Bệnh nhân tim mạch có nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không?

Chia sẻ

Những người có bệnh tim mạch, bao gồm: rung nhĩ, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, sa sút trí tuệ... đều nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ phải nhập viện do nhiễm bệnh và giảm nguy cơ tử vong một khi mắc bệnh. Nếu không tiêm phòng, khi mắc Covid-19 tình trạng bệnh tim mạch dễ bị nặng hơn thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng tổn thương viêm trực tiếp ở tim. Vì vậy, tiêm vắc-xin cho bệnh nhân tim mạch là điều hết sức quan trọng. Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch có chống chỉ định đối với vắc-xin ngừa Covid-19.

Tác động của vắc-xin với người có bệnh tim mạch?

Các nghiên cứu hiện nay về vắc-xin ngừa Covid-19 trên nhiều đối tượng, trong đó có bệnh nhân tim mạch, không thấy bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào. Những khó chịu có thể gặp gồm: đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh, có thể có sốt tương tự như bị cúm. Cánh tay nơi tiêm có thể cứng và đau nhức. Tình trạng này có thể tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 24 - 48 giờ và có thể xử lý bằng giảm đau, hạ sốt thông thường, kết hợp với uống nhiều nước.

Có tỷ lệ khoảng 1 người trên 2 triệu người có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng làm tăng nặng bệnh tim. Tuy nhiên, rủi ro này là cực kỳ hiếm. Lợi ích của việc tiêm vắc-xin lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và do đó mọi người vẫn nên tiêm vắc-xin.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tương tác của vắc-xin với thuốc điều trị bệnh tim mạch?

Không có báo cáo về tương tác giữa vắc-xin và thuốc điều trị bệnh tim mạch, vì vậy bệnh nhân không được bỏ thuốc điều trị tim mạch trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin. Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, kháng kết tập tiểu cầu, khi tiêm có thể bị đau, sưng và bầm tím xung quanh vết tiêm.

Bệnh nhân ghép tim đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có thể tiêm vắc-xin Covid-19 không?

Các vắc-xin hiện nay đều không chứa virus sống, do đó không có nguy cơ gây nhiễm bệnh cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không đáp ứng tốt với vắc-xin và sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin.

Nguy cơ chảy máu khi tiêm cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu ra sao?

Nhiều bệnh nhân tim mạch phải thường xuyên dùng thuốc chống đông máu như thuốc kháng vitamin K (warfarin, sintrom…) hoặc thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (rivaroxaban, dabigatran), hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel) có nên dừng thuốc khi tiêm không? Câu trả lời là không nên và những bệnh nhân này có nguy cơ bị chảy máu tại chỗ tại vị trí bị kim đâm vào cơ cánh tay khi tiêm chủng Covid-19. Vì vậy có thể có nguy cơ bầm tím hoặc sưng tấy xung quanh vết tiêm tại chỗ, để khắc phục, nên sử dụng kim nhỏ (cỡ 23 hoặc 25) để tiêm, sau đó ấn mạnh vào vết thương chứ không day xoa trong ít nhất hai phút. Không như vắc-xin cúm được tiêm dưới da, vắc-xin Covid-19 chỉ có thể có dạng tiêm bắp.

Sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có cần tuân thủ “5K” không?

Câu trả lời là có. Tất cả các loại vắc-xin hiện tại khi tiêm đủ 2 liều chỉ có khả năng bảo vệ cho người bệnh là 75-95% và chưa có bất cứ loại vắc-xin nào bảo vệ 100% cho chúng ta và nó cũng chỉ làm giảm tính trầm trọng của bệnh nếu có bị nhiễm virus. Và một khi người đã tiêm vắc-xin rồi vẫn có nguy cơ lây virus cho người khác mặc dù điều này chưa được khẳng định hoàn toàn vì chúng ta còn chưa có đủ thời gian để trả lời, vì vậy chúng ta vẫn phải thực hiện đúng nguyên tắc phòng bệnh theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Nếu chỉ tiêm 1 liều hoặc liều thứ 2 chậm hơn dự kiến thì hậu quả ra sao?

Hiện nay Việt Nam mới cấp phép cho 4 loại vắc-xin của 4 hãng khác nhau, khoảng cách giữa các lần tiêm là từ 4-8 tuần để đảm bảo có khả năng bảo vệ như trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp còn hạn chế nên để đảm bảo số lượng người dân được bảo vệ nhiều nhất có thể, liều thứ 2 có thể được tiêm chậm lại nhưng theo khuyến cáo là không chậm hơn 12 tuần. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì chờ đợi để được tiêm đủ 2 liều. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hệ miễn dịch của chúng ta vẫn sản sinh đủ kháng thể kháng lại bệnh nếu được tiêm nhắc lại sau 3 tháng.

BS NGUYỄN DŨNG

(Khoa Nội Tim mạch, Viện Tim mạch, bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.