Điểm chuẩn tăng chóng mặt: Tin được không?

Chia sẻ

Không thể tin được - đó là cảm giác của nhiều thí sinh sau khi biết điểm chuẩn vào nhiều ngành của nhiều trường đại học năm nay. Trước đó, đại diện nhiều trường đại học đã dự báo điểm chuẩn có thể sẽ tăng, nhưng tăng đến mức “phi mã” thì quả khó lường.

Thí sinh viết về ước mơ trúng tuyển đại học tại ngày hội tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 (Ảnh: HL)Thí sinh viết về ước mơ trúng tuyển đại học tại ngày hội tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 (Ảnh: HL)

9 điểm/môn vẫn khó đậu

Theo thông báo của đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Kinh tế (khối C00) có mức điểm chuẩn cao nhất lên tới 29,25. Cao thứ 2 là ngành Luật (khối C00) với mức 28 điểm. Trong các khối, khối A01 vẫn được dự kiến có mức điểm chuẩn “khiêm tốn” hơn do có môn Toán với phổ điểm năm nay nhìn chung không cao, nhưng, ngành Luật Kinh tế (khối A01) của đại học Luật Hà Nội vẫn lấy điểm chuẩn lên tới 26,90. Như vậy, một thí sinh nếu không có điểm ưu tiên, sẽ phải đạt điểm từ gần 9 đến 10 với cả 3 môn thi theo tổ hợp mới có cơ hội vào học tại các ngành này.

Theo mức điểm chuẩn diện xét tuyển kết hợp và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của Học viện Tài chính, ngành lấy điểm cao nhất là Hải quan và Logistics chương trình chất lượng cao với 36,22 điểm. Mức điểm này cao hơn điểm chuẩn năm ngoái tới 5 điểm.

“Trước khi học viện công bố điểm chuẩn, chúng em đều dự đoán có thể ngưỡng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng so với năm ngoái. Nhưng, tăng tới 5 điểm như vậy thì không ai dám ngờ tới” - thí sinh Hoàng Thị Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Trường ĐH Thương mại, được đánh giá có mức điểm chuẩn khá vừa sức với các thí sinh thì năm nay cũng tạo kỷ lục khi có nhiều ngành như Marketing thương mại có điểm chuẩn lên đến 27,45 điểm, các ngành Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế… cũng lấy điểm chuẩn từ 27,10 điểm trở lên, tương đương với việc thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn thi.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đưa ra mức điểm chuẩn của nhiều ngành đều trên ngưỡng 26 điểm như ngành Công nghệ thông tin 26,90 điểm, An toàn thông tin và Truyền thông đa phương tiện 26,55 điểm, Công nghệ thông tin 26,90 điểm.

Gây “choáng váng” nhất trong mặt bằng điểm thi năm nay phải kể tới kỷ lục của trường đại học Hồng Đức với ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao có điểm chuẩn lên đến 30,5 điểm cho15 chỉ tiêu. Có thể thấy, thí sinh dù đạt điểm thi tuyệt đối 30 điểm/3 môn nhưng không có thêm điểm ưu tiên vẫn sẽ không thể trúng tuyển. Tương tự, ngành Sư phạm lịch sử chất lượng cao của trường này cũng có điểm chuẩn lên đến 29,75, mức điểm cao nhất chưa có tiền lệ trong khối các trường sư phạm. Một số ngành khác như Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử cũng có ngưỡng điểm xấp xỉ 28 điểm và trên 28 điểm.

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức điểm chuẩn của nhiều trường đại học đều tăng nhưng vẫn chưa thể đuổi kịp tốc độ tăng của ngưỡng điểm của năm 2021. Đại diện nhiều trường cho biết, nhìn chung, điểm chuẩn năm nay tăng trung bình 2 điểm, cá biệt có trường tăng 9-10 điểm.

Nguyễn Thị Thư, sinh viên năm 2 đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận, nếu năm nay Thư mới tham gia xét tuyển đại học thì đã không có cơ hội đỗ vào trường đại học này.

Đừng thấy "đỏ" mà tưởng "chín”

Đó là bài học kinh nghiệm mà nhiều thí sinh ngậm ngùi rút ra sau khi quan sát mặt bằng xét tuyển đại học năm 2021 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, thí sinh trên cả nước đạt được trên 24.000 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT, cao gấp hơn 4 lần năm 2020, gấp hơn 19 lần năm 2019. Nguyên nhân một phần được cho là do Bộ GD-ĐT ra đề thi dễ thở hơn để phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, thí sinh đạt điểm 25,26 điểm, tưởng chừng cao nếu so với năm 2019 nhưng vẫn không trúng tuyển vào nhiều ngành ở một số trường trong năm 2021.

Vì vậy, theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, khi đánh giá cơ hội trúng tuyển, thí sinh không chỉ dựa trên ngưỡng điểm của mình mà phải đặt trong tương quan mặt bằng điểm chung. Thí sinh không nên nghĩ đề dễ thì cơ hội trúng tuyển cũng dễ vì thuyền lên thì nước lên, nhiều thí sinh cùng làm được bài thì điểm chuẩn sẽ phải cao.

Điều quan tâm hiện nay sau khi biết điểm chuẩn là thí sinh trúng tuyển cần làm gì và còn cơ hội nào cho các thí sinh chưa trúng tuyển trong lần xét tuyển thứ 1?.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, đợt 1 xét tuyển năm 2021 sẽ có sự tham gia cả đông đảo thí sinh và các trường đại học với dự kiến 70% tổng số chỉ tiêu sẽ tuyển được. Thí sinh nào trong diện trúng tuyển cần làm thủ tục xác nhận nhập học. Các thí sinh chưa trúng tuyển sẽ tiếp tục chờ đợi và tham gia các đợt xét tuyển bổ sung của các trường còn thiếu chỉ tiêu từ ngày 26/9. Tuy nhiên, trong đợt xét tuyển bổ sung, trường đại học nào sẽ tuyển sinh bổ sung và bổ sung tuyển vào ngành nào vẫn sẽ là một ẩn số vì phải đợi sau khi thí sinh đã làm thủ tục nhập học xong, các trường mới biết còn thiếu bao nhiêu chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường đại học Ngoại Thương, thí sinh trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển 4 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xác nhận nhập học và nhập học từ ngày 21-23/09/2021. Trường tổ chức khai giảng năm học mới từ 28/9. Về cơ bản, trường đại học Ngoại Thương sẽ không xét tuyển bổ sung.

ThS Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người học và Tuyển sinh, trường ĐH Văn Hiến cho biết, trường sẽ tiến hành nhập học cho các thí sinh trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT từ 16-24/9/2021. Ngày 27/9 các em sẽ bắt đầu chương trình học. Hiện nay, trường chưa thể xác định trường có tuyển bổ sung hay không.

Thí sinh muốn tìm kiếm cơ hội tham gia xét tuyển bổ sung cần theo dõi thông báo trên trang web của các trường đại học để nắm được chỉ tiêu, ngành xét tuyển bổ sung, thủ tục, thời gian nhập học để làm thủ tục kịp thời. Đây sẽ là đợt xét tuyển cuối cùng của mùa tuyển sinh năm 2021.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.