Từ chối xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có vi phạm pháp luật?

Chia sẻ

Do phát sinh một số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, nên UBND quận đã quyết định cách ly y tế toàn bộ phường nơi tôi sinh sống. Ngay ngày đầu tiên thực hiện, cơ quan y tế thông báo tất cả người đang sinh sống trên địa bàn phải đến trụ sở UBND phường để được lấy mẫu xét nghiệm.

Câu hỏi

Do phát sinh một số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, nên UBND quận đã quyết định cách ly y tế toàn bộ phường nơi tôi sinh sống. Ngay ngày đầu tiên thực hiện, cơ quan y tế thông báo tất cả người đang sinh sống trên địa bàn phải đến trụ sở UBND phường để được lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, tôi biết có 2 người trong một gia đình đã không thực hiện, với lý do đang điều trị viêm mũi dị ứng. Thậm chí họ cho rằng đã cách ly tuyệt đối trong nhà nên không sợ bị nhiễm, nếu đi lấy mẫu có khi bị lây từ người khác. Vì là hàng xóm của gia đình này nên tôi rất lo lắng. Giả sử họ nhiễm bệnh mà không được phát hiện thì có thể làm tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Xin hỏi, hành vi nói trên có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì mức xử phạt cụ thể như thế nào?

Nguyễn Văn Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lời

Bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Các hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm: Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm; Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Giám sát trung gian truyền bệnh.

Nơi bạn sinh sống bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hiểu là vùng có dịch (khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch).

Điều 21 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:

“1. Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.

2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.

3. Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh”.

Cơ quan y tế có thẩm quyền lấy mẫu xét nghiệm đối với những người ở vùng có dịch, nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ nhiễm bệnh để giám sát, nếu nhiễm bệnh thì tổ chức điều trị kịp thời. Thêm nữa, đó cũng là một trong những biện pháp để hạn chế tối đa, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Chính vì vậy, tuân thủ yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm là nghĩa vụ. Điều 8 của Luật này quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

“1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Vi phạm một trong những điều cấm nêu trên, không chấp hành biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
Theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi “Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” như trường hợp bạn thông tin sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Thậm chí, nếu làm lây lan dịch bệnh cho người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Theo chúng tôi, có thể người không đi lấy mẫu xét nghiệm là do họ chủ quan, thiếu hiểu biết về phòng chống dịch và quy định của pháp luật. Nếu liên lạc được, bạn nên động viên họ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cũng cần lưu ý, bạn có trách nhiệm thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về trường hợp không tuân thủ quy định phòng chống dịch mà mình biết.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.