cấp cứu một BN Covid-19 (nam giới, 52 tuổi) nguy kịch phải thở máy oxy dòng cao, điều trị lọc máu liên tục bằng quả lọc oxiris. Sau 4 ngày chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực, đến ngày 6/6 khả năng hô hấp của bệnh nhân đã dần phục hồi, ổn định.

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân trên, BS Đỗ Anh Sơn cho biết: “Do không có người thân bên cạnh nên trong suốt trình điều trị, bệnh nhân luôn được nhân viên y tế động viên tinh thần và hỗ trợ thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Khó khăn lớn nhất khi điều trị là vừa phải theo dõi toàn trạng cho bệnh nhân và chăm sóc các trường hợp khác, lại vừa phải liên tục túc trực theo dõi quá trình lọc máu mười mấy tiếng liên tục. Anh em chúng tôi thay nhau mặc áo bảo hộ kín mít để theo dõi bệnh nhân mỗi lần khoảng 3, 4 tiếng, không kể ngày đêm, chẳng dám lơ là. Rất may nhờ những nỗ lực trong điều trị, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng hô hấp được cải thiện”.

Không riêng công tác điều trị, việc lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân cũng hết sức khẩn trương, cẩn thận. Với hàng trăm mẫu bệnh phẩm phải phân tích và xử lý mỗi ngày, các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Vi sinh luôn phải làm việc trong tâm thế chạy đua với thời gian, tập trung cao độ để có thể kịp trả kết quả xét nghiệm sớm nhất, chính xác nhất cho người dân và bệnh nhân đang điều trị, đáp ứng nhanh nhất công tác phòng chống dịch. Kíp trực dày hơn, thời gian làm việc muộn hơn, nhiều đêm phải thức trắng để xử lý mẫu từ lâu đã không còn là chuyện lạ với cán bộ trong khoa.

Cũng với tinh thần “chạy đua” cùng thời gian, không ít y, bác sĩ, sinh viên từ nhiều bệnh viện, trường đại học, cao đẳng y trên cả nước đã xung phong vào “tâm dịch” tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dốc sức tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 1/6, sau cuộc gặp gỡ ngắn với lãnh đạo tỉnh ủy, gần 350 cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Bạch Mai chia làm các nhóm tỏa về TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam và Yên Dũng để cùng phối hợp với các lực lượng y tế địa phương thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 “thần tốc” tại “tâm dịch”.

BSCKII Trương Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường CĐYT Bạch Mai, Trưởng đoàn trực tiếp tham gia chống dịch tại “tâm dịch” Bắc Giang chia sẻ: Thành viên của đoàn miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà dân để “tìm Covid-19”. Dưới cái nắng rát, những bộ đồ áo bảo hộ cấp 4 chứa đầy những giọt mồ hôi và cả tinh thần quyết liệt của thế hệ y, bác sĩ trẻ. Vết khẩu trang hằn trên những khuôn mặt đỏ gay vì mệt và nóng vẫn cố gượng nụ cười. Có bạn dẫu bị sốc nhiệt, phải nghỉ ngơi nhưng không vì thế mà thôi kiên trì thực hiện nhiệm vụ. Ai cũng nỗ lực, thể hiện tinh thần chuyên nghiệp, chính xác từ những công việc nhỏ nhất. Vì thế, chỉ hơn 1 tuần, thầy và trò trường CĐYT đã hoàn thành tiêm chủng gần 86.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng các khu công nghiệp và người dân tại Bắc Giang.

Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tham gia tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Bắc Giang (Ảnh: BYT)Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tham gia tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Bắc Giang (Ảnh: BYT)

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không kể ngày đêm, các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch với tinh thần, ý chí can trường và đang đồng sức, đồng lòng, sẵn sàng gác lại niềm vui, nén lại nỗi buồn của riêng mình… Họ giống như một tấm khiên chắn vững chắc trên mặt trận chống dịch, từng bước đẩy lui dịch Covid-19

(Còn nữa)

 THẢO HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.