Bài 2: Tin giả, hậu quả khôn lường!

Chia sẻ

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sự lây lan, phát tán tin giả trên mạng xã hội đã để lại hậu quả rất tiêu cực, không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội mà còn khiến cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 gặp khó khăn. Các đối tượng “tung” tin giả đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhóm kín: Nơi “tiếp tay” cho thông tin thất thiệt

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng đăng tin giả, đặc biệt là tin tức liên quan đến tình hình dịch bệnh trên các mạng xã hội càng trở nên phức tạp hơn. Hầu hết, các đối tượng đưa thông tin giả, thông tin sai sự thật đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.

Trung tá Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: Tin giả trên mạng xã hội thường tập trung ở các nội dung như xuyên tạc tình hình dịch bệnh Covid-19 và chủ trương xã hội hoá vắc-xin, việc kêu gọi ủng hộ kinh phí mua vắc-xin phòng, chống Covid-19; Đưa thông tin sai lệch, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước như lợi dụng việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP Hà Nội…; Các thông tin có nội dung xuyên tạc chủ trương cấp giấy đi đường của UBND TP Hà Nội như: “Giấy đi đường là sản phẩm của một quyết định lười suy nghĩ”; “Cấp giấy đi đường mới ở Hà Nội vẫn rối như tơ vò trước giờ G”...; Thông tin sai sự thật về các biến chủng virus mới, các loại thuốc điều trị Covid-19 tại nhà, số ca nhiễm trên địa bàn thành phố, lịch trình di chuyển của các F0, các địa điểm, khu vực có dịch, khu vực bị phong toả, thông tin sai lệch về phân chia vùng xanh - vùng đỏ tại Hà Nội…

“Các đối tượng “tung” tin giả có thể là một số người dân thiếu nhận thức pháp luật, trình độ hạn chế, không nghĩ đến hậu quả của việc đưa tin “thất thiệt”. Một nhóm khác đăng thông tin chưa kiểm chứng nhằm câu view, câu like, tạo sự chú ý để phục vụ mục đích bán hàng, chạy quảng cáo… Đặc biệt, một số đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị cũng lợi dụng giai đoạn khó khăn này để “tung” tin giả nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đây là dạng thông tin nguy hiểm nhất. Tuỳ mức độ và hậu quả của hành vi, các đối tượng tung tin giả đều bị xử lý” - Trung tá Vũ Việt Anh cho biết.

Đặc biệt, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số tin giả được “khởi phát” từ các nhóm riêng tư, group kín trên mạng xã hội. Khi cơ quan chức năng “siết chặt” xử lý nghiêm tin giả đăng công khai trên mạng xã hội, thì tin giả thường xuất hiện tại các nhóm chat riêng tư, các group kín như nhóm bạn thân, nhóm phòng, ban cơ quan, nhóm cư dân của tổ dân phố, nhóm bà mẹ bỉm sữa, nhóm phụ huynh học sinh… Các kiểu tin tức phổ biến là “tin đồn” rò rỉ về một ca nhiễm, hay một quyết định nào đó chưa được ban hành… dễ dàng được chia sẻ. Thậm chí, đời tư, hành tung của một người không may nhiễm Covid-19 có khi bị “tung hê”, đơm đặt, thêm bớt, với giọng điệu châm biếm, phê phán, gây bất lợi cho nạn nhân. Có người tham gia nhiều nhóm kín đã tỏ ra “thạo tin”, tiếp tục chia sẻ thông tin nhận được đến các nhóm khác. Hầu hết thành viên trong nhóm thường có mối quan hệ nhất định. Chính vì vậy, người ta dễ tin tưởng nhau mà không kiểm chứng độ chính xác của thông tin đó. Ít ai biết rằng, những thông tin thất thiệt này nếu chẳng may bị chia sẻ công khai sẽ trở thành tin giả trên mạng xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính một đối tượng có hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật” trên mạng xã hộiSở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính một đối tượng có hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật” trên mạng xã hội (Ảnh: PL)

Như trường hợp N.T.B (33 tuổi) và L.B.N (27 tuổi, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) đã dùng tài khoản facebook cá nhân đăng tải danh sách những người mắc Covid-19 và các trường hợp F1, F2 ở Đắk Lắk gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Ngay sau khi đăng thông tin, hai đối tượng đã bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk triệu tập lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nắm được thông tin đó từ một nhóm kín trên mạng xã hội mà mình tham gia.

Tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hai người dân là bà H.T.M.H và ông N.X.N đã đăng tải trên nhóm zalo riêng của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm 2 lớp học ở địa bàn xã Bảo Minh, TP Đồng Hới về việc có một trường hợp nữ là F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1 với Sars-CoV-2. Tuy nhiên, ngay sau đó, trên mạng xã hội lại lan truyền “chóng mặt” thông tin trường hợp F1 này đã mắc Covid-19 khiến người dân vô cùng bất an, lo lắng. Tại cơ quan điều tra, cả bà H và ông N đều thừa nhận sai phạm khi chưa kiểm chứng thông tin đã vội vàng đăng tải thông tin sai sự thật lên nhóm kín mạng xã hội, đồng thời chịu mức phạt hành chính 10 triệu đồng/người.

Hay nổi cộm là vào tháng 8/2021, câu chuyện “Bác sỹ Khoa” rút ống thở của thân sinh để nhường cho sản phụ phải phẫu thuật gấp từng lấy đi bao nước mắt của người dùng mạng xã hội lại được xuất phát từ những tin nhắn trong một nhóm kín. Sau đó, câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội và trở thành thông tin “hot” sai sự thật… Tại Hà Nội, ông N.H.H (SN 1983, trú tại quận Hà Đông) cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đã cung cấp thông tin liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong nhóm Zalo của cư dân khu đô thị nơi mình đang sinh sống…

Theo luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty luật Bảo Tín, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người dùng mạng xã hội chia sẻ và phát tán thông tin dạng tin đồn trên nhóm kín cũng có thể vi phạm pháp luật. “Tôi từng tham gia nhiều vụ việc mà người vi phạm đã phạm tội "Làm nhục người khác" vì đã sử dụng hình ảnh cá nhân của nạn nhân để bêu rếu, lăng nhục trong các nhóm kín trên mạng xã hội. Khi nạn nhân tố cáo, cơ quan điều tra sẽ xác minh thông tin đưa lên mạng là sai sự thật, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, người tung thông tin sai sự thật hoặc làm nhục người khác trên mạng xã hội dưới bất kỳ hình thức gì thì có thể bị phạt tù đến 2 năm” - luật sư Hiền phân tích.

Tin giả trên mạng xã hội đều được phát hiện và xử lý kịp thờiTin giả trên mạng xã hội đều được phát hiện và xử lý kịp thời (Ảnh: Int)

Cần “Mạnh tay” với tin giả

Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hàng chục đối tượng đã bị các lực lượng chức năng triệu tập, xử phạt hành chính do lợi dụng dịch bệnh để công kích, bêu xấu các tổ chức, cá nhân, phục vụ mục đích câu like để bán hàng online… Cuộc chiến chống tin giả, tin xấu, độc ngày càng được tiếp thêm sức mạnh bởi các giải pháp công nghệ mới. Chỉ trong vài ngày, các đối tượng tung tin sai lệch, bịa đặt về dịch Covid-19 đều nhanh chóng bị lật tẩy và xử phạt thích đáng.

Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến dịch Covid-19 khi chưa được kiểm chứng là vô cùng nguy hiểm, một mặt tạo tâm lý hoang mang không đáng có trong cộng đồng, mặt khác lại góp phần cản trở, tác động xấu tới công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Với những hậu quả đáng kể trên, hành vi này có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng thực tế xảy ra.

Sau khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực và được thực thi thì tất cả các trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật và vu khống… đều bị xử lý hành chính. Cụ thể, điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 /NĐ-CP quy định Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, hành vi cung cấp, chia sẻ những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà có thể áp dụng điều luật phù hợp trong Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt được điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội Vu khống (Điều 156); Tội Làm nhục người khác (Điều 155); Tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159).

“Nghiêm trọng hơn, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy từng mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất đến 7 năm tù. Do đó, mỗi người dân cần tỉnh táo khi tham gia diễn đàn mạng để không vô tình tiếp tay cho tin giả” - luật sư Hoè phân tích.

(Còn tiếp)

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.