Nước mắt chảy xuôi

Chia sẻ

Khi làm mẹ, tôi mới hiểu được những gì mà bà và mẹ tôi trải qua. Tôi không còn tự hỏi: Sao bà tôi,mẹ tôi lại phải hy sinh nhiều cho gia đình đến thế.

Ông bà ngoại tôi sinh được 5 người con, nhưng việc chăm sóc và nuôi dưỡng các con phần lớn là do bà tôi đảm nhiệm. Ông tôi lãng tử, thường thích vui thú bên ngoài, thời gian ở nhà thì chỉ như khách trọ. Bà tôi chẳng được học cao biết rộng, may được tài nấu ăn. Nhờ có những gánh chè đỗ đen mà bà tôi đã nuôi đủ đàn con khôn lớn.

Đến khi mẹ tôi và các cô, chú lập gia đình, tất cả đều mang con tới nhờ bà trông nom cho. Bà tôi nhận hết, chẳng phân biệt cháu nội cháu ngoại, cháu trai cháu gái. Không đi bán chè được nữa vì vướng “cháu mọn” bà tôi chuyển sang bán dưa muối. Chẳng biết do bà tôi xởi lởi hay do quá ngon mà hũ dưa để ở ngay ngoài cổng của bà đắt khách lắm. Ngày nào, bà cũng kỳ cạch rửa một chậu dưa cải rất to để muối thì mới kịp để bán.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi là đứa cháu cuối cùng được ở với bà vì bố mẹ tôi làm xa, không thường xuyên đón tôi được. Tới khi tôi học hết cấp 2, bố mẹ mới không phiền bà trông nom tôi nữa. Chúng tôi dọn đi rồi, những tưởng bà sẽ đỡ bận bịu và có thời gian nghỉ ngơi hơn. Nhưng, bà thì vẫn cứ tất bật vì lại quay sang chăm ông. Ông cả đời sống dựa vào bà, ngày 3 bữa cũng toàn do bà nấu rồi mời ông ăn. Ông chẳng biết gì về giá cả thị trường, chẳng bao giờ phải tự đi mua sắm. Thời trẻ, việc lớn, việc nhỏ, đối nội đối ngoại ông cũng đều phó thác cho bà. Khi về già, không còn đủ sức đây đó nữa, ông tôi ở nhà nhiều hơn nhưng lại trở nên khó tính hơn. Vì thế mà ông bà va chạm nhau nhiều hơn. Ông suốt ngày càm ràm, chê trách bà điều này điều kia. Nhiều lúc, thấy ông như vậy, tôi cũng bực thay cho bà. Bà đã hy sinh cho gia đình, lẽ ra ông phải cảm ơn bà mới phải. Càng lạ hơn nữa, mặc cho ông nói, bà rất ít khi cãi lại ông. Nếu giận ông lắm, bà tôi chỉ tỏ thái độ bằng việc bỏ đi chỗ khác.

Tôi đã từng hỏi bà:

- Cháu thấy ông thật sự vô lý và không công bằng với bà. Tại sao bà lại phải chịu để mình thiệt thòi như vậy ạ.

Bà tôi cười:

- Ông dạo này già rồi, nhiều bệnh, nào thì tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, người lúc nào cũng bí bách nên mới thế. Thôi không chấp, cứ kệ ông đi cháu ạ.

Có lẽ nhờ kiểu suy nghĩ đó của bà mà ông bà tôi mấy chục năm qua vẫn ở với nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bây giờ, đến lượt tôi cũng lại lấy chồng, sinh con. Bà tôi đã già yếu, chẳng thế giúp tôi trông chắt được nữa. Việc trông con cho tôi đi làm do mẹ tôi đảm nhiệm. Mỗi ngày, nhìn mẹ tôi tất bật chăm ông bà, chăm bố tôi, vừa chăm cháu, tôi lại thấy hình ảnh của bà ngoại tôi khi còn trẻ. Mẹ cứ quay đi quay lại với đủ thứ việc không tên cho tới cuối ngày. Còn tôi, lòng thì thương mẹ thật nhưng thi thoảng vẫn cứ cãi lại mẹ. Tôi phàn nàn khi mẹ chưa thể chu toàn việc nọ việc kia. Nhưng, mẹ tôi không lấy đó để phiền lòng hay trách móc con cái.

Bây giờ, tôi đang lăn lộn mưu sinh để kiếm tiền nuôi con, thấy đó như là bổn phận của mình mà chẳng bao giờ nghĩ xem mai này liệu chúng có báo đáp tôi không. Tôi hiểu rằng, nước mắt chảy xuôi, các thế hệ từ bà tôi, mẹ tôi rồi cả tôi nữa cứ tiếp nối nhau sống vì con, vì cháu. Chúng tôi sẽ tự nguyện đóng vai những người giữ linh hồn của gia đình.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.