Kỳ 3: Giúp đỡ người ngoại tỉnh an tâm ổn định cuộc sống

Chia sẻ

Xa quê lên Hà Nội lao động, mưu sinh vốn đã vất vả, trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, lao động tự do, di cư, sinh viên ngoại tỉnh là đối tượng bị tổn thương nặng nề cả vật chất lẫn tinh thần.

Thấu hiểu điều đó, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã chung tay, huy động mọi nguồn lực chăm lo, hỗ trợ để họ có thể an tâm ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ “ai ở đâu ở yên đó”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trao Thư khuyến nghị cho đồng chí Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trao Thư khuyến nghị cho đồng chí Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. (Ảnh: Q.A)

Yêu thương nữ công nhân như con cháu trong nhà

Quê ở Phú Thọ, hơn 10 năm lên Hà Nội mưu sinh là từng đó thời gian anh Trường Sơn, công nhân công ty Toto Việt Nam ở tại khu trọ của chị Phạm Thị Hợp, Chi hội trưởng Phụ nữ số 2 thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. “Cô Hợp tốt và thương yêu công nhân thuê trọ như con cháu trong nhà” - anh Sơn chia sẻ.

Cảm giác ấm áp ấy đã khiến anh Sơn và hàng chục nam, nữ công nhân ở độ tuổi trung bình ngoài 20 đến từ nhiều miền quê khác nhau như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình… không phải lo lắng nhiều khi quyết định ở lại Hà Nội trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát. Mỗi chiều chị Hợp lại tới khu trọ, như một người mẹ, người cô xem tình hình các công nhân ăn ở ra sao. Khi thì chị nhắc công nhân thực hiện nghiêm quy định 5K, khi chị xắn tay giúp công nhân dọn vệ sinh khu ở; lúc khác, chị tiếp tế rau, thịt, gạo… cho họ. Chị cũng đã nhiều lần giảm và miễn 100% tiền thuê trọ vì biết “công nhân giờ không có việc làm nên chẳng còn thu nhập”.

Giữa tháng 8 vừa qua, thôn Bầu bị phong tỏa do xuất hiện ca F0, nhiều công nhân ở một số khu vực không được phép ra khỏi nơi ở. Chủ nhật hàng tuần, chị Hợp mang rau, đậu phụ của Hội Phụ nữ tặng miễn phí tới tận phòng cho các công nhân. Biết một nữ công nhân cần rau để nấu cháo cho con, chị mang rau củ của nhà tới tặng. Có công nhân gặp vấn đề sức khỏe, chị liên lạc với bác sĩ, hẹn lịch rồi tới phòng trọ đón, bảo lãnh đưa công nhân đến phòng khám. Mới rồi, một nam công nhân thuê trọ của chị bị nhiễm dịch ở nơi làm, sau khi được chữa khỏi đã về phòng trọ tiếp tục cách ly 14 ngày. Chị cùng các công nhân trong khu trọ hỗ trợ nấu ăn cho nam công nhân, sắp thời gian sinh hoạt tại không gian chung hợp lý để đảm bảo quy định cách ly. Nhờ đó, đến nay, khu trọ của chị vẫn an toàn, không có trường hợp nào công nhân bất an phải bỏ về quê.

Tương tự, nhiều hội viên phụ nữ Thủ đô đã trở thành điểm tựa giúp cho người ngoại tỉnh an tâm ở lại Hà Nội. Gia đình chị Phạm Thị Thanh, hội viên phụ nữ phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm mưu sinh bằng việc cho thuê 20 phòng trọ. Gần 2 năm qua, gia đình chị đã nhiều lần giảm tiền thuê phòng ước tính khoảng gần 100 triệu đồng. Riêng hai tháng 7 và 8 này, chị đã miễn giảm tổng số 36 triệu đồng. Chị còn dành tiền mua nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, rau quả, tặng 300.000 đồng tiền mặt cho tất cả 20 phòng trọ. Sự quan tâm của chị đã giúp các sinh viên, người ngoại tỉnh… thấy như đang được cưu mang bởi chính những người ruột thịt ở quê nhà.

Cùng với chị Thanh, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm còn có nhiều hội viên phụ nữ đồng lòng chia sẻ gánh nặng cơm áo cho người lao động xa quê. Đó là chị Đức Hạnh, Tổ dân phố số 2, phường Đức Thắng giảm 45 triệu đồng; chị Kim Thị Lan, phường Minh Khai, giảm 36 triệu; chị Chu Thị Oanh, phường Cổ Nhuế 1 giảm 30 triệu đồng... cho người thuê trọ. Các chị còn tích cực cùng tổ chức Hội vận động các chủ nhà trọ khác miễn giảm tiền thuê nhà. Tại quận Bắc Từ Liêm, chỉ tính riêng hai phường Minh Khai, Xuân Đỉnh… trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, Hội đã vận động 2.759 phòng trọ miễn giảm từ 10% trở lên đến 100% tiền thuê trọ với số tiền lên tới 1,4 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Ước, dân tộc Thái, quê Thanh Hoá, nữ lao động di cư đang ở trọ tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xúc động: “Vợ chồng tôi ra Hà Nội mưu sinh, chồng làm xe ôm, tôi vừa trông con vừa học thêm nghề làm móng. Dịch bệnh bùng phát khiến chúng tôi suy kiệt kinh tế. May mắn là chủ nhà trọ đã giảm 50% tiền thuê nhà và cho nợ số tiền thuê còn lại, đồng thời hướng dẫn tôi làm thủ tục để được nhận quà hỗ trợ từ chính quyền địa phương, kêu gọi hỗ trợ sữa cho con gái tôi mới 2 tuổi và các cháu bé trong khu trọ”.

Tại quận Ba Đình, theo Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Đinh Thị Phương Liên, trên địa bàn có nhiều lao động nữ di cư với mức thu nhập tương đối thấp. Hiểu được những khó khăn của họ, Quận hội đã lập mô hình CLB Chủ nhà trọ để cùng tuyên truyền, phối hợp hỗ trợ người lao động. Tại phường Phúc Xá, CLB này đã hỗ trợ thiết thực cho lao động thuê trọ như giảm từ 30-50% tiền thuê nhà, có hộ đã giảm tới 100% trong đợt giãn cách này. Với những người thuê nhà lâu dài, chủ nhà trọ phối hợp với công ty điện lực lắp đặt công-tơ điện riêng, giúp người thuê được hưởng giá điện của nhà nước, như những người có hộ khẩu trên địa bàn.

Ánh mắt ánh lên niềm vui của một lao động tự do khi được nhận quà hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội.Ánh mắt ánh lên niềm vui của một lao động tự do khi được nhận quà hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội. (Ảnh: H.Lan)

Quan tâm bằng chính sách: Giải pháp lâu dài và bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Hà Nội là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương với 231.000 người. Theo Cục Thống kê thành phố, tính đến ngày 31/12/2020, có 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn thành phố. Lao động nhập cư tới Hà Nội chủ yếu trong độ tuổi trẻ, trong đó nữ chiếm số lượng lớn ở các nhóm tuổi trên 30. Phần lớn phụ nữ nhập cư mưu sinh bằng các công việc như: Thu gom rác, bán hàng rong, giúp việc gia đình, phục vụ tại các cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ…

Bên cạnh những thuận lợi về thay đổi cuộc sống, tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập khi di cư tới Thủ đô, lao động di cư vẫn thường gặp những hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn nhập cư, khó khăn về vấn đề nhà ở, chi trả tiền điện, nước ở mức cao… Với cuộc sống xa gia đình, lao động di cư còn đối mặt với các nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại, mất an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xác định lao động di cư cũng là một thành phần trong dân cư Hà Nội, vì vậy, Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này. Nổi bật là các mô hình “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm” tại Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng với 15 Câu lạc bộ (CLB) giúp việc gia đình thu hút 500 thành viên; Mô hình “Hỗ trợ nữ lao động nhập cư nghèo tại Hà Nội” tại Ba Đình, Hoàng Mai với 8 CLB phụ nữ di cư tại 4 đơn vị (Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thu hút hơn 800 thành viên; Mô hình “Nhà trọ an toàn” tại huyện Đông Anh hỗ trợ cho các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn có nhu cầu được tiếp cận các thông tin về nơi ở và công việc an toàn; Chi hội Nữ lao động ngoại tỉnh tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Chi hội Phụ nữ trẻ ở xã Kim Chung, Đông Anh; 20 nhóm tự lực, 20 nhóm nòng cốt, 15 điểm cung cấp thông tin dành cho lao động di cư tại 4 phường thuộc Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng…

Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội LHPN Hà Nội đã nhiều lần tổ chức các đoàn trực tiếp đến các khu trọ để thăm, tặng quà nhưng quan trọng hơn là khảo sát, nắm bắt thực trạng cuộc sống, ghi nhận khó khăn của lao động tự do, di cư. Trên cơ sở đó, Hội đưa ra khuyến nghị phù hợp, đề xuất cách thức triển khai chính sách an sinh dành cho đối tượng này. Cụ thể năm 2020, Hội đã tiên phong gửi Thư ngỏ tới các chủ nhà trọ để miễn giảm tiền nhà cho người di cư. Vừa qua, ngay khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68 cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội phối hợp với Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng -Light gửi Thư khuyến nghị tới tới lãnh đạo chính quyền các quận, huyện và cơ sở với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi và không bỏ sót đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ. Tới đây, Hội sẽ thực hiện giám sát trực tiếp việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, cùng với việc chăm lo đời sống, hoạt động khuyến nghị chính sách là giải pháp lâu dài, bền vững góp phần hỗ trợ các lao động tự do, di cư ở Hà Nội. Khi lao động di cư an tâm với cuộc sống ở địa bàn nhập cư, họ sẽ chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, cùng xây dựng Thủ đô văn minh.

(Còn tiếp kỳ 4)

HOÀNG LAN – HỒNG NHUNG

 


 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.